Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang - Đặng Quốc Khánh viếng anh linh Anh hùng, liệt sỹ tại Đền thờ liệt sỹ điểm cao 468
Tại buổi lễ dâng hương, cùng với ông Đặng Quốc Khánh, có lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, một số ngành và các huyện, thành phố.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh dâng hương viếng anh linh AHLS (Ảnh: Báo Hà Giang)
Cách đây hơn 40 năm, trên mặt trận Vị Xuyên, suốt hơn 10 năm (từ tháng 2/1979 đến tháng 12/1989), lớp lớp cán bộ, chiến sỹ các đơn vị bộ đội chủ lực cùng nhiều đơn vị bộ đội địa phương đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Người lính trên mặt trận Vị Xuyên khắc sâu lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử”.
Hồi ức mặt trận Vị Xuyên: “Lò vôi thế kỷ”
Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989). Hàng trăm trận chiến đấu đã diễn ra rất quyết liệt, nhiều cán bộ chiến sĩ ở mọi miền đất nước và đồng bào ta đã hy sinh trên mảnh đất này. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất kể từ sau khi Viêt Nam đánh thắng Mỹ.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và các lãnh đạo tỉnh dâng hương viếng anh linh AHLS (Ảnh: Báo Hà Giang)
Để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Trung Quốc, trong 5 năm (từ 1984 đến 1989), Việt Nam chúng ta cũng đã lần lượt huy động tới hàng chục sư đoàn chủ lực, các trung đoàn bộ binh địa phương, đặc công; một số trung đoàn, lữ đoàn pháo binh, công binh, hóa học… hàng vạn dân quân, du kích tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên, hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ cho mặt trận Vị Xuyên.
Từ năm 1984 đến năm 1989, chiến sự xảy ra ác liệt ở xã Thanh Thủy, Minh Tân, Thanh Đức … thuộc huyện Vị Xuyên, xã Bạch Đích, Phú Lũng thuộc huyện Yên Minh (Hà Giang). Tại mặt trận Vị Xuyên, đã có hơn một chục sư đoàn bộ binh, sư đoàn bộ binh luân phiên tham gia chiến đấu. Các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã quyết tâm chiến đấu, giành giật với địch từng chiến hào, từng cao điểm để giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Các lãnh đạo tỉnh dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao các AHLS. (Ảnh: Báo Hà Giang)
Đối với Vị Xuyên, có thể nói, từ sau ngày 18/3/1979, gần chục năm ròng, chưa khi nào Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn, súng cối từ bên kia biên giới rót sang. Từ một địa bàn được xác định là thứ yếu, Vị Xuyên nhanh chóng trở thành điểm nóng, một mặt trận trọng điểm trong chính sách “gặm nhấm” biên giới Việt Nam của quân Trung Quốc thời điểm đó.
Ác liệt nhất, có đợt, chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên về đến thị xã Hà Giang. Cả 5 năm, Trung Quốc đã bắn vào mặt trận Vị Xuyên hơn 1,8 triệu viên đại bác.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh ghi sổ vàng truyền thống tại Đền thờ Liệt sỹ điểm cao 468 (Ảnh: Báo Hà Giang)
Hơn 4000 cán bộ, chiến sỹ, hàng ngàn người bị thương, hàng ngàn liệt sỹ nằm rải rác chưa có tên
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này, ta đo lại, có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn 3m. Ác liệt đến mức mà anh em gọi đó là “Lò vôi thế kỷ”. Trong đó, nhiều trận đánh giành, giữ đất của quân và dân ta diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm: 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích… ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới.
Thắng lợi rất oanh liệt nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hơn 4000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong số họ mới trên dưới 20 tuổi. Hàng ngàn người bị thương, hàng trăm thôn bản bị xóa sạch. Hàng ngàn héc ta ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, đầy bom mìn, vật nổ… Đến nay, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang…
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh thăm hỏi, nghe chuyện kể của các cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Ảnh: Báo Hà Giang)
Thắng lợi của quân và dân ta vô cùng to lớn nhưng tổn thất, mất mát cũng rất đỗi đau thương. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sỹ từ nhiều miền quê trên cả nước đã nằm lại mảnh đất Vị Xuyên; máu của các anh đã tô thắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng; thân thể các anh đã hòa vào đất mẹ, để Tổ quốc mãi mãi bình yên và trường tồn.
Nhìn lại hồi ức xưa, trong không khí trang nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công lao to lớn của các AHLS đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của dân tộc. Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, bằng sự thành kính và tri ân sâu sắc, các lãnh đạo tỉnh thành tâm nguyện cầu hương linh các AHLS yên giấc ngàn thu cõi vĩnh hằng. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nguyện chung sức, đồng lòng, tiếp tục truyền thống vinh quang của các anh; nguyện trung thành với lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu; đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.