Biểu dương Doanh nhân văn hoá xuất sắc năm 2015
Chiều ngày 08/10/2015 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ – Số 8, Huỳnh Thúc Kháng – Hà Nội đã diễn ra Lễ biểu dương “Doanh nhân văn hoá xuất sắc thời kỳ đổi mới – Doanh nghiệp mạnh và phát triển bền vững năm 2015” do Trung tâm văn hoá doanh nhân (VCCI) tổ chức.
Tới tham dự sự kiện này, có sự hiện diện của ông Trần Vinh Quang - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam; ông Hoàng Văn Phòng – Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các vị đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương đã tới tham dự.
Sau gần 30 năm đổi mới cho đến nay, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được con số trên 450.000 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đã hoạt động ở tất cả các ngành nghề khác nhau. Trong suốt thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, các doanh nghiệp của chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và luôn giữ vững vai trò làm cho “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn mình”. Cho đến nay, vị thế của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế, chúng ta cũng đã dần dần hình thành văn hoá kinh doanh mang đậm bản sắc và truyền thống dân tộc Việt Nam. Văn hoá chính là nền tảng của xã hội, văn hoá góp phần quan trọng trong mọi vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, nó chính là động lực cho sự phát triển bền vững, nó quyết định việc xây dựng phát triển, định vị cho một đất nước trên bản đồ thế giới.
Quan tâm đến văn hoá, kết hợp văn hoá với kinh doanh, làm cho cái lợi gắn bó với những giá trị chân, thiện, mỹ là xu hướng chung của các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững. Văn hoá kinh doanh thể hiện qua việc kiếm lời chân chính trên cơ sở tài năng, sức lực của người kinh doanh. Mặt khác văn hoá kinh doanh còn thể hiện ở việc người kinh doanh phải biết quan tâm đến lợi ích tinh thần, khuyến khích tài năng sáng tạo của người lao động, giữ gìn và ngày càng củng cố chữ tín đối với bạn hàng và khách hàng. Chính vì vậy, doanh nhân văn hoá, văn hoá kinh doanh luôn gắn liền với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, đó cũng chính là mục tiêu cao cả nhất mà chương trình tôn vinh “Doanh nhân văn hoá xuất sắc thời kỳ đổi mới – Doanh nghiệp mạnh và phát triển bền vững” muốn hướng đến. Và cũng thông qua đó muốn đề cao những đức tính quý báu của doanh nhân Việt Nam là “Tâm – Tài – Trí – Dũng”, kêu gọi giới doanh nhân phát huy giá trị văn hoá truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, cùng Đảng và nhân dân làm tốt công tác xây dựng đất nước, nâng cao uy tín thương hiệu, chủ động hội nhập trong thời đại mới ./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.