Bình đẳng giới: Khẩu hiệu hay thực tế?
Bình đẳng giới qua số liệu thống kê
Trong tổng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, nữ giới chiếm 48,5%. Trong tổng số lao động làm việc ở các doanh nghiệp (DN) của cả nước, nữ giới chiếm 42,1% (DN Nhà nước 32,1%, DN ngoài Nhà nước 36,3%, DN FDI 66,8%). Tỷ lệ nữ làm việc trong một số ngành chiếm tỷ trọng lớn, như dệt may trên 70%, nông, lâm nghiệp-thủy sản 53,7%, thương mại… Tỷ lệ nữ tham gia quản lý, điều hành DN là hơn 20%, khá cao so với khu vực và thế giới; những DN do phụ nữ làm chủ thường có sự phát triển toàn diện, bền vững hơn và tham gia tốt hơn trong công tác xã hội… Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng của hộ gia đình do nữ làm chủ hộ cao hơn 22,4% so với con số tương ứng của hộ do nam giới làm chủ hội.
Về giáo dục, đào tạo, nữ giới có nhiều đóng góp to lớn. Giáo viên, một chủ thể quan trọng của lĩnh vực này thì nữ giới chiếm tỷ lệ khá cao: Chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối ở hệ mẫu giáo; chiếm 70,9% bậc phổ thông (tiểu học 77,4%, trung học cơ sở 67,9%, trung học phổ thông 61,2%); chiếm 48,9% giảng viên đại học, cao đẳng, 41,2% giảng viên trung cấp chuyên nghiệp.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Tỷ lệ nữ học sinh phổ thông đạt 49,4% (tiểu học 48,6%, trung học cơ sở 48,5%, trung học phổ thông 53,2%); nữ sinh viên đại học, cao đẳng đạt 49,9%; trung cấp chuyên nghiệp đạt 53,7%.
Về y tế và chăm sóc, bình đẳng giới cũng đạt được những kết quả tích cực. Tuổi thọ bình quân của nữ giới Việt Nam đạt 76 tuổi, cao hơn của nam giới (70 tuổi), cao hơn của nữ giới trong khu vực (73 tuổi), nữ giới ở châu Á (72 tuổi), và nữ giới trên thế giới (72 tuổi).
Phụ nữ đã đóng góp quan trọng vào việc giảm tỷ lệ sinh (từ 1,9% năm 2002 xuống 1,66% năm 2011) và giảm tỷ lệ tăng tự nhiên (từ 1,32% năm 2002 xuống 0,97% năm 2011); giảm tổng tỷ suất sinh (từ 2,28 con/phụ nữ năm 2002 xuống còn 1,99 năm 2011)…
Đạt được kết quả trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước sớm xác định nam nữ bình quyền từ khi Đảng ra đời, từ Hiến pháp 1946, từ năm 1982 khi Việt Nam phê chuẩn Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, từ năm 2006 thông qua Luật Bình đẳng giới, năm 2007 thông qua Luật Ngăn chặn và chống bạo lực gia đình, cùng các Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020… Có nguyên nhân từ sự cố gắng của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội và của người dân.
Những thách thức
Bên cạnh những kết quả tích cực, về bình đẳng giới vẫn còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Bao trùm nhất là tư tưởng định kiến trọng nam khinh nữ. Việc thực hiện trong thực tế còn có khoảng cách với quy định pháp luật. Định kiến giới còn khá phổ biến trong mọi đối tượng, trên nhiều mặt. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh (số bé trai/100 bé gái) đã tăng lên nhanh (từ 105,6 năm 2005 lên 111,2 năm 2010, lên 111,9 năm 2011; ở khu vực thành thị, ở một số vùng còn cao hơn) gây ra nguy cơ mất cân bằng giới tính. Bạo lực gia đình, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, lấy chồng người nước ngoài diễn biến phức tạp. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp. Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, phụ nữ còn bị ràng buộc bởi phong tục tập quán lạc hậu, tỷ lệ phụ nữ nghèo, phụ nữ mù chữ còn cao. Đây cũng là những vấn đề chúng ta cần giải quyết trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Theo các chuyên gia của Viện khoa học Xã hội Việt Nam, để phá vỡ thực tại bất bình đẳng và đói nghèo, chỉ phụ nữ phấn đấu thì chưa đủ, cần phát huy vai trò nam giới là người cha, người chồng, công dân và cán bộ lãnh đạo. Có người nói rằng: quan niệm "phong kiến" ở Việt Nam còn rất nặng nề. Người ta hay nêu khẩu hiệu “quét sạch hủ tục” nhưng hành động thì ngược lại.
Muốn tạo ra bình đẳng phải hợp tác và đấu tranh. Phái nữ cần phải có bản lĩnh, không nên cam chịu và tự bằng lòng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.