Bộ Nội vụ hoàn thiện các đề án về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: baochinhphu.vn) |
Theo báo cáo Bộ Nội vụ, để bảo đảm sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và các luật, văn pháp quy phạm pháp luật, Bộ Nội vụ kiến nghị cấp có thẩm quyền cần sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 cho phù hợp với các quy định của Đảng hiện nay như Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng và hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; các quy định, kết luận của Bộ Chính trị về công tác quản lý, xử lý cán bộ, công chức hiện nay.
Ngoài những đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác như xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm; xây dựng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị làm căn cứ xây dựng bảng lương mới; nghiên cứu xây dựng quy định tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý phải có chứng chỉ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính; thống nhất khái niệm “cán bộ”, “biên chế” trong các quy định của Đảng và quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trong đó có số liệu về tiền lương...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hoàn thiện các đề án; chuẩn bị chu đáo các dự luật cần sửa đổi về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức; bổ sung trình cấp có thẩm quyền theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.
Đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng đã phân cấp thì phải phân quyền, xác định rõ chế độ trách nhiệm theo các nghị quyết của Đảng, bảo đảm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đi kèm với đó là chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ; nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung.
Nhất trí với đề xuất thành lập cơ quan liên vùng, liên huyện không phụ thuộc vào địa giới hành chính như cơ quan thuế, hải quan, thị trường, cơ quan tư pháp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, bảo đảm đồng bộ với Luật về Hội trong công tác cán bộ, công chức tại các hội; cùng với đó nghiên cứu, luật hóa cụ thể bảo đảm tương ứng với quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu; nghiên cứu chế độ chuyên gia, các chức danh trợ lý, thư ký cho phù hợp thực tiễn.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề trọng dụng và thu hút nhân tài phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu về điều kiện tiêu chuẩn, nhưng phải có sản phẩm cụ thể, bố trí đúng sở trường, năng lực, đúng vị trí công tác. Bộ Nội vụ cần nghiên cứu sửa đổi chế độ hợp đồng đã quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP theo hướng sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công để phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước, bảo đảm không ký hợp đồng tràn lan rồi lại hủy bỏ như một số địa phương đã thực hiện gần đây; có lộ trình cắt giảm thận trọng, có chế độ, chính sách phù hợp trong quá trình giải quyết.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.