Bộ VHTT&DL: 5 điểm sáng và 5 nội dung cần làm tốt hơn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/ |
Ngày 18/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
5 điểm sáng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ chuyển lời khen ngợi Bộ VTT&DL có nhiều đóng góp trong thành tích chung, thực hiện đúng phương châm 10 chữ mà Thủ tướng nêu là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Trong hoạt động của ngành có 5 điểm sáng.
Thứ nhất, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ, các đơn vị đã tập trung làm tốt công tác xây dựng thể chế. Năm 2017, Bộ đã xây dựng, ban hành 15 văn bản gồm 2 luật, 8 nghị định và 2 thông tư.
Thứ hai, Thủ tướng đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Bộ. Bộ đã tích cực quyết liệt tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trên các lĩnh vực quảng cáo, văn hóa, thể thao, biểu diễn…
Thứ ba, điểm rất quan trọng là công tác quản lý lễ hội có nhiều tiến bộ. Nếu lễ hội xuân năm 2017 có nhiều vấn đề phức tạp như “chặt chém” khách, các hành vi phản cảm…, đặc biệt ở lễ hội lớn, thì tới năm 2018 hầu như đã khắc phục được.
Thứ tư, thời gian qua có thêm nhiều di sản được UNESCO vinh danh. Cùng với đó là các thành tích về thể thao như Đội tuyển bóng đá U23 giành ngôi Á quân châu Á…
Thứ năm, năm 2017 lần đầu tiên đạt 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 4 tháng đầu năm 2018 đạt 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ.
Có tình trạng chạy theo lợi nhuận, bỏ qua các giá trị cốt lõi
Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm tốt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng cũng gợi ý 5 nội dung mà Bộ VHTT&DL cần tiếp tục tập trung làm tốt hơn.
Thứ nhất, trong lĩnh vực văn hóa, đây là vấn đề rất lớn, vẫn còn tình trạng khai thác kiểu tận thu, ăn xổi, chộp giật, coi lợi nhuận là hàng đầu mà bỏ qua các giá trị cốt lõi về văn hóa, lịch sử. Ví dụ như trùng tu, bảo tồn di tích không đúng nguyên mẫu, làm méo mó các giá trị.
“Rồi công tác quy hoạch làng nghề, phát triển du lịch…, khi chúng tôi về địa phương, nhiều nơi người dân phản ánh cần giữ gìn các giá trị văn hóa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu và nhắc tới một số vụ việc gần đây liên quan tới các công trình xây dựng tại miếu Bà Chúa Xứ, làng biển cổ Nam Ô, san lấp lăng mộ tại Huế…
Cùng với đó, Bộ cần rất quan tâm xây dựng thể chế về văn hóa, đây là nhiệm vụ lâu dài.
Thứ hai, điện ảnh Việt Nam đang đối mặt thách thức rất lớn trước sự cạnh tranh của phim nước ngoài tại các rạp. Nhiều phim Việt Nam rất tốt nhưng làm sao để chiếm lĩnh thị phần lớn hơn. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cấp phép biểu diễn, ca khúc, hoạt động nhiếp ảnh… đã phân cấp cho địa phương nhưng cần có cách thức quản lý hiệu quả hơn, nhiều địa phương còn lúng túng.
Thứ ba, hiện nay tình trạng “tour du lịch 0 đồng” đã quay trở lại; quản lý hướng dẫn viên thế nào để tránh các tình trạng như thông tin méo mó lịch sử…
Thứ năm, về thể thao, Thủ tướng rất quan tâm vấn đề kiện toàn ban lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá; công tác đào tạo vận động viên từ nhỏ; nhiều câu lạc bộ hoạt động tốt nhưng vẫn còn mang tính bao cấp.
Thứ năm, quan tâm quản lý nhà nước về quảng cáo, gần đây xuất hiện một số quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục, mang tính bạo lực, quảng cáo sai sự thật…
Tránh “giấy phép chồng giấy phép”
Nội dung lớn thứ ba được Tổ trưởng Tổ công tác đề cập là tình hình rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Hiện theo thống kê, Bộ VHTT&DL có 118 điều kiện, Bộ đã rà soát và báo cáo dự kiến cắt giảm 62 điều kiện, chiếm hơn 50%. Trong năm 2018, Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục hành chính. Bộ cần sớm xây dựng các văn bản để cắt giảm trên thực tế.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết các hiệp hội doanh nghiệp vừa qua kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến điều kiện kinh doanh. Các doanh nghiệp Bộ cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực như kinh doanh karaoke, vũ trường, kinh doanh dịch vụ bảo tàng…
Theo đó, những điều kiện chưa rõ ràng, không hợp lý, không định lượng được cần phải lược bỏ vì gây khó khăn cho doanh nghiệp, chẳng hạn như quy định kinh doanh dịch vụ bảo tàng phải am hiểu chuyên môn về cổ vật, di vật, phải có kho lưu trữ, trang thiết bị phù hợp với thẩm mỹ Việt Nam…, “như vậy rất khó vì mỗi cán bộ hiểu khác nhau”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn kiến nghị rất nhiều nội dung, như sớm có văn bản hướng dẫn về giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng như với cơ sở sản xuất; chính sách phát triển du lịch cộng đồng…
Hiện nay, các cơ sở lưu trú du lịch chịu quản lý về rất nhiều nội dung, đề nghị rà soát thủ tục việc xếp hạng các khách sạn từ 1- 5 sao; việc kinh doanh có điều kiện như karaoke, rượu… trong các cơ sở du lịch để tránh "giấy phép chồng giấy phép"; các cơ quan tăng cường phối hợp để tránh việc thanh tra, kiểm tra quá nhiều trong 1 năm…
Thời gian qua, Bộ cũng có 7 kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ đã trả lời 5 kiến nghị, còn 2 kiến nghị quá hạn trả lời.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.