Cải thiện chỉ số Chính phủ điện tử: Phải sát từng việc
2017-01-18 09:22:02
0 Bình luận
Xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam có thể cải thiện mạnh mẽ hơn nếu các bộ, ngành rà soát, chấn chỉnh lại đầu mối, phương thức cung cấp thông tin, đồng bộ hóa dữ liệu, tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Những nội dung này được thảo luận kỹ trong cuộc họp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các bộ, ngành nhằm cải thiện thứ hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam, chiều 16/1.
Theo bảng xếp hạng Chính phủ điện tử do Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố năm 2016, Việt Nam đứng thứ 89/193 nước, trong đó 3 chỉ số thành phần gồm: Dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 74; hạ tầng viễn thông thứ 110; hạ tầng nhân lực thứ 127.
Báo cáo Chính phủ điện tử 2016 của LHQ cho thấy ngày càng nhiều quốc gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua một địa chỉ duy nhất. 8 nước có mức thu nhập trung bình thấp lọt vào nhóm 65 nước có chỉ số Chính phủ điện tử cao, một phần lớn là nhờ vào cải cách hành chính. Các công nghệ mới như: Big Data, IoT, GIS... trở thành các công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ của các cơ quan công quyền. Mạng xã hội ngày càng trở thành phương tiện giao tiếp hiệu quả giữa cơ quan công quyền và người dân.
Những xu thế chính của Chính phủ điện tử trên thế giới là tích hợp và liên thông các dịch vụ công trực tuyến; dữ liệu mở; sự tham gia của người dân vào quản lý điều hành của cơ quan công quyền và các công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ di động.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các xếp hạng quốc tế liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh, Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo là những lĩnh vực Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đây không chỉ là xếp hạng đơn thuần trong so sánh với các nước mà liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đến tín nhiệm của quốc gia trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế. Tín nhiệm quốc tế cao thì chi phí vốn của cả quốc gia và doanh nghiệp đều giảm.
Đại diện các bộ, ngành đã tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến từng chỉ số thành phần trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam cũng như trách nhiệm của bộ, ngành mình.
Đáng chú ý, có rất nhiều số liệu mà các cơ quan LHQ sử dụng để tính toán chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam không được cập nhật hoặc không được cung cấp.
Điển hình trong chỉ số "Hạ tầng nhân lực" có 2 chỉ tiêu mới là "Số năm đi học kỳ vọng của trẻ em" và "Số năm đi học trung bình của người lớn" nhưng ngành giáo dục không có số liệu công bố.
Tương tự, với chỉ số "Hạ tầng viễn thông", nhiều số liệu về tỉ lệ người sử dụng internet, số thuê bao điện thoại cố định/100 dân, thuê bao di động/100 dân, tỉ lệ băng rộng không dây, băng rộng cố định… đều cao hơn những số liệu được sử dụng trong bảng xếp hạng của LHQ.
Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trước hết thuộc về các bộ, ngành chưa quan tâm sâu sát, thống nhất đầu mối, phương thức cung cấp số liệu đồng bộ.
“Những công việc triển khai Chính phủ điện tử đã được chỉ đạo nhiều năm nay nhưng chuyển biến chưa rõ nét vì chưa đủ cụ thể, chưa đủ quyết liệt, chưa quy trách nhiệm. Buổi làm việc hôm nay chúng ta phải làm rõ công việc cụ thể của từng bộ, ngành, người chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tính toán để cập nhật ngay 2 số liệu còn thiếu trong chỉ số hạ tầng nhân lực, đồng thời phối hợp với Bộ LĐTB&XH thống kê thời gian học nghề của người Việt Nam, từ đó đưa ra số liệu chính xác, thống nhất.
Bộ TT&TT phải xem xét, có văn bản chấn chỉnh, thống nhất đầu mối, cách cung cấp thông tin, hướng dẫn cụ thể những vấn đề liên quan đến cải thiện các chỉ số Chính phủ điện tử không chỉ trong ngành mà cả các bộ, ngành, địa phương khác.
“Cái gì chúng ta làm tốt mà dữ liệu cung cấp không chính xác thì phải chấn chỉnh ngay. Những chỉ số nào đã cung cấp đúng dữ liệu mà vẫn ở thứ hạng thấp thì cần có biện pháp cải thiện mạnh mẽ”, Phó Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết đầu năm 2017, Bộ sẽ ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê TT&TT, báo cáo đánh giá ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước, sách trắng về CNTT. Đây là những văn bản rất quan trọng cung cấp các số liệu liên quan đến Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Liên quan đến chỉ số dịch vụ công trực tuyến, đại diện các Bộ GD&ĐT, LĐTB&XH, TN&MT, Y tế… đã trực tiếp báo cáo về tiến độ thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử.
Ảnh: VGP/Đình Nam |
Những khó khăn được nêu ra liên quan đến quá trình rà soát, lựa chọn những thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; cơ chế thuê dịch vụ CNTT để triển khai dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp, hướng dẫn chưa đầy đủ.
Theo ước tính của Hội Tin học Việt Nam, nếu xử lý được tình trạng trùng lặp các thủ tục hành chính ở cấp Trung ương và địa phương qua chuẩn hóa tên gọi, quy trình, hồ sơ, biểu mẫu, thống nhất giữa Trung ương và địa phương… thì khoảng 130.000 thủ tục hành chính (tính đến đầu tháng 1/2017), sẽ giảm được một nửa.
Đồng tình với nhận định của Hội Tin học Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt cần tham khảo kinh nghiệm những nước có dịch vụ công trực tuyến phát triển như Pháp, Singapore.
“Các đồng chí làm dịch vụ công trực tuyến phải từ 2 mũi. Thứ nhất là những dịch vụ liên quan đến số đông người dân, thường mất nhiều thời gian và phức tạp. Thứ 2 là những dịch vụ có thể làm nhanh, không quá phức tạp. Đồng thời, các bộ nên lựa chọn một số địa phương thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến để tập trung làm thống nhất, nhân rộng ra cả nước”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Từ kinh nghiệm thuê dịch vụ CNTT trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp phép xây dựng ở Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng gợi ý các bộ, ngành xem xét làm trước những dịch vụ có thu phí hoặc những dịch vụ mà nhờ ứng dụng CNTT tiết kiệm được ngân sách, từ đó có nguồn kinh phí để trả cho doanh nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần bàn bạc cụ thể, thống nhất đầu mối, đồng bộ số liệu liên quan đến Chính phủ điện tử để cung cấp cho các tổ chức quốc tế, LHQ theo định kỳ cũng như cập nhật lên cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành.
“Việc cải thiện từng chỉ số một chúng ta phải làm thực sự, đề ra kế hoạch cụ thể, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến. Năm vừa rồi, các bộ đã rất tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng mới được phần ở Trung ương, bây giờ cần tập trung nhiều hơn cho địa phương và phải đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CNTT lớn phải làm nòng cốt tham gia phát triển Chính phủ điện tử.
Về cơ bản, hệ thống văn bản chỉ đạo về Chính phủ điện tử tương đối đầy đủ nhưng yếu ở khâu tổ chức thực hiện, mà một trong những nguyên nhân là không có kế hoạch thật cụ thể. Tôi đề nghị, sau cuộc họp này, lãnh đạo các bộ, ngành phải chỉ đạo rất sát vấn đề này”, Phó Thủ tướng nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo chinhphu.vn