Cần chính sách cho người trẻ, không phân biệt xuất thân, địa vị
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề cập một thực tế đáng lo ngại về một bộ phận lớp trẻ còn thờ ơ với những vấn đề chính trị, xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, một thực tế rất đáng lo ngại là hiện có một số thanh niên thờ ơ với các hoạt động chính trị của đất nước. Ở địa phương, nhiều cuộc họp tổ dân phố rất ít người trẻ tham gia.
Đại biểu dẫn Báo cáo tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên năm 2017 của Trung tâm Phát triển OECD nêu: Có tới một nửa thanh niên Việt Nam chưa từng xem/nghe tin tức về các vấn đề quốc gia; chưa đến 15% thanh niên Việt Nam tham gia xây dựng các chính sách của Nhà nước.
"Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của thanh niên trong các hoạt động chính trị, thông qua nâng cao năng lực, hiểu biết về thể chế và bổ sung kỹ năng sống cho họ”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề nghị.
Theo đó, trước hết, cần đưa các nội dung về thể chế, bộ máy Nhà nước, các vấn đề xã hội và chính trị vào chương trình giảng dạy quốc dân để giáo dục công dân từ sớm. Đặc biệt, trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên định hình rõ khung chương trình cho nội dung về thể chế, bộ máy Nhà nước, các vấn đề xã hội và chính trị; chọn lọc nội dung phù hợp đưa vào sách giáo khoa cùng sự cải tiến phương thức giáo dục nhằm tăng hứng thú cho học sinh, thanh niên.
Cần tăng cơ hội tiếp cận nguồn thông tin chính thống cho người dân, đặc biệt là người trẻ, tranh thủ sự quan tâm của họ đối với nguồn tài nguyên từ báo chí, Internet, cần có hình thức truyền thông phong phú, hấp dẫn để dễ dàng hơn khi đưa các chính sách, những sự thay đổi trong hệ thống pháp luật đến độc giả trẻ một cách đa chiều, đa dạng, đa phương thức.
Chính quyền các cấp cần tạo môi trường cởi mở với một số quy tắc ứng xử đi kèm để thanh niên có thể chủ động thể hiện ý kiến của mình trên các diễn đàn chính trị, xã hội.
Đại biểu cũng đề nghị cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; đề nghị Chính phủ có các chính sách phù hợp đi kèm với tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức nhằm tạo được bộ dữ liệu riêng về trình độ, năng lực và nhu cầu của thanh niên nhằm phát huy được tối đa nội lực của bộ phận này.
“Để tránh tình trạng ‘nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị’ như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã nhắc nhở thanh niên tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI vừa qua, rất cần có sự linh hoạt của thể chế, nhằm tạo điều kiện cho người trẻ không phân biệt địa vị, xuất thân được gắn kết sâu rộng hơn nữa đối với hệ thống chính trị, đưa đất nước tận dụng tốt thời kỳ ‘dân số vàng’ để phát triển”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đề nghị.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.