Người khuyết tật làm cách nào để vượt qua đại dịch Covid-19?

2021-12-03 11:58:42 0 Bình luận
Năm 2020, hầu hết quốc gia áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch, nhiều trường học phải đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến. Một cậu bé khuyết tật 13 tuổi ở thủ đô Maputo, Mozambique, muốn trở thành luật sư để có thể bảo vệ những người gặp khó khăn.

Eduardinho là một cậu bé khuyết tật, việc không được tiếp cận với giáo dục đã tác động sâu sắc tới cuộc sống của một người khuyết tật như em. Eduardinho được học cách đi lại, học cách tự lập, quan trọng hơn cả là em có cơ hội được gặp gỡ và kết bạn với nhiều người.

Giáo dục cũng có ảnh hưởng tích cực đến cậu bé Amir, 14 tuổi, ở thành phố Hebron, Palestine. Dù bị khiếm thị, nhờ được đến trường cũng như có sự hỗ trợ của các loại kính lúp, Amir vẫn có thể đọc sách. Tuy nhiên, như nhiều trẻ em khuyết tật khác, Eduardinho và Amir đều trở thành nạn nhân của đại dịch COVID-19.

Năm 2020, khi hầu hết các nước trên thế giới áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch, nhiều trường học phải đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến. Thay đổi này đặc biệt khó khăn với trẻ khuyết tật. Nhiều công nghệ hỗ trợ như trình đọc màn hình cho người khiếm thị không tương thích với các phần mềm học trực tuyến. Việc học trực tuyến cũng gây ra những tác động về tâm lý, làm gia tăng các vấn đề sức khỏe tinh thần sẵn có của trẻ khuyết tật.

Tiếng nói của người khuyết tật cần được lắng nghe ngay từ khi bắt đầu xây dựng chính sách. Ảnh minh họa.

Không chỉ trẻ em, người trưởng thành khuyết tật cũng đối mặt với rất nhiều thách thức do COVID-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 1,2 tỷ người, tương đương khoảng 15% dân số thế giới, đang sống chung với một số dạng khuyết tật. Nhóm dân số này có thể đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn, do họ cần những sự hỗ trợ nhất định và đôi khi không thể tuân theo các biện pháp phòng ngừa. Ngoài ra, họ có thể gặp những rào cản trong việc tiếp cận thông tin về đại dịch, gặp rủi ro cao hơn liên quan đến tình trạng khuyết tật và đối mặt với việc các dịch vụ hỗ trợ quan trọng bị gián đoạn.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do truyền thông Anh thực hiện trong tháng 6/2021 với 3.351 người khuyết tật, hầu hết cho rằng tình trạng khuyết tật của họ tồi tệ hơn trong đại dịch và hơn 2.400 người cho biết các cuộc hẹn khám bệnh định kỳ của họ bị hủy bỏ.

Còn theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet tháng 3/2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới người khuyết tật ở 3 yếu tố: gia tăng nguy cơ do dịch bệnh gây ra, giảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi, những tác động xã hội bất lợi từ các nỗ lực đối phó với đại dịch. Theo nghiên cứu, trong khoảng thời gian từ 24/1/2020 đến 30/11/2020, tại Anh, nguy cơ tử vong do COVID-19 ở nam giới và nữ giới khuyết tật cao hơn lần lượt 3 đến 5 lần so với nam giới và nữ giới không khuyết tật.

Người khuyết tật cũng đối mặt với nhiều rào cản hơn do các biện pháp phòng chống dịch. Giãn cách xã hội, giữ khoảng cách khiến nhiều người ngần ngại trong việc tiếp xúc, chạm tay giúp đỡ những người khiếm thị. Việc giao tiếp trở nên vô cùng khó khăn với người khiếm thính khi mọi người đều đeo khẩu trang, khiến họ không thể đọc khẩu hình hoặc suy đoán cảm xúc của người đối diện. Trong khi đó, những người phải sống ở các trung tâm y tế chuyên biệt cũng bị cắt đứt hoặc gián đoạn việc tiếp xúc với người thân. Điều này, dù ít hay nhiều, đều tác động đến sức khỏe tinh thần của họ. Nguy cơ lây nhiễm trong các trung tâm y tế này cũng hiện hữu, gây căng thẳng cho bản thân người khuyết tật và gia đình họ. Ước tính, trên toàn cầu có từ 19% đến 72% ca tử vong liên quan đến COVID-19 là ở các cơ sở chăm sóc y tế, nơi nhiều người khuyết tật sinh sống.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, suy thoái kinh tế do đại dịch đặc biệt tàn khốc với người khuyết tật. Tháng 3/2021, nhiều tổ chức chuyên tìm việc làm cho người khuyết tật ở New York cho biết hơn một nửa số khách hàng của họ bị mất việc làm. Tại Chicago, 40% trong số gần 200 người khuyết tật tìm việc làm thông qua tổ chức phi lợi nhuận Aspire bị mất việc và hiện vẫn thất nghiệp.

Trung tâm Northwest hỗ trợ người khuyết tật về trí tuệ và thể chất ở bang Washington cũng thông báo vào thời kỳ cao điểm khi nền kinh tế đóng cửa, chỉ có 15 trong số 208 người khuyết tật tìm việc qua trung tâm này giữ được việc làm. Bà Susan Scheer, Giám đốc điều hành của Viện Phát triển nghề nghiệp tại Manhattan, chia sẻ: “Thông thường mỗi năm chúng tôi tìm được việc làm cho khoảng 200-300 người khuyết tật ở đủ mọi ngành nghề, song đại dịch bùng phát đã khiến phần lớn trong số đó mất việc. Ngay cả trước đại dịch, người khuyết tật đã thường bị bỏ lại phía sau, và giờ đây, họ càng đối mặt với nhiều rào cản. Thậm chí, ngay chính những tổ chức giúp đỡ họ tìm việc làm cũng gặp khó khăn.”

Có thể nói, người khuyết tật là một trong những nhóm dân số bị ảnh hưởng nặng nề nhất giữa đại dịch COVID-19. Giờ đây, khi thế giới đang trên lộ trình thích ứng với đại dịch, hướng tới một cuộc sống “bình thường mới”, các chính phủ và các cộng đồng càng cần quan tâm tới việc hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập sau đại dịch. Năm nay, Liên hợp quốc (LHQ) đã chọn chủ đề: “Sự lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hậu COVID-19 hòa nhập, dễ tiếp cận và bền vững” cho Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12.

Trong thông điệp nhân ngày này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định: “Nhận thức rõ quyền lợi, khả năng đại diện và quyền lãnh đạo của người khuyết tật sẽ thúc đẩy tương lai chung của chúng ta. Chúng ta cần tất cả mọi người, bao gồm cả người khuyết tật, tham gia để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trên khắp thế giới, người khuyết tật và các tổ chức đại diện cho họ đang hành động để thực hiện thông điệp: 'Không có gì về chúng tôi nếu không có chúng tôi'”. Đây là chủ đề có từ năm 2004  nhằm tạo cơ hội để thu hút sự tham gia tích cực của người khuyết tật trong việc hoạch định các chiến lược và chính sách có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Dù thế giới đang ứng phó hay phục hồi sau đại dịch theo cách thức nào, người khuyết tật cần phải được được tham vấn và tham gia vào quá trình phát triển và thực hiện các chính sách đó. Người khuyết tật là tác nhân của sự thay đổi, bởi họ hiểu rõ nhất những thách thức mình phải đối mặt, cũng như cách thức hiệu quả nhất để vượt qua nó.

Nhận thấy những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt trong đại dịch, anh Seme Lado Michael, 27 tuổi ở Nam Sudan, một người khuyết tật về thể chất, đã xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật mang tên “Người hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập”. Anh tâm sự: “với tư cách người hỗ trợ, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, tôi bắt đầu nâng cao nhận thức cho mọi người về sự hòa nhập cho người khuyết tật". Anh cũng hy vọng tiếp cận với tổ chức khác để phối hợp khuyến khích, hỗ trợ người khuyết tật trong đại dịch cũng như giúp người khuyết tật hòa nhập trong giai đoạn phục hồi. Còn tại Anh, Bộ Y tế nước này đã đầu tư 2,4 triệu bảng Anh để giúp các tổ chức từ thiện triển khai các dự án quan trọng nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của người khuyết tật, cùng với nhiều sự hỗ trợ khác để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng tới người khuyết tật.

Ở một số khía cạnh, COVID-19 cũng mang lại cơ hội thay đổi cho người khuyết tật, giúp họ tăng cường khả năng hòa nhập và tiếp cận việc làm. Các rào cản về thể chất và giao tiếp phần lớn đã biến mất khi giáo dục, việc làm, mua sắm và nhiều hoạt động giải trí chuyển sang hình thức trực tuyến. Người khuyết tật có thể được hưởng lợi từ giờ làm việc linh hoạt, ít rào cản hơn trong việc di chuyển và giảm sự kỳ thị tại nơi làm việc. Đại dịch có khả năng trở thành chất xúc tác lớn của sự thay đổi, nhưng sự thay đổi này không thể diễn ra mà không có cam kết của các doanh nghiệp và các cá nhân.

Tiếng nói của người khuyết tật cần được lắng nghe ngay từ khi bắt đầu xây dựng chính sách

Đây là khẳng định của ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam tại lễ kỷ niệm Ngày quốc tế người khuyết tật (3/12) và Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật theo hình thức trực tuyến, diễn ra sáng 2/12 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi tới dự và chỉ đạo.

Theo ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, năm nay, Liên Hợp Quốc kỷ niệm ngày đặc biệt này với chủ đề : "Quyền lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hậu COVID-19 toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững", trong đó nêu lên những thách thức gia tăng mà người khuyết tật phải đối mặt trong đại dịch COVID-19 và hướng tới mục tiêu, đảm bảo quyền lãnh đạo và tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật trong tương lai, toàn diện hơn, với tiếp cận thuận lợi hơn, và bền vững hơn cho tất cả mọi người, sau khi virus được kiểm soát.

Dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nói, NKT là "một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19". Chúng ta phải đảm bảo không làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và rủi ro đối với NKT trong đại dịch COVID-19.

Việt Nam đã thể hiện sự lãnh đạo toàn diện trong việc kiểm soát đại dịch. Công cuộc sống chung với COVID-19 và phục hồi sau đại dịch mang lại cho Việt Nam cơ hội mở rộng năng lực lãnh đạo và xây dựng tương lai tốt hơn, thông qua tăng cường bảo vệ người khuyết tật và đem lại cơ hội bình đẳng cho NKT đóng góp vào các nỗ lực phục hồi sau đại dịch của đất nước.

Đại diện UNDP cho rằng tiếng nói của người khuyết tật nên được lắng nghe ngay từ khi bắt đầu quy trình xây dựng một luật hoặc chính sách mới. Tới đây Luật Người khuyết tật, và các chính sách liên quan khác, sẽ được sửa đổi, do đó đây là thời điểm quan trọng để các tổ chức của người khuyết tật tham gia vào trong toàn bộ quá trình ra quyết định. Các tổ chức của người khuyết tật sẽ giúp đảm bảo sự đại diện và đa dạng quan điểm từ NKT để tối đa hóa phạm vi chính sách, nhằm thực hiện quyền của tất cả người khuyết tật, bao gồm các nhóm bị thiệt thòi và nằm ở khu vực liên ngành, chẳng hạn như phụ nữ và trẻ em khuyết tật, người khuyết tật là người dân tộc thiểu số.

Người khuyết tật không chỉ cần được tham gia xây dựng các chính sách về người khuyết tật, mà cần được tham gia và nhu cầu của họ cần được lồng ghép vào các chính sách quốc gia về phát triển. Điều này được chứng minh thông qua dữ liệu chuyên biệt về khuyết tật, lập ngân sách và lập chương trình tuân thủ CRPD,  quản trị bao trùm lồng ghép chính sách khuyết tật, và trách nhiệm giải trình.

Người khuyết tật cần được nhận diện và đưa vào trung tâm của các chiến lược phát triển bền vững. Chỉ khi tiếng nói của họ được lắng nghe, và khi quyền của những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả người khuyết tật, được thực hiện, chúng ta  mới có thể đạt được mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau".

“UNDP cam kết hợp tác với Chính phủ, các đối tác phát triển và các tổ chức xã hội dân sự để tăng cường hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức đa chiều mà họ phải đối mặt trong bối cảnh COVID-19, xem NKT là đối tác quan trọng trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam, chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng. Chúng tôi hỗ trợ mạnh mẽ người khuyết tật nhận ra tiềm năng đầy đủ của họ để đóng góp hiệu quả vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước” - ông Patrick Haverman nhấn mạnh

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 6 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chính vì thế, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành sự quan tâm, chăm lo sâu sắc cho người khuyết tật. Hằng năm, ngân sách nhà nước đã giải quyết trợ cấp xã hội, phát thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 1,1 triệu NKT. Trong đó, nhiều trường hợp NKT có điều kiện khó khăn được đưa vào các trung tâm phục hồi chức năng và các cơ sở BTXH trên cả nước; Trung bình mỗi năm khoảng 20 nghìn NKT được hỗ trợ đào tạo nghề, hàng tram nghìn học sinh khuyết tật được miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập và các phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe đẩy,…); 100% tỉnh, tình phố trực thuộc TW xây dựng các mạng lưới phục hồi chức năng…

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội người khuyết tật Thành phố Hà Nội cho rằng nhận thức của toàn xã hội và của NKT về vấn đề hoà nhập khuyết tật đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn trong nhiều năm qua. Các cách tiếp cận vấn đề của người khuyết tật được chuyển từ mô hình từ thiện sang mô hình xã hội, dựa trên quyền của NKT, toàn xã hội chung tay dỡ bỏ rào cản đối với NKT và bản thân NKT chủ động xoá bỏ mặc cảm, tự ti, vượt qua định kiến. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19 vẫn còn rất nhiều NKT gặp khó khăn, rào cản trong cuộc sống hàng ngày, cần sự chung tay góp sức của cả xã hội.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14
Đang tải...