Cảnh giác với cò "sốt đất""

2022-02-22 18:00:00 0 Bình luận
Nhận gần 85 tỷ đồng tiền mua đất của 20 khách hàng, "siêu cò" Trần Thị Thúy Liễu không thực hiện theo cam kết mà bỏ đi khỏi địa phương. Có nơi, dựng rạp, dàn cảnh chốt cọc đất như trẩy hội trên dự án "ma".

Bình Dương: Bắt 'siêu cò' bất động sản lừa đảo gần 85 tỷ đồng của khách hàng

Theo VTCNews, ngày 22/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Thị Thúy Liễu (37 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một) liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(Hình minh hoạ).

Theo hồ sơ vụ án, Trần Thị Thúy Liễu làm nghề môi giới bất động sản tại Bình Dương.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2021, Liễu giới thiệu với các khách hàng rằng mình mua được nhiều thửa đất trên địa bàn huyện Dầu Tiếng với giá "mềm" để phân lô, bán nền.

Tin tưởng Liễu là "cò đất" có tiếng, 20 khách hàng không ngần ngại lập hợp đồng đặt cọc và giao tiền cho Liễu với con số lên tới gần 85 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi nhận tiền cọc, Liễu không thực hiện theo cam kết mà bỏ đi khỏi địa phương nên các nạn nhân tố giác hành vi đến Công an tỉnh Bình Dương.

Nhận đơn tố giác của người dân, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã vào cuộc kiểm tra, xác minh. Căn cứ vào những chứng cứ, Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt giữ Trần Thị Thúy Liễu để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương thông báo, ai là người bị hại, người có liên quan đến vụ việc trên liên hệ 0918230320 (cán bộ Phương) 0374781181 (cán bộ Chiến) để phối hợp giải quyết.

Sốt đất ở Tây Nguyên: "Cò" bất động sản lũng đoạn thị trường

Theo Báo Lao Động, thực trạng sốt đất ở các thành phố lớn tại khu vực Tây Nguyên nổi lên từ năm 2021, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. “Cò đất” liên tục tung tin đồn thất thiệt, triển khai các giao dịch ảo để lũng đoạn thị trường, nâng giá chóng mặt các lô ở vị trí đắc địa để kiếm lời...

Tại Gia Lai, sốt đất nhất là các khu vực giáp ranh với TP.Pleiku như xã Ia Sao, Ia Der hoặc các địa điểm gần khu vực sân Golf FLC, khu trung tâm hành chính mới ở huyện Đak Đoa… Đi dọc các đường làng của thôn Jút 2, thôn Đức Thành (thuộc huyện Ia Grai) biển quảng cáo bán đất giăng trên cây, trụ điện và trước ngõ nhà dân. Đơn cử, tại đường Văn Cao (thôn 2, xã Trà Đa) và thôn 1, (xã Biển Hồ, TP.Pleiku), nhân viên công ty môi giới bất động sản dẫn khách từng tốp 3 đến 5 người đi xem đất. Có chủ đất mua hơn 1.000m2 đất, san phẳng vườn cà phê rồi cắm cọc phân từng lô.

 Anh H.T một “cò đất” nói với khách: “Các lô có tầm nhìn ra ruộng, giá rẻ, đảm bảo sau Tết sẽ có được sổ đỏ. Sản phẩm đất nền bên công ty mới tung ra, tầm giá từ 400 đến 600triệu/lô nên thu hút rất nhiều khách hàng có tiền nhàn rỗi mùa dịch COVID-19 để đầu tư. Khu vực gần trường, gần chợ, không gian ruộng lúa thoáng mát nên đã có nhiều người đặt cọc, chỉ cần chậm chân là hết hàng. Đường đất đã được nhân viên địa chính xã cắm mốc, qua Tết sẽ làm đường rộng 8m”.

Còn có một số hộ dân phá bỏ vườn cà phê sát với mặt đường bê tông với ý định xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền. Tại thôn Đức Thành, xã Ia Sao, ông Huỳnh Văn Tuyển đang sử dụng đất đã tự ý xây dựng nâng cấp đường bêtông với chiều dài 40m. Mục đích ông Tuyển là để phân lô bán nền trên đất trồng cây cà phê và đã bị chính quyền xử lý.  

Mặc dù chưa được cơ quan chức năng đồng ý tách thửa, phân lô nhưng nhiều công ty bất động sản như BSO Pleiku, Đất Xinh Gia Lai, Pleiku Land… (trụ sở tại TP.Pleiku) đã quảng cáo, môi giới trên mạng. Các vị trí đường bê tông tự làm được công ty môi giới bất động sản vẽ ra, in thành tờ rơi để giới thiệu với khách hàng.

Tại Đắk Lắk, đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Buôn Ma Thuột cho hay, tình hình sốt đất tại thành phố đã giảm mạnh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Trước Tết, trung bình một ngày, cán bộ ở đơn vị phải giải quyết hơn 500 bộ hồ sơ cho người dân nhưng đến giữ tháng 2 thì đã giảm 50%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều "cò đất" trên địa bàn ngang nhiên thổi giá gây biến động thị trường, thậm chí giao dịch ảo. 

Anh V.T.L. (nhân viên một công ty giới bất động sản ở Đắk Lắk) cho biết: "Ít tháng trước, tôi mới bán được một lô đất nông nghiệp với diện tích khoảng 1 sào (1.000m2). Trước đó, khi dân trong vùng chưa tự ý mở đường đi vào đất thì giá bình quân 300-350 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi mở đường phân lô, thì bất ngờ giá đất nhảy vọt lên tầm 450 đến 500 triệu/500m2 (tự động tách đôi thửa đất - PV), sau vài tháng có thể nhảy lên gấp đôi, gấp 3 tùy theo tùy hình thực thế.

Ở nhiều khu vực đất nông nghiệp khác, người dân sau khi mở một con đường nhỏ, có thể móc nối với các "cò" bất sản đua nhau tung tin đồn sẽ quy hoạch trở thành khu đô thị mới nên đẩy giá cao khủng khiếp. Bản thân tôi làm ở công ty bất động sản tử tế còn thấy choáng, huống gì là người dân, nhà đầu tư. Hiện, người dân ở TPHCM, Hà Nội đang đổ về Đắk Lắk mua đất nông nghiệp với số lượng rất lớn. Nhiều thửa đất lớn tiền tỉ mà giao dịch nhanh chóng như con tôm, bó rau ngoài chợ trời".

Nhiều rủi ro cho người dân, nhà đầu tư

Ông Hoàng Xuân Phương - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Buôn Ma Thuột (Sở Tài Nguyên Môi trường Đắk Lắk) - cho biết: "Cò đất lấy dự thảo quy hoạch đất giai đoạn 2021-2030 để thôi giá đất, đưa tin đồn ảo nên người dân, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý. Bởi đây chỉ mới là dự thảo quy hoạch sử dụng đất và chưa có cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ví như, những khu vực đất nông lâm trường vừa bàn giao dự kiến phát triển đô thị sẽ chuyển đổi làm đất ở nhưng thực tế vẫn chưa được phê duyệt và UBND TP.Buôn Ma Thuột chỉ mới trình UBND tỉnh cho ý kiến. Vì lẽ đó, người dân, nhà đầu tư phải cảnh giác, không nên quá tin lời những người môi giới bất động sản để tránh thiệt hại không đáng có".

Anh V.T.L. cũng nhận định: "Theo kinh nghiệm nhiều năm của tôi, trường hợp người dân, chủ đầu tư nếu mua những lô đất nông nghiệp ảo, bị thổi giá cao nhưng vướng phải vùng nằm trong quy hoạch sử dụng đất của chính quyền sẽ gánh thiệt hại rất lớn. Nếu chính quyền thu hồi đất để làm dự án, đất đó sẽ không được chuyển đổi từ nông nghiệp sang thổ cư. Chủ sở hữu sẽ nhận tiền bồi thường rất thấp (so với giá trị Nhà nước quy định)".

Anh P.N.A., chủ đầu tư bất động sản ở Đắk Lắk - cho biết: "Thường sẽ có 3 yếu tố để tạo nên độ "hot" của một lô đất đó là mục tiêu phát triển của địa phương, sự gia tăng của mật độ dân cư và tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch sử dụng đất của chính quyền. Nếu có đầu tư, tôi cũng chỉ nhắm đến những khu vực tiềm năng, chọn ra những nơi không bị thổi bong bóng giá ảo. Rủi ro với các nhà đầu tư là rất lớn và người này cũng đang cân nhắc về vấn đề này và chỉ chọn những khu vực đắc địa, hạn chế những lô bán sang tay quá nhiều lần". 

Bình Phước: Xôn xao clip công ty bất động sản chốt cọc đất 'vui như hội'

Theo Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 21/2, trên mạng xã hội facebook xuất hiện clip ghi lại cảnh một nhóm môi giới bất động sản dựng rạp bán đất với sự tham gia của hàng trăm người, như đi “trẩy hội” tại Bình Phước. Điều khiến nhiều người không khỏi giật mình là các giao dịch đặt cọc chốt diễn ra liên tục chỉ trong ít phút.

Công ty bất động sản dựng lều bạt để bán đất. ẢNH CẮT CLIP

"Mới mở bán và khách đã chốt cọc gần hết, chỉ còn vài lô..."

Theo hình ảnh trong clip dài khoảng hơn 4 phút được chia sẻ, nhóm môi giới bất động sản đã cho dựng rạp trên mảnh đất trống, bên cạnh con đường có hàng chục chiếc ô tô. Nhiều nhân viên mặc quần tây, áo sơ mi, khoác vét lịch lãm, cầm cặp da và sổ đỏ chạy đi chạy lại liên tục, thông báo khách chốt cọc với một MC đứng giữa bãi đất trống.

Sự kiện thu hút hàng trăm người tham gia. ẢNH CẮT CLIP

Nhân viên công ty bất động sản liên tục từ khu lều bạt chạy đến, hô lớn và thông báo về các lô đất 15, lô 16, 18, 19, 26, 27... có khách đặt cọc. Sức mua nóng đến nỗi có người phải nhắc khéo: “Coi chừng mấy anh cọc trùng”.

Phía công ty cũng giới thiệu đây là “dự án Lộc Khánh” và thông báo liên tục trên loa việc các lô đất được chốt lẫn trong tiếng nhạc inh ỏi. Chỉ trong khoảng 4 phút clip quay lại đã có hàng chục lô đất được khách chốt đặt cọc.

Nhiều người trong giới kinh doanh bất động sản và cả người dân không khỏi đặt nghi vấn đây có phải là sự dàn dựng, làm thị trường ảo của "cò đất" nhằm thổi giá, đẩy nhanh “hàng” khi gặp khách nhẹ dạ, cả tin?

 Hàng chục giao dịch chốt cọc diễn ra chỉ trong vài phút. ẢNH CẮT CLIP

Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, hình ảnh được clip quay lại vào buổi trưa ngày 20/2 tại một khu đất thuộc ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, H.Lộc Ninh (Bình Phước). Những nhân viên rao bán đất thuộc Công ty địa ốc N.K tại TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Trong vai người muốn mua đất dự án Lộc Khánh cũng như tìm hiểu về việc các giao dịch được “chốt cọc” liên tục đang được chia sẻ trên mạng xã hội, PV Thanh Niên đã liên hệ với đường dây nóng của Công ty N.K. Qua trao đổi, một người đàn ông trả lời dự án mới được mở bán và khách đã chốt cọc gần hết, chỉ còn vài lô. Nếu có nhu cầu, công ty sẽ có xe đón, đưa đến trực tiếp dự án để xem đất.

Dự án "ma"?

Liên quan đến việc dự án Lộc Khánh, ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh (H.Lộc Ninh) khẳng định với PV Thanh Niên tại địa phương hiện không có bất cứ dự án khu dân cư nào được cấp phép. Hiện chỉ có 1 tập đoàn mới đang làm thủ tục, nhưng còn lâu nữa mới xong.

Ông Vinh cho biết: "Sáng ngày 20/2, khi nắm thông tin về việc có khoảng 30 xe cùng gần 100 người tập trung để mua bán bất động sản UBND xã đã cử công an cùng các lực lượng xuống làm việc. Buổi sáng, nhóm người này nói không tổ chức. Tuy nhiên khi các lực lượng rút về thì nhóm người này lại làm".

Cũng theo ông Vinh, UBND xã sau đó đã mời một số người liên quan về làm việc và lập biên bản về hành vi tập trung đông người, không báo với chính quyền địa phương để giám sát. Và giao dịch bất động sản nhưng không xuất trình được các giấy tờ liên quan. Hiện UBND xã cũng đã có báo cáo sự việc với UBND huyện cùng các cơ quan chức năng.

“Nhu cầu mua bán của người dân là chính đáng. Dù vậy, UBND xã cũng khuyến cáo người dân mua bán hay chốt cọc bất động sản cần cẩn trọng, tìm hiểu và xác định thật kỹ, tránh lãnh hậu quả pháp lý về sau", ông Vinh khuyến cáo.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...