Cha đẻ của "thần dược" Berberin: Dược sĩ Phan Quốc Kinh qua đời
TS Phan Quốc Kinh - "cha đẻ" của thuốc berberin cùng hàng chục loại thuốc từ các loại cây cỏ thiên nhiên của Việt Nam. |
Nhắc đến các bệnh tiêu chảy, kiết lỵ nhiều người vẫn nghĩ đó là những bệnh thường gặp, dễ chữa, không ăn nhằm gì so với ung thư, HIV ngày nay. Nhưng nửa thế kỷ trước, căn bệnh này là đại dịch mà Việt Nam phải đối mặt.
Khi ấy, Berberin (loại thuốc từ 100% cây cỏ tự nhiên) được coi là “thần dược” cứu sống sinh mạng nhiều người dân. Hàng trăm loại thuốc Tây hiện đại cùng loại ra đời, nhưng Berberin vẫn được coi là loại thuốc chữa bệnh lỵ công hiệu nhất, luôn có mặt trong tủ thuốc của các gia đình Việt Nam.
Năm 1970, đất nước ta rất khó khăn, thiếu thốn, thiên tai hoành hành, bệnh dịch bùng phát, đặc biệt là bệnh lỵ. Ở miền Bắc, nhiều người bị tiêu chảy liên tục kiệt sức rồi tử vong.
Một cuộc họp khẩn đã triệu tập các GS, nhà y học, dược học hàng đầu bàn biện pháp dập tắt dịch lỵ. Vấn đề được đặt ra là phải tự sản xuất thuốc trong nước càng sớm càng tốt. Lúc này, TS Phan Quốc Kinh mới 35 tuổi, đứng lên thay mặt cho ĐH Y Dược xin nhận nhiệm vụ.
GS Hồ Đắc Di băn khoăn: “Thuốc các anh làm ra liệu có tốt bằng thuốc của phương Tây không?”. TS Kinh khẳng định chắc nịch: “Thầy cứ giao cho chúng em, bọn em hứa sẽ tìm ra loại thuốc đó sớm nhất”.
Ngay sau quyết định này, ông đã cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên đi khắp các làng xã ở miền núi, đồng bằng để sưu tầm, nghiên cứu các bài thuốc nam chữa bệnh của các ông lang, bà mế,… Trong 10 ngày, ông đã thu thập được hàng trăm bài thuốc dân gian trong điều trị bệnh lỵ. Từ đó, ông và nhóm nghiên cứu đã chọn ra được 20 cây thuốc có khả năng điều trị bệnh lỵ và bào chế ra được hai loại thuốc là Codanxit và Berberin Cholorid. Sau khi đem kiểm tra dược lý khẳng định hai loại thuốc này đều không có độc tính và tác dụng phụ, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng tại các tỉnh đang có dịch lỵ bùng phát.
Kết quả ngoài sự mong đợi, hai loại thuốc do TS Phan Quốc Kinh bào chế ra đã giúp dập tắt dịch lỵ trong vòng 6 tháng theo đúng lời ông đã hứa với Bộ Y tế. Kí ức mà TS Phan Quốc Kinh nhớ nhất trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này là khi xuống thăm một bệnh viện của tỉnh Hải Dương, có một gia đình người nông dân nọ đã khóc và nói với ông rằng: “Cảm ơn thầy! nhờ thuốc của thầy mà cả gia đình em thoát chết. Các gia đình bên cạnh nhà em đã chết hết rồi…”. Thế mới thấy ngày đó đại dịch lỵ nguy cấp đến mức nào. Và tôi hiểu chính việc nhìn thấy và thấu hiểu nỗi đau này của người dân đã thôi thúc một anh dược sỹ trẻ như ông tìm ra một loại “thần dược” để giữ lại được tính mạng cho người dân nghèo.
Sau này, khi được tham gia báo cáo về các hợp chất thiên nhiên ở Việt Nam trong hội thảo khoa học tại trường Đại học Hoàng Đế London (trường đại học cổ nhất nước Anh), TS Phan Quốc Kinh đều không quên nói về việc dập tắt dịch lỵ bằng thuốc Berberin được bào chế từ cây cỏ Việt Nam. Câu chuyện của ông đã làm cả hội nghị đi từ chỗ ngạc nhiên cho đến khó tin bởi chỉ với 1USD lúc bấy giờ có thể mua được 1000 viên berberin.
Nhờ sự giúp đỡ của các nhà khoa học này, ông đã nghiên cứu chiết xuất và công bố hàng chục loại thuốc thực phẩm chức năng (TPCN) từ các loại cây cỏ thiên nhiên của Việt Nam như: các loại thuốc an thần từ củ bình vôi, lá sen (là người đầu tiên trên thế giới công bố năm 1972); thuốc rheumatin từ rắn biển (công bố đầu tiên trên thế giới); các loại thuốc chữa mau lành vết thương từ rau má (đã được GS Tôn Thất Tùng điều trị cho bệnh nhân);…
Trong các công trình nghiên cứu về sau này, đặc biệt phải kể đến công trình nghiên cứu thuốc giúp tăng sinh lực cho nam giới từ cây Bạch tật lê. Trước đó, Việt Nam phải nhập khẩu loại thuốc này từ Trung Quốc. Nhưng khi có người “mách” với ông rằng ở vùng Phan Thiết của Việt Nam có rất nhiều loại cây này. Ông đã đến Phan Thiết tìm hiểu và nâng công trình nghiên cứu lên cấp nhà nước. Sau đó, loại thuốc này đã được sản xuất phổ biến trong nước và còn xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.