Chỉ có 5% bệnh nhân hen được chẩn đoán và điều trị đúng cách
Chỉ có 5% bệnh nhân hen được chẩn đoán và điều trị đúng cách- Ảnh minh họa |
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết: “Với sự thay đổi mô hình bệnh tật của các bệnh không lây nhiễm đặc biệt là bệnh Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT), chi phí về chăm sóc y tế, đặc biệt là chi phí điều trị gia tăng nhanh chóng, là mối lo ngại ngày càng lớn đối với chính phủ và các nhà hoạch định chính sách.
PGS. Khuê cho biết đánh giá công nghệ y tế được xem là một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các quyết định chính sách chi trả bảo hiểm dựa trên bằng chứng. Một trong những ứng dụng quan trọng của Đánh giá công nghệ y tế là đánh giá chi phí – hiệu quả. Bằng chứng về Hiệu quả kinh tế của thuốc đã dần trở thành tiêu chí quan trọng trong công tác quản lý chi phí khám chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả.
PGS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen và Dị ứng miễn dịch lâm sàng TP.HCM chia sẻ, “Điều trị ngoại trú Hen và BPTNMT ở giai đoạn ổn định để tránh đợt cấp là giải pháp có hiệu quả cao. Chi phí trực tiếp để điều trị duy trì bệnh nhân bị BPTNMT giai đoạn ổn định trong vòng một năm chỉ mất 22 triệu đồng so với 220 triệu đồng là chi phí cần chi trả cho bệnh nhân phải điều trị đợt cấp.
Nghĩa là có thể giúp giảm 90% chi phí nếu chúng ta điều trị bệnh nhân BPTNMT ở giai đoạn ổn định. Con số này cũng đạt được tương tự đối với điều trị duy trì bệnh nhân Hen. Do đó, để Để giảm gánh nặng đợt cấp Hen và BPTNMT, giải pháp kinh tế nhất là xây dựng Đơn vị Quản lý Hen-BPTNMT Ngoại trú đạt chuẩn tại tuyến quận huyện”.
ThS. BS. Trương Lê Vân Ngọc – Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, “ Việc thiết lập các đơn vị quản lý hen và BPTNMT thống nhất, chuẩn hóa mạng lưới cơ sở KBCB trên cả nước sẽ tạo điều kiện cho bệnh nhân tăng cường tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng, giúp giảm biến chứng, tăng cường chất lượng sống, giảm chi phí. Để thực hiện tốt điều này, cần sự chỉ đạo mạnh mẽ, phối hợp của cơ quan quản lý quản lý (BYT, BHXH), các Hội chuyên ngành, các cơ sở KBCB, các cán bộ y tế và sự tham gia của người bệnh”.
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ mắc, tử vong, chịu gánh nặng bệnh tật do Hen và COPD cao nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, có 4,1% dân số bị mắc bệnh hen suyễn, những chỉ có 29,1% trong số đó được điều trị bằng liệu pháp dự phòng hen suyễn. Trong khi đó, tỷ lệ mắc BPTNMT khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi và 37,5% người mắc BPTNMT trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng, điều này gây ảnh hưởng đến công việc và hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
PGS.TS. Phạm Huy Tuấn Kiệt, Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Đại học Y Hà Nội cho biết, “Nghiên cứu về hành vi khám chữa bệnh ở Việt Nam cho thấy: chỉ có 5% được chẩn đoán và điều trị đúng cách, 29% đi khám bác sĩ, 43% tự mua thuốc hay theo toa cũ. Có đến 89% không được điều trị dự phòng. Do đó, phát hiện sớm và quản lý bệnh Hen và BPTNMT tại cộng đồng cũng là một can thiệp kỳ vọng có tính hiệu quả”.
Các chuyên gia cùng nhau bàn luận về nhu cầu quản lý bệnh Hen và BPTNMT tại tuyến cơ sở, thực trạng hiện nay cũng như các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế đối với việc chi trả BHYT cho các thuốc điều trị duy trì nhằm cởi bỏ rào cản giới hạn chi trả để tăng sự tiếp cận của thuốc điều trị Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đối với bệnh nhân trong cộng đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.