Chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở một số nước và bài học cho Việt Nam

2021-01-11 11:48:14 0 Bình luận
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế-xã hội môi trường mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trên thế giới về mô hình kinh tế tuần hoàn để rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

1. Chính sách tài chính thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Trung Quốc

Sự phát triển nhanh chóng bằng cách sử dụng nhiều tài nguyên trong 4 thập kỷ qua của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và làm cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên. Trước các vấn đề cấp bách về môi trường, Trung Quốc ban hành Luật Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (có hiệu lực ngày 1/1/2009) với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn (KTTH), nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, hiện thực hóa sự phát triển bền vững. Sự phát triển của nền KTTH phải tuân thủ theo nguyên tắc ưu tiên điều kiện tiên quyết là khả thi về mặt kỹ thuật, hợp lý về kinh tế và tiết kiệm tài nguyên. Trong quá trình tái sử dụng và tái chế chất thải, an toàn sản xuất phải được đảm bảo để chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của Nhà nước và ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp.    

                                          Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe chia sẻ kinh nghiệm về KTTH của Thụy Điển

 

Trung Quốc thúc đẩy KTTH thông qua cung và cầu nhằm hướng tới sản xuất sạch hơn và tiêu dùng xanh. Đối với người tiêu dùng, Chính phủ đưa ra các chính sách thu gom đồ dùng cũ, thông qua đổi cái cũ lấy các mới hoặc chính sách mua sắm công xanh… Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm khuyến khích nghiên cứu khoa học công nghệ về KTTH thông qua các quỹ khoa học công nghệ. Đối với doanh nghiệp (DN), Trung Quốc đã đưa ra các hỗ trợ bao gồm ưu đãi về thuế, tín dụng và trợ cấp chuyển đổi cho DN từ kinh tế truyền thống sang KTTH, cụ thể như sau:

(1) Chính sách thuế: Nhà nước ưu đãi thuế cho các hoạt động công nghiệp thúc đẩy phát triển của nền KTTH, khuyến khích nhập khẩu các máy móc thiết bị tiết kiệm năng lượng và vật liệu.

Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), các DN đáp ứng đủ điều kiện có thể được miễn hay hoàn thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ nhất định. Đối với thuế thu nhập DN, nếu một DN mua và sử dụng thiết bị đặc biệt trong danh mục quy định nhằm mục đích bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và nước, sản xuất an toàn thì chi phí mua thiết bị có thể được khấu trừ thuế thu nhập 10%. Đối với các DN sử dụng nước thải, khí thải và chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất chính, thuế thu nhập có thể được giảm hoặc miễn trong thời hạn, như miễn 3 năm và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo đối với DN xử lý nước thải cộng đồng, xử lý chất thải cộng đồng, DN đổi mới công nghệ trong bảo tồn năng lượng và giảm phát thải, khử mặn nước biển và các dự án tương tự…

Đối với thuế tiêu thụ, các DN sản xuất dầu diesel sinh học có chất thải động vật và dầu thực vật được miễn thuế tiêu thụ.       

(2) Chính sách tín dụng: Các dự án tiết kiệm năng lượng, nước, đất, vật liệu… các tổ chức tài chính sẽ hỗ trợ tín dụng như ưu đãi vay vốn và chủ động cung cấp hỗ trợ dịch vụ tài chính.

(3) Chính sách hỗ trợ chi phí chuyển đổi: Các DN chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình KTTH được hỗ trợ 10%  chi phí chuyển đổi.

(4) Chính sách giá: Nhà nước áp dụng chính sách giá góp phần bảo tồn và định hướng các tổ chức và cá nhân tiết kiệm và sử dụng hợp lý tài nguyên. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền áp dụng các chính sách giá hạn chế cho các mặt hàng bị hạn chế trong các ngành công nghiệp tiêu thụ tài nguyên cao.

(5) Quỹ khoa học công nghệ: Hội đồng Nhà nước và chính quyền nhân dân các tỉnh, khu tự trị và các đô thị trực thuộc Trung ương sẽ thành lập các quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của nền KTTH. Ngoài ra, Quỹ đầu tư phát triển xanh (huy động từ một phần xã hội hóa và một phần từ ngân sách nhà nước) được sử dụng để tổ chức các cuộc thi khuyến khích, tuyên truyền KTTH. Bên cạnh đó, hàng năm sẽ có hai DN có sản phẩm tốt về môi trường sẽ được trao giải về khoa học kỹ thuật.    

Tính đến năm 2019, có khoảng 109 DN được hưởng hỗ trợ về chính sách chuyển đổi mô hình sản xuất. Điều này cho thấy, các chính sách về hỗ trợ chuyển đổi của Trung Quốc đã đạt được những thành công đáng kể, việc hỗ trợ ban đầu giúp các DN vượt qua được các khó khăn, chi phí trong giai đoạn đầu chuyển đổi sang KTTH, tăng sự khác biệt hóa, tạo ra dòng doanh thu mới và giảm thiểu rủi ro kinh doanh. Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bao gồm 3 giai đoạn là khai thác, sản xuất và vứt bỏ thì KTTH tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.                

2. Chính sách tài chính thúc đẩy KTTH ở Nhật Bản

Thúc đẩy KTTH ở Nhật Bản xuất phát từ việc thiếu không gian bãi rác, địa hình và nguồn tài nguyên hạn chế. Việc chuyển sang KTTH bắt đầu từ năm 1970, nhưng chỉ mang lại kết quả khi Luật Sử dụng tái chế hiệu quả được thực hiện vào năm 1991. Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên ban hành Luật KTTH các chiến lược ra đời nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào và các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng cao, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên. Kế hoạch cơ bản thứ 4 về KTTH đã được thông qua vào tháng 6/ 2018, chỉ ra các biện pháp tích hợp đối với một xã hội bền vững, bao gồm: Kinh tế sinh thái tuần hoàn; quản lý chất thải và phục hồi môi trường thích hợp; tài nguyên quốc gia tuần hoàn và hệ thống quản lý chất thải thiên tai.

Tại Nhật Bản các kế hoạch, chính sách liên quan đến KTTH do Bộ Môi trường soạn thảo, sau đó xem xét các khuyến nghị của Hội đồng Môi trường Trung ương và cuối cùng được Nội các quyết định. Ngoài ra, cũng có một số luật, quy định được thảo luận bởi nhiều bộ ngành liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tao ra khung pháp lý đồng bộ để phát triển KTTH. Cùng với các luật pháp được ban hành thì các bước chuẩn bị quan trọng được thực hiện bởi Chính phủ Nhật Bản đảm bảo tính tuần hoàn trong tất cả các lĩnh vực bao gồm: (1) Tạo ra các khóa học giáo dục nhận thức về các vấn đề môi trường trong trường học, DN, cộng đồng, là nền tảng để phát triển KTTH; (2) Cung cấp các phòng thí nghiệm tái chế trong trường học; (3) Cung cấp thị trường giao dịch tuần hoàn của DN; (4) Cung cấp các ưu đãi, tăng cường hợp tác cộng đồng và tạo sự thân thiện với khách hàng bộ sưu tập các thiết bị cũ; (5) Cung cấp trạm tái chế chất thải.    

Phát triển KTTH tại Nhật Bản được hỗ trợ bởi sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, người tiêu dùng và nhà sản xuất. Người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong phân tách nguồn tái chế, nhà sản xuất có vai trò trong việc tái chế rác thải/nguyên vật liệu, sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài, trong khi đó Nhà nước có vai trò trong việc tạo hành lang pháp lý và khuyến khích tái chế nguyên vật liệu.

Ngoài ra, để sử dụng bền vững nguồn tài nguyên hạn chế, Nhật Bản đã cố gắng giảm tác động tiêu cực đến môi trường ở tất cả các lĩnh vực, trong đó cần phải khuyến khích sự thay đổi nhu cầu sang hàng hóa thân thiện với môi trường. Do đó, Đạo luật thúc đẩy mua sắm xanh đã được ban hành vào năm 2000, áp dụng đối với Chính phủ, các cơ quan, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng khuyến khích phát hành trái phiếu xanh để thúc đẩy các dự án môi trường phát triển. Trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành vào năm 2014 bởi Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và kể từ đó, tổng số lượng phát hành đã tăng lên. Năm 2017, Bộ Môi trường đã công bố Nguyên tắc trái phiếu xanh đảm bảo tính nhất quán với Nguyên tắc trái phiếu xanh do Tổ chức kiểm toán ICMA ban hành. Trái phiếu xanh được phép giao dịch trên sàn giao dịch thị trường chứng khoán.

Nhật Bản là một quốc gia nghèo tài nguyên nhưng có trình độ phát triển cao. Việc chuyển đổi sang mô hình KTTH là gần như bắt buộc, nhằm sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả hơn. Hầu hết các DN, tầng lớp dân cư đều chủ động đối với việc chuyển đổi cũng như xử lý, hạn chế rác thải. Mặc dù, trong giai đoạn đầu tiên của chuyển đổi chi phí chuyển đổi là không nhỏ, không có nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ nhưng các DN tại Nhật Bản đã chủ động đầu tư chuyển đổi do nhận thức được các lợi ích lâu dài của mô hình KTTH. 

3. Những khó khăn vướng mắc của Trung Quốc, Nhật Bản trong phát triển KTTH

Trung Quốc và Nhật Bản đều là những nước tiên phong về phát triển KTTH ở châu Á, nhưng cũng gặp phải một số khó khăn thách thức, khó có thể đạt được KTTH 100% không phát thải, bởi vì một số nguyên liệu chỉ có thể tái chế một số lần nhất định như giấy, hoặc không tái chế như thủy ngân, amiăng….

Bên cạnh đó, KTTH đòi hỏi phải triển khai một cách đồng bộ và hệ thống giữa các thực thể trong nền kinh tế. Trước đây, Trung Quốc đã phát triển mạnh phong trào phân loại rác, tuy nhiên sau khi phân loại rác thì rác lại được đổ gom chung để phân hủy, điều này làm cho việc phân loại rác trở nên không có ý nghĩa. Trong khi đó, Nhật Bản đã khẳng định phát triển KTTH đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Ngoài ra, KTTH đòi hỏi chi phí lớn và ứng dụng khoa học công nghệ cao. Các DN phải bỏ một khoản tiền để mua máy móc, thiết bị mới theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng nguyên liệu sạch, gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của DN.

Phát triển KTTH cần có hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm tái chế riêng. Các sản phẩm tái chế sẽ thường không đạt được tiêu chuẩn so với một sản phẩm sản xuất mới tuy đã đạt được tiêu chuẩn cho phép sử dụng, điều này gây bất lợi cho các DN sản xuất sản phẩm tái chế.

                                              Chống rác thải nhựa thúc đẩy KTTH

 

4. Khuyến nghị cho Việt Nam

Tại Việt Nam, sau một thời gian dài phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ, đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Khái niệm nền KTTH ở Việt Nam đã bắt đầu trở nên phổ biến, nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với các DN vừa và nhỏ. Qua kinh nghiệm của các nước, có thể khuyến nghị một số biện pháp cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, để thúc đẩy KTTH cần phải có một kế hoạch, xây dựng chiến lược và đưa ra các mục tiêu cụ thể, từ đó thực hiện một cách kỹ lưỡng và tạo sự đồng thuận lớn của toàn xã hội.

Thứ hai, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình  KTTH gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế, bao gồm Chính phủ, người dân và DN Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Trong đó, Bộ Tài chính đóng góp các khung về thuế, phí đối với việc bảo vệ môi trường giảm thải rác thải, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên… Việt Nam có thể xem xét nâng thuế đối với việc tiêu thụ các nguồn lực không thể tái chế và ban hành Thuế carbon nhằm hạn chế phát thải ra môi trường.

Thứ ba, đối với DN, khuyến khích DN sản xuất theo hướng sạch và tăng cường tái chế thông qua các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ tài chính cũng như tăng cường trách nhiệm đối với DN trong việc xử lý bao bì, sản phẩm thải ra sau khi sử dụng. Bộ Tài chính có thể xây dựng các chế tài tài chính buộc DN phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình.

Thứ tư, xác định rõ nhận thức của người dân, DN, cơ quan nhà nước… có vai trò quan trọng trong thúc đẩy KTTH. Do đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành có liên quan cần tích cực thực hiện những chiến lược truyền thông và thông tin để nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về KTTH.

Thứ năm, cần có các giải pháp hỗ trợ khuyến khích nghiên cứu, phát triển hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có thể thành lập các quỹ khuyến khích.

Thứ sáu, KTTH sẽ không thành công nếu chỉ dừng lại ở khâu sản xuất tuần hoàn mà còn ở cả khâu tiêu dùng. Vai trò của Bộ Tài chính rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh. Nhật Bản và Trung Quốc đều đưa ra Luật Mua sắm xanh, trong đó đơn vị sử dụng ngân sách cũng như người dân được khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế./.     

 Tài liệu tham khảo:

1. Gao Ling (2016), An Analysis on Japan’s Circular Economy and Its Effects on Japan’s Economic Development.

2. Insititute for Global Environmental Strategies (2018), Circular Economy in Japan.

3. Olabode Emmanuel Ogunmakinde (2019), A Review of Circular Economy Development Models in China, Germany anh Japan.

4. We Li and Wenting Lin (2016), Circular Economy Policies in China.

5. Wiliam Mcdowall (2017), Circular Economy Policies in China and Europe.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00

Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á phẫu thuật nhân đạo cho người nghèo tại Hải Phòng

Sáng 22/11, Đoàn công tác của Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á (APBA) do Giáo sư Bác sĩ Hattori Tadashi - Giám đốc dẫn đầu, đến khám và phẫu thuật nhân đạo cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng về dịch kính võng mạc tại Hải Phòng.
2024-11-22 19:05:20

Fansipan rực rỡ sắc màu lễ hội hoa sen đá, giá vé cáp treo chỉ còn 550.000 đồng

Lầu đầu tiên được tổ chức tại Fansipan, Lễ hội hoa sen đá đem đến vô vàn trải nhiệm độc đáo cho du khách, đặc biệt khi Sa Pa đang vào mùa mây đẹp nhất năm.
2024-11-22 18:47:26

HEAD Honda Thắng Lợi lưu chuyển tiền thuần âm và chiến lược vượt khó

Mặc dù trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Công ty TNHH Thắng Lợi âm 225 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 1,7 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2023, công ty TNHH Thắng Lợi đạt hơn 711 tỷ đồng doanh thu, báo lãi sau thuế hơn 260 triệu đồng.
2024-11-22 17:40:02

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học Quốc gia Malaya

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN.
2024-11-22 14:08:22

Hợp tác xã Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường kỷ niệm 10 năm thành lập

Hợp tác xã (HTX) Cựu chiến binh (CCB) Vạn Xuân Trường là mô hình được thành lập theo Luật HTX năm 2012, qua 10 năm hoạt động đã vươn lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể, là HTX tốp đầu của tỉnh Nam Định về sản xuất kinh doanh.
2024-11-22 09:34:27
Đang tải...