Chơi cạnh nương cỏ đang cháy, cháu bé 3 tuổi bị bỏng nặng, nguy kịch
Anh Già Mí Lùng, (27 tuổi, trú ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho biết, vì không có ai trông con nên vợ chồng anh Lùng phải đưa cả 3 đứa con lên nương. Để các con tự chơi với nhau, vợ chồng lúi húi thu dọn nương, chuẩn bị cho vụ ngô mới. Bất ngờ Mí Lùng nghe thấy tiếng hét thất thanh của đứa con thứ 2, Già Thị Mỷ (3 tuổi ), ngoảnh lại thì con bé đã chìm trong đám lửa của bãi cỏ tranh Mí Lùng mới đốt…
2 vợ chồng cuống cuồng dập hết lửa trên người con, thì cũng là lúc con bé rơi vào hôn mê. Mí Lùng vội vàng đưa con lên bệnh viện huyện. Nhận thấy tình trạng hết sức nguy kịch của bé, sau khi sơ cứu bác sĩ chuyển thẳng Mỷ xuống Hà Nội ngay trong đêm. Chuyến xe cứu thương chạy xuyên đêm, đưa thẳng Mỷ tới khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Bỏng quốc gia, đã kịp thời giữ lại được tính mạng cô bé 3 tuổi.
Khi nhập viện, trong người ông bố trẻ chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng vay nóng của bà con trong bản, ngay cả trả tiền thuê xe cũng không đủ. Tiền không còn, hơn một tháng trời cùng con ở bệnh viện, người đàn ông H'Mông tội nghiệp này sống bằng những suất cơm, cháo từ thiện.
Bé My bị bỏng diện nặng, gia cảnh hết sức khó khăn (Ảnh: Báo Dân trí)
Tài sản của đôi vợ chồng người H'Mông nói tiếng Kinh chưa sõi này chẳng có gì ngoài mảnh nương cằn cỗi trồng ngô và căn nhà bằng tre nứa đã cũ nát. Quanh năm suốt tháng, bữa ăn của gia đình 5 nhân khẩu này thường chỉ là cơm độn sắn chan canh rau rừng lõng bõng, hay ăn mèn mén thay cơm.
Vợ phải ở nhà trông đứa con bé 1 tuổi chưa cai sữa, một mình Mí Lùng chăm sóc con tại bệnh viện. Giao thừa, cũng là lúc con gái anh đang phải trải qua những giây phút cam go, quyết liệt giành giật mạng sống với tử thần. Những tiếng tịch tịch, sè sè…, của các loại máy móc, thiết bị y tế trợ giúp con gái cầm cự mạng sống càng khiến anh hoang mang, sợ hãi đến tột độ. Nhiều đêm liền, anh Lùng không dám chợp mắt, anh lo sợ khi tỉnh dậy không còn được nhìn thấy con gái nữa.
Trao đổi trên Dân trí, bác sĩ Trần Dịu Hiền, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cho biết, bé My bị bỏng 55 % cơ thể, trong đó 52% độ sâu 3, 4 ở mặt, thân, tứ chi. Lúc nhập viện bé bị sốc bỏng rất nặng, tưởng rằng sẽ không vượt qua nổi. Hơn 1 tháng tại khoa Hồi sức tích cực, các y, bác sĩ đã cố gắng hết sức từng giây từng phút chạy đua với tử thần, giúp em tạm thời vượt qua cơn nguy kịch. Hoàn cảnh của gia đình bé My vẫn rất cần được sự chung tay giúp đỡ từ các mạnh thường quân.
Thương cảm không kém là hoàn cảnh của vợ chồng anh Huỳnh Văn Kiệt (43 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Do tình hình dịch bệnh, vợ chồng anh phải rời TP.HCM về quê lánh nạn. Về quê nhà, căn bệnh thoái hóa cột sống trở nặng khiến anh Kiệt không làm được việc gì nặng, lao động chính trở thành người phụ thuộc. Cùng với đó là 3 đứa con nheo nhóc, lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi bám víu ông bà nội già yếu.
Bố bệnh tật, 3 đứa con đối diện nguy cơ thất học (Ảnh: Báo Dân trí)
Thương nhất 2 đứa con gái lớn của anh Kiệt là cháu Thảo My (13 tuổi) và Thảo Vy (12 tuổi) đang học lớp 7 và lớp 6. Trong nhà chỉ có chiếc giường ngủ, không có nỗi cái bàn học, hai cháu phải học bài nhờ bên nhà ông bà nội.
"Cháu muốn học tiếp nữa, học để có cái chữ, con số, muốn có nghề nghiệp sau này ổn định để còn có thể lo cho cha, cho các em", cháu Thảo My nói khi tôi hỏi về ý định của cháu. Nhưng trước tình cảnh éo le của gia đình, 2 chị em Thảo My đang đứng trước nguy cơ thất học giữa chừng.
Hiện vợ anh Kiệt là chị Dương Kim Sương (37 tuổi) đang đi làm thuê ở Long An với thu nhập bấp bênh. Ngoài chi phí để lo cho bản thân ở xứ người, chị tiết kiệm gửi về 2-3 triệu đồng để cho chồng mua thuốc uống và lo cho con ăn học. Với số tiền này, thật sự không thấm tháp vào đâu với 4 cha con anh Kiệt.
Trong khi đó, anh Kiệt cho biết, hằng ngày anh phải uống thuốc để điều trị ngoài bệnh thoái hóa cột sống, còn nhiều căn bệnh khác như trào ngược dạ dày, đau dây thần kinh tọa, viêm xoang mãn tính…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.