Chổi đót phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn: Làng nghề độc đáo gần 100 năm tuổi
Đến với làng nghề chổi đót ở phường Quảng Phong không mấy xa lạ khi bắt gặp hình ảnh các bà, các chị tay đang thoăn thoắt xé đót, buộc chổi, trò chuyện râm ran. Làng nghề truyền thống làm chổi đót không chỉ mang lại đời sống khấm khá cho người dân nơi đây mà còn góp phần gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa.
Làng nghề chổi đót tổ dân phố 5, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn
Được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào ngày 25-11-2015, từ một nghề phụ, chỉ làm lúc có thời gian nhàn rỗi, giờ đây, nghề làm chổi đót ở tổ dân phố 5, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn được xem là một nghề có nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình nơi đây. Làng nghề chổi đót phường Quảng Phong là một làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển gần 100 năm bắt nguồn từ việc một số hộ gia đình trong làng lên các xã vùng cao của huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa để lấy cây đót về làm chổi bán kiếm thêm thu nhập.
Giữ gìn, lưu truyền nghề truyền thống
Theo các cụ cao niên thì làng nghề chổi đót ở phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn đã tồn tại gần 100 năm nay. Đầu tiên là một số hộ gia đình cứ vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân thường lên các xã vùng cao của huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa để lấy cây đót về làm chổi bán, kiếm thêm thu nhập. Khi mới hình thành số hộ làm nghề này còn ít, mặt khác, do hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ đã làm gián đoạn sự phát triển của làng nghề. Đến năm 1999 làng nghề mới hoạt động trở lại. Lúc này, chỉ có 19 hộ nhưng đến năm 2024, có gần 20 hộ làm chổi đót, gắn bó với nghề.
Nghề làm chổi đót là niềm tự hào của không ít người dân phường Quảng Phong bởi những bông đót, cái chổi đã giúp bao thế hệ trong làng có cái ăn, cái mặc. Không chỉ vậy, nghề chổi đót còn góp phần xây dựng cho con người có được sự bền bỉ, cẩn thận trong tính cách. Đây là nghề phụ lúc nhàn rỗi, cứ xong xuôi việc đồng áng thì bà con lại bắt tay vào làm chổi để bán. Nghề làm chổi đót ở đây không chỉ người lớn mới làm được mà trẻ em cũng biết làm, nhất là vào thời gian nghỉ hè, các em tranh thủ giúp cha mẹ để có thêm thu nhập. Ban đầu, các em làm những công đoạn đơn giản, nhưng làm tới đâu lại được bố mẹ chỉ dẫn tới đó nên đứa trẻ nào cũng làm được chổi đót. Mỗi ngày, một gia đình tranh thủ làm 30 đến 40 cái chổi mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trong tổ dân phố 5, và trong làng nhờ làm chổi đót mà có cái ăn, có tiền lo cho con cái ăn học tử tế. Thu nhập nghề làm chổi không cao, trung bình từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng tính ra cũng bằng thu nhập của cả một sào lúa khi được mùa, hơn nữa lại luôn ổn định. Vì vậy nói là tranh thủ, nhưng hầu hết chị em khi đã tham gia làm chổi đều say mê, quanh năm theo nghề, chỉ ngày mùa các chị mới tạm nghỉ vài hôm để cấy, gặt.
Kể về việc ăn nên làm ra từ cây chổi đót, ai cũng phải khâm phục cho sự chịu khó, năng động của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tân (tổ dân phố 5). Từ hai bàn tay trắng, dù còn trẻ, nhưng ông là người tiên phong trong phát triển nghề làm chổi đót ở địa phương và rất thành công trong việc làm giàu từ nghề này. Không những chuyên làm chổi đót mà gia đình ông còn bán nguyên liệu, thu mua sản phẩm cho bà con rồi xuất bán ở các chợ trong tỉnh, thậm chí chổi đót Quảng Phong còn vươn ra tận các chợ Hà Tĩnh, chợ Vinh...
“Làm chổi đót không khó nhưng để có được một cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp thì cần phải có đôi bàn tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, đặc biệt là công đoạn vào cán và bện. Bông đót để làm chổi cũng yêu cầu khi thu hái phải được nắng, có màu trắng xanh, dài thì chổi mới bền”, ông Nguyễn Văn Tân, thợ làm chổi đót lâu năm ở Quảng Phong chia sẻ.
Tuy nghề làm chổi đót đã và đang mang lại cho người dân nơi đây một nguồn thu đáng kể, nhưng công việc này không phải lúc nào cũng thuận lợi, bởi đang đứng trước những thách thức như thiếu nguồn vốn và đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định. Thực tế cho thấy, những năm trước đây, ở Quảng Phong, nhà nào có làm chổi đót thì mức sống ổn định hơn. Với một hộ gia đình lành nghề trung bình làm được 20 đến 30 sản phẩm/ngày. Giá bán bình quân chổi đót có rất nhiều loại chổi đót; chổi đót bền, đẹp có giá từ 80 đến 100 ngàn đồng/cây; chổi đót loại bình thường giá 50 ngàn đồng/cây; chổi đót phục vụ trong lĩnh vực xây dựng là giá từ 20 đến 25 ngàn đồng/cây. Tuy khó có thể làm giàu nhưng với nghề làm chổi đót trong tay, người dân làng nghề Quảng Phong ngày trước không phải lo đến việc đói ăn, thiếu mặc.
Gian nan giữ nghề chổi đót Quảng Phong
Có lịch sử gần một trăm năm tuổi, nghề làm chổi đót Quảng Phong, thị xã Ba Đồn đã trải qua biết bao biến thiên, thăng trầm của cuộc sống. Vào giai đoạn cực thịnh, nghề là niềm tự hào, là “cần câu cơm” góp phần cải thiện cuộc sống của biết bao người dân nơi đây. Thế nhưng hiện nay, trong cơ chế thị trường, làng nghề chổi đót Quảng Phong đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức và nguy cơ bị mai một hoàn toàn có thể xảy ra nếu không kịp thời tìm được giải pháp “cứu cánh”.
Người dân làm chổi đót phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn
Xưa, nghề làm chổi đót là niềm tự hào của không ít người dân Quảng Phong, bởi nó là cứu cánh giúp họ vượt qua biết bao khó khăn, bĩ cực. Nhưng nay, có một thực tế hết sức phủ phàng là không ít người dân nơi đây đang dần “quay lưng” lại với nghề truyền thống của ông cha. Làm chổi đót không còn là niềm tự hào của họ, tất cả là vì thu nhập từ nghề chẳng đáng là bao, sản phẩm làm ra lại khó tìm được đầu ra ổn định. Trước đây nguồn nguyên liệu dồi dào. Bà con trong làng tự đi bẻ đót về làm chổi, không phải mất tiền mua nguyên liệu nên thu nhập cũng ổn định, trang trải được nhiều khoản chi tiêu trong gia đình. Hiện nay, nguyên liệu bị thiếu hụt, không thể tự khai thác được nên bà con phải mua với giá khá cao.
Thiếu nguyên liệu không phải là rào cản duy nhất trong việc giữ gìn, phát triển nghề làm chổi đót ở Quảng Phong. Đầu ra cho sản phẩm cũng đang là vấn đề làm “đau đầu” những người còn tâm huyết với nghề truyền thống. Nếu trước đây, thị trường tiêu thụ chổi đót Quảng Phong khá rộng, không chỉ ở khắp trong ngoài tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội... thì nay chổi của làng chỉ được bán lẻ tẻ ở chợ địa phương với sức mua khá ảm đạm. Lâu nay, do không được tập huấn kỹ thuật, người làng trong tổ dân phố 5 chỉ quen làm chổi theo cách thức thủ công truyền thống của bao đời trước nên cây chổi khá thô, không mấy đẹp mắt. Chính điều này đang là rào cản để chổi đót Quảng Phong vượt thoát khỏi chợ địa phương, vươn ra các thị trường lớn hơn. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa được cải tiến, giá thành thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh khiến việc “giữ chân” các lao động làm nghề chổi đót ở Quảng Phong trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không đủ trang trải cuộc sống nên dù rất muốn gắn bó với nghề nhưng không ít người đành chấp nhận chuyển hướng sản xuất, tìm phương kế sinh nhai khác. Nếu trước đây, đa số các hộ dân trong làng đều làm chổi thì hiện tại con số đó đang ngày càng giảm dần, chỉ còn sót lại mấy chục hộ. Và đa số những người còn bám trụ với nghề đều là người già cả, lớp thanh niên gần như rất hiếm người tỏ ra mặn mà với nghề. Rõ ràng, với việc loay hoay tìm giải pháp khắc phục khó khăn trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, thực trạng mai một nghề làm chổi đót ở Quảng Phong đang hiện rõ. Điều mà người dân cần nhất lúc này là được chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng quan tâm tổ chức mở các lớp tập huấn kỹ thuật làm chổi, tạo điều kiện cho làng nghề chổi đót phường Quảng Phong có những lớp tập huấn học hỏi mô hình làm chổi ở những nơi khác. Đồng thời hỗ trợ xác định hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của ngành nghề, giúp bà con có thể thoát khỏi cuộc sống bấp bênh bằng chính nghề truyền thống đã gắn với làng từ hàng chục năm qua.
Nghề chổi đót Quảng Phong tồn tại cho đến ngày hôm nay là do độ bền, đẹp và chắc chắn của cây chổi. Nếu làm ẩu, làm dối, chổi nhanh hư thì không ai dám mua lần thứ hai. Theo tìm hiểu có nhiều hộ dân nơi đây đã mở các đại lý lớn làm chổi và đứng ra thu mua chổi của địa phương để đưa đi các địa bàn khác tiêu thụ. Có rất nhiều hộ gia đình trong tổ dân phố 5 đã khá lên nhờ nghề chổi đót như hộ ông Nguyễn Văn Tân, ông Nguyễn Anh Dũng, ông Nguyễn Thanh Hiền, ông Nguyễn Văn Giá... Ngoài ra họ còn tạo được việc làm cho nhiều lao động nông nhàn trong xóm.
Những chiếc chổi đót bền, đẹp
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phong chia sẻ: “Nghề làm chổi đót ở Quảng Phong được cha ông truyền lại, có tuổi đời hàng trăm năm. Hiện, toàn phường có khoảng 20 hộ gia đình tham gia sản xuất; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, hộ dân đang duy trì nghề truyền thống này và phần lớn tập trung ở tổ dân phố 5, mức thu nhập bình quân từ 3 –3,5 triệu đồng/tháng/người giúp ổn định cuộc sống tăng thu nhập cho bà con nhân dân địa phương”.
Phó chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, ông Nguyễn Văn Tình cho biết: “Những năm gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề chổi đót phường Quảng Phong khá thuận lợi, mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tích cực tham gia các cuộc hội chợ ở trong và ngoài tỉnh để các sản phẩm chổi của địa phương được quảng bá rộng khắp trên thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho phụ nữ và người dân, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư kiểu mẫu, tổ dân phố văn minh, nâng cao bộ mặt nông thôn đi lên đồng thời phát triển làng nghề truyền thống của địa phương”.
Sản phẩm chổi đót được người dân phường Quảng Phong làm tỉ mĩ cần mẫn
Nghề phơi đót và làm chổi đót có từ lâu đời ở phường Quảng Phong trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của nghề này, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người làm chổi ở đây vẫn đang nỗ lực giữ nghề. Làng nghề chổi đót Quảng Phong không chỉ góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương; mà còn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.