Chủ động hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
- Đánh giá chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho thương binh và cựu chiến binh tại Việt Nam hiện nay
- Vai trò của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE trong định hướng đối tác chiến lược tại khu vực Trung Đông
- Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Ý nghĩa và tác động đối với xã hội Việt Nam hiện đại
Thực tế, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu là nhóm chịu tác động nặng nề nhất trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như tác động từ những căng thẳng địa chính trị. Từ đó, các ngân hàng đã ưu tiên vốn hỗ trợ các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu để vượt qua khó khăn đã khởi sắc với sự bứt tốc từ nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm 2021 xuất siêu 3,32 tỷ USD), đồng thời là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Để có được kết quả này, sự hỗ trợ về vốn cũng như giải pháp tài chính từ các ngân hàng là rất quan trọng. Đồng thời, với các ngân hàng, lĩnh vực xuất - nhập khẩu cũng được đánh giá là nhiều tiềm năng và dư địa để tiếp tục khai thác, đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận. Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng trong quý 1/2023 từ Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN), kinh doanh xuất - nhập khẩu là một trong 5 lĩnh vực cho vay có số lượng tổ chức tín dụng đánh giá nhu cầu tín dụng tăng nhiều nhất trong năm 2022. Sang năm 2023, lĩnh vực này cũng được dự báo nhu cầu tín dụng tăng và là một trong 3 lĩnh vực hàng đầu là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống.
Vì thế, nhiều ngân hàng đã dành các ưu đãi và giải pháp cho lĩnh vực xuất - nhập khẩu. Chẳng hạn, Ngân hàng BIDV đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, qua chương trình ưu đãi Trade Booming được BIDV thiết kế nhằm mang đến các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi và phát triển sau đại dịch, BIDV giảm 50% phí dịch vụ tài trợ thương mại và chuyển tiền quốc tế trên ứng dụng Ngân hàng số dành cho doanh nghiệp BIDV iBank, bao gồm các dịch vụ chuyển tiền quốc tế đi, phát hành thư tín dụng (L/C), sửa đổi L/C, nhờ thu xuất khẩu, sửa đổi nhờ thu xuất khẩu, ưu đãi tỷ giá 30 điểm khi thực hiện giao dịch ngoại tệ qua BIDV iBank…
Trước đó, Ngân hàng MSB đã cung cấp Gói giải pháp Easy Trade dành riêng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với nhiều ưu đãi, như giảm phí tài trợ thương mại đến 30%, ưu đãi ngoại tệ…
Hay mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tiếp tục tăng thêm hạn mức tài trợ cho Ngân hàng Eximbank để phục vụ cho các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2022, ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên trên 50 triệu USD.
Ngoài ra, trong những chương trình tín dụng ưu đãi vào cuối năm 2022, nhiều ngân hàng đã đưa ra gói tín dụng hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có xuất - nhập khẩu.
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi nguồn tiền rất hạn hẹp vì khó huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, nên nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Dòng vốn cũng được định hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, để vận hành thanh toán xuất - nhập khẩu tiện lợi, ngân hàng có đội ngũ chuyên gia để tư vấn, đồng hành với doanh nghiệp trong xử lý thủ tục với hải quan, thanh toán quốc tế. Về rủi ro tỷ giá, ngân hàng cũng đã cung cấp nhiều công cụ, sản phẩm phái sinh, giao dịch kỳ hạn... để hỗ trợ doanh nghiệp xuất - nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, dù tín dụng hay các giải pháp tài chính hỗ trợ xuất - nhập khẩu của ngân hàng rất đa dạng nhưng việc tiếp cận, nhất là vay vốn còn khó khăn do quy định chặt chẽ. Nhưng theo đại diện Ngân hàng TPBank, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm tiếp cận gói ưu đãi, ngân hàng sẽ hỗ trợ tư vấn, linh động thủ tục, hồ sơ theo hướng đơn giản và rút ngắn thời gian. Vị này kỳ vọng những hỗ trợ về vốn sẽ giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu có thêm điều kiện mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế xét tỷ lệ tín dụng/GDP, hiện nay Việt Nam đã đạt 124%, là mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), còn Moody’s thì cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là mức cao nhất của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm Ba và Baa.
Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tiến tới xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng, đó là một con số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp. Trong các nguồn lực để tạo ra nguồn vốn phục vụ cho quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thì tín dụng ngân hàng chỉ là một trong các nguồn vốn bên cạnh nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn FDI, nguồn vốn kiều hối...
VietBank tư vấn khách hàng gửi tiền tiết kiệm
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản biến động phức tạp, khó lường, có dấu hiệu thu hẹp, thì càng gây áp lực lớn lên cân đối vốn tín dụng ngân hàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2023. Ngoài ra, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng gia tăng sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế lên tín dụng ngân hàng.
Do đó, vấn đề khơi thông và tạo được sự kết nối, phát triển đồng bộ của tất cả các nguồn vốn, trong đó tín dụng ngân hàng được xem là hạt nhân, mạch máu kết nối các nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.