Chủ tịch Quốc hội tham dự Hội nghị 'Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển'
Chiều 25/12, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự phiên toàn thể Hội thảo. Cùng tham dự có ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (Tham dự trực tuyến tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự Hội thảo.
Về phía lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Cùng dự có ông Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; cùng lãnh đạo các Ban của Quốc hội, một số bộ, ngành, doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, lãnh đạo Quốc hội hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa này, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2. Đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và Phát triển bền vững”.
Quang cảnh hội thảo du lịch.
Hoạt động du lịch gần như bị đóng băng, các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, người lao động của ngành không có việc làm, phải chuyển sang việc khác. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội thảo càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại Nghệ An, vùng đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của Bác Hồ kính yêu; là nơi có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống đặc sắc, gắn với đời sống văn hóa, tâm linh phong phú; cùng với những nét tính cách đặc sắc của người xứ Nghệ với lối sống mộc mạc, ân tình; tấm lòng sâu lắng, thủy chung; khí chất cương trực, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; đức tính cần cù, luôn tìm cái mới mà không quên cội nguồn, đó là những tài sản, tiềm năng, lợi thế vô cùng quý giá giúp cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực Du lịch của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể hội thảo.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay, nước ta chưa đón khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm trên 42% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu từ khách du lịch ước giảm gần 50%. Đến hết quý 3 năm nay, ngành du lịch chỉ đóng góp 2,57%. Các doanh nghiệp, người lao động đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chung của nhà nước và chính sách hỗ trợ riêng cho ngành du lịch đã trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động khi không còn nguồn thu nhập.
Với chiến lược tiêm chủng vaccine, hiện nay nhiều địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Nha Trang, Huế đã có độ phủ vaccine đạt mức miễn dịch cộng đồng. Cùng với quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả, nhiều điểm đến du lịch khác đang khẩn trương thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin để đạt yêu cầu về an toàn phòng dịch. Đây là yếu tố cơ bản để quyết định thời điểm phục hồi hoạt động du lịch.
Số hoá ngành du lịch, bắt kịp với xu thế du lịch thế giới
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới.
Các đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.
"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần được xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước" - ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chia sẻ về chia sẻ 2 vấn đề đối với phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thứ nhất là tăng cường du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hóa dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lớn, đồng thời giúp người dân cải thiện sinh kế, tiếp cận với văn minh bên ngoài qua du khách.
Thứ hai là cần khẩn trương số hóa các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là văn hóa. "Ngành du lịch đã có chiến lược, tầm nhìn, giải pháp lớn, vấn đề là thực hiện" Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý phải thực hiện thật tốt các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, đồng thời chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn thay vì "vội vã mở ra nhưng không kèm theo những biện pháp thật chắc chắn", trước mắt là khẩn trương tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ ba, bảo đảm có đủ thuốc điều trị.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.