Chuyển đổi số là yếu tố then chốt của doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, các quy định tự nguyện về bền vững đang nhanh chóng trở thành bắt buộc. Doanh nghiệp không thể chỉ dừng lại ở việc cải thiện quy trình sản xuất theo tiêu chí xanh mà cần áp dụng công nghệ số để tối ưu hóa năng suất, giảm thiểu lãng phí và tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.
CĐS không chỉ là công cụ mà còn là đòn bẩy để thực hiện các mục tiêu xanh. Từ việc quản lý dữ liệu hiệu quả, tối ưu hóa logistics đến áp dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo (AI), tất cả đều góp phần tạo nên một chuỗi giá trị bền vững.
Trên thực tế, CĐS đang hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, cải thiện chuỗi cung ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh quốc tế. Các công nghệ như blockchain cũng giúp đảm bảo minh bạch trong quá trình sản xuất, từ nguồn gốc nguyên liệu đến các yếu tố liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
Cũng tại diễn đàn, Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia chính sách cao cấp, Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), nhấn mạnh rằng trong bối cảnh các thách thức về ô nhiễm, biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên ngày càng gia tăng, chuyển đổi xanh và CĐS đã trở thành hai động lực quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bà Thúy cho biết chuyển đổi xanh tập trung vào việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, nơi tài nguyên được tái sử dụng, tái chế một cách hiệu quả. Điều này đòi hỏi sự đổi mới trong thiết kế sản phẩm, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, và áp dụng các giải pháp tái chế linh kiện, nguyên vật liệu.
Để thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, CĐS là một quá trình song hành, không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà còn là sự thay đổi toàn diện trong mô hình kinh doanh, văn hóa tổ chức và phương pháp quản lý. CĐS là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tối ưu hóa năng suất, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường. Thành công trong CĐS đòi hỏi sự thay đổi nhận thức và văn hóa từ đội ngũ lãnh đạo đến toàn bộ nhân viên, nhằm tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự đổi mới.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia chính sách cao cấp, Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) chia sẻ kinh nghiệm quản trị trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng
“Điểm giao thoa quan trọng giữa hai quá trình này nằm ở sự hỗ trợ mà CĐS mang lại cho chuyển đổi xanh. Công nghệ số giúp quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giám sát các thiết bị trong quá trình sản xuất, qua đó giảm thiểu lãng phí và phát thải. Cả hai quá trình này cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội nói chung”, chuyên gia của UNIDO chia sẻ.
Bà Xuân Thúy cũng cho biết thành công của chuyển đổi xanh và CĐS đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Doanh nghiệp cần sẵn sàng đổi mới, ứng dụng công nghệ và thay đổi mô hình kinh doanh, trong khi chính phủ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp, trong khi cộng đồng đóng vai trò vừa là động lực thúc đẩy vừa là người tiêu dùng cho các sản phẩm, dịch vụ mới./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.