Chuyện tình đẹp của vợ chồng mù bán chổi ở Hà Nội
Đó là vợ chồng ông Bùi Doãn Thụ (71 tuổi) và bà Trịnh Thị Mai (69 tuổi) ngụ tại ngõ 35, phố An Dương (Tây Hồ, Hà Nội). Thường ngày, bà Mai phụ trách vò hoa, đóng chổi, ông Thụ mang ra ngã ba Yên Phụ để bán.
Được biết, bà Mai và ông Thụ có mối tình đẹp từ khi còn trẻ. Họ quen nhau khi tham gia Câu lạc bộ hội người mù Hà Nội. Bà bị thu hút bởi giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm của ông. Còn ông, khi đó lại cảm mến người con gái biết cách hỏi han, chăm sóc người khác.
Chuyện tình 40 năm của cặp vợ chồng mù khiến ai cũng ngưỡng mộ (Ảnh: Tổ quốc)
Từ đấy, hai người nảy sinh tình cảm rồi yêu nhau. Tuy nhiên, khi dưa người yêu về ra mắt, ông Thụ gặp phải sự phản đối của gia đình.
Chàng trai trẻ năm ấy nói với bố mẹ rằng anh yêu cô gái tên Mai, bản thân là người mù, nếu lấy một cô vợ mắt sáng liệu họ có thương cho hoàn cảnh của mình, hay rồi lại sợ vất vả mà bỏ đi.
Hai vợ chồng đan chổi để chuẩn bị mang ra chợ bán (Ảnh: Tổ quốc)
"Người cùng cảnh ngộ thì lúc nào cũng sẽ hiểu cho nhau hơn", ông Thụ nói với bố mẹ và hứa rằng lấy bà Mai sau này sướng khổ gì ông sẽ chịu hết. Dưới sự thuyết phục của con trai, bố mẹ ông Thị cũng đồng ý.
Phía bà Mai, khi thông báo với gia đình về người yêu, bố mẹ có chút lo lắng, nhưng thấy ông Trịnh là người thật thà, chịu thương chịu khó đã đồng ý cho cả hai tiến tới.
Năm 1983, đám cưới đơn giản diễn ra, không hoa, không ảnh cưới nhưng vui trong lời chúc phúc.
Bà Mai mặc quần xoa màu đen, ông Thụ bận quần kaki. Cả hai cùng khoác sơ mi trắng, nắm tay nhau nên duyên vợ chồng. Bà Mai nghẹn ngào hứa với mẹ "Từ nay sướng khổ, con sẽ tự chịu".
Về chung nhà, hai vợ chồng chịu khó làm ăn, mưu sinh bằng nhiều nghề như làm tăm, làm nhựa, bán chổi tại hội người mù. Mỗi tháng, hai ông bà kiếm lãi được mấy chục nghìn, đưa cho mẹ chồng đong gạo.
Ngày ngày, ông cụ mù mò mẫm đưa chổi ra ngã ba chợ bán (Ảnh: Tổ quốc)
Dù khó khăn, nhưng chưa bao giờ ông bà lớn tiếng hay cãi vã. Bên nhau gần 40 năm, cặp vợ chồng vẫn xưng "anh – em", tôn trọng đối phương. Ông Thụ nói, ngày xưa thế nào, giờ vẫn thế, là điều mà đến bây giờ ông bà trân quý nhất.
"Tôi làm dâu 30 năm, vẫn cơm nước, đi chợ, bán hàng đầy đủ cho nhà chồng. Ngày xưa làm dâu các cụ hay soi, nhưng may mắn tôi làm được hết nên không bị chê", bà Mai nhớ lại.
Hai năm sau, bà Mai mang thai. Đến năm 1986, bà Mai sinh con gái Bùi Thị Thu Thuỷ, nặng 2,7 kg, tại nhà hộ sinh trên phố Hàng Bún. Do không có điều kiện, hai ông bà quyết định không sinh thêm.
Sau sinh, bà về nhà mẹ đẻ ở 1-2 tháng để chăm con cứng cáp hơn. Cứ cách 1-2 tuần, ông Thụ lại bắt xe buýt từ An Dương xuống Hà Đông thăm vợ con để vơi bớt nỗi nhớ nhung.
Sau này, con gái lớn lên rồi lấy chồng, ở hẳn với 2 ông bà để tiện bề chăm nom.
Từ ngày được chia sẻ trên mạng xã hội, ông Thụ bán được nhiều chổi hơn (Ảnh: Tổ quốc)
Những năm đầu sau khi lấy nhau, vợ chồng bà Mai vẫn làm việc bên hội người mù. Sau này để có thêm thu nhập, ông Thụ nghỉ về làm chổi rồi đẩy xe đi bán khắp các phố. Bà Mai làm cán bộ tại Hội đến năm 2011 thì nghỉ về đi bán cùng chồng.
Ông cụ 71 tuổi cho biết trước đây mắt ông còn nhìn thấy mờ mờ, ông đẩy xe đi bán khắp khu Hoàn Kiếm, Ba Đình, chổi chít của ông có thương hiệu, nhiều người mua thích.
Khoảng 10 năm trở lại đây mắt ông mất hẳn ánh sáng, sức khỏe cũng yếu dần nên ông chuyển về mạn Hồ Tây để bán. Hàng ngày cứ 8h sáng, ông gánh hàng ra khu vực đầu đường Yên Phụ, chiều đến thì về khu chợ An Dương gần nhà.
Không muốn ỉ lại con cái, nên dù ở tuổi đáng ra nên nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng, hai vợ chồng ông bà vẫn mệt mài làm việc. Ngoài những ngày đi bán hàng, ngày mưa nghỉ ở nhà ông bà cũng không nghỉ ngơi, tay chân liên tục vò hoa chổi, bó chổi cho lần bán hàng tới.
Ông Thụ hào hứng cho biết, mấy ngày qua bán được nhiều chổi hơn nhờ được một bạn trẻ chụp ảnh đăng facebook, kêu gọi ủng hộ. "Trước đây đi bán cả ngày, hôm nào được thì bán 5, 7 cái, có hôm đi rồi về không, không được nghìn nào", ông Thụ cho hay.
"Cuộc sống xô đẩy, nếu năm xưa không có lập trường, không có niềm tin, không có tình thương, thì cuộc hôn nhân của chúng tôi không tồn tại được. Tôi xác định bước chân ra khỏi nhà bố mẹ đẻ, là đầy gian nan, vất vả", bà Mai chia sẻ và nở nụ cười hạnh phúc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.