Cô học trò nghèo sống bên người mẹ khuyết tật và ước mơ giảng đường đại học

2020-09-02 16:09:25 0 Bình luận
Không có bố bên cạnh, mẹ bị tật nguyền cả hai chân khiến cuộc sống của cô học trò nghèo ở Cà Mau dễ “lỡ hẹn” với giảng đường đại học. May mắn, trong lúc tưởng chừng cánh cửa đại học dần “khép” lại thì đâu đó vẫn còn tia sáng có thể giúp ước mơ của cô trở thành hiện thực.

Cuộc đời bất hạnh

Những ngày cuối tháng Tám, bầu trời cứ bất chợt mưa rồi lại nắng, bỏ qua sự “đỏng đảnh” của thời tiết lúc điểm giao mùa PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật tìm về ấp Thuận Hòa, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau để thăm hoàn cảnh của gia đình em Nguyễn Thảo Vy, 18 tuổi, học sinh trường THPT Tân Đức. Một cô học sinh nghèo, học giỏi và hiếu thảo vừa tốt nghiệp phổ thông nhưng có nguy cơ “lỡ” giảng đường đại học.

Ngồi bên trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, bà Nguyễn Kiều Tiên (mẹ em Thảo Vy) cho biết, từ lúc 5 tuổi bà mắc phải bệnh sốt bại liệt khiến cho đôi chân ngày một teo tóp và đến nay bà không thể đi lại như người bình thường được nữa. Những tưởng “dị tật” ấy khiến cô gái bất hạnh không thể tìm được người bạn đời cho mình nhưng trong một dịp tình cờ, định mệnh đã cho bà gặp được người đàn ông chuyên làm nghề sên (nạo vét – PV) vuông nuôi tôm. Cảm mến nhau, cả 2 sống chung và sau đó sinh ra bé Thảo Vy. Những tưởng cuộc sống rồi sẽ mỉm cười với cô gái “tật nguyền” nhưng đến khi Vy được 4 tuổi thì người đàn ông ấy cũng bỏ đi một cách đột ngột như buổi gặp gỡ ban đầu. Từ dạo ấy, 2 mẹ con bà Kiều Tiên nương tựa vào nhau mà sống cho đến bây giờ.

Làm mẹ đơn thân với người bình thường đã không hề dễ dàng, đối với một người “khuyết tật” càng khó khăn gấp bội lần. Thế nhưng, người phụ nữ đã qua “một lần đò” không cam chịu số phận. Bà quyết tâm kiếm công việc phù hợp với khả năng để kiếm sống. Người ta thường nói: “Ông trời lấy đi cái này của mình sẽ bù lại cho mình cái khác”. Quả thật đúng như vậy, bà Tiên bị tật nguyền đôi chân nhưng lại bù cho bà đôi bàn tay khéo léo. Bà Tiên nhận đặt hàng thêu tay truyền thống tại nhà, cộng với số tiền ít ỏi nhận được từ đồng lương bảo trợ xã hội cũng giúp 2 mẹ con trang trải được một phần cuộc sống.

Nguyễn Thảo Vy nhận giấy khen năm học 2019 - 2020.

Niềm an ủi với bà là đứa con gái duy nhất càng lớn thì càng biết chuyện, ngoan ngoãn, chịu khó học dù thiếu thốn so với chúng bạn. Ở các cấp học, Thảo Vy luôn là học sinh khá, giỏi của trường. Ngoài ra, Vy còn đạt giải khuyến khích Hội thi Olympic Tiếng việt cấp tiểu học vòng huyện năm học 2012 – 2013; giấy khen về thành tích “Viết bài tri ân thầy cô” nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trong năm học 2018 – 2019 và đạt giải khuyến khích môn Ngữ Văn trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THPT năm học 2019 – 2020.

Ngồi bên cạnh mẹ, Thảo Vy chia sẻ, em rất thương mẹ. Mỗi lần đi học hay đi làm về thấy mẹ cặm cụi đứng dậy sau khi té ngã mà lòng em rất đau đớn. Để có tiền phụ giúp gia đình, Thảo Vy tranh thủ thời gian nghỉ hè đi làm thêm, lấy tiền đóng học phí cho những năm học tiếp theo. Ngày Thảo Vy đi thi tốt nghiệp THPT, mẹ không có tiền cho em dằn túi. Lúc đó, cậu của Vy biết được nên ghé động viên và hỗ trợ 1 triệu đồng cho em đi thi khiến nhiều người không khỏi xúc động.

“Thật ra thì em biết cậu cũng làm rất vất vả mới có được đồng lương. Cậu còn gia đình phải lo vậy mà lúc nào cậu cũng nhớ tới em và dành một phần cho em. Em xem cậu như người cha của mình, điều em có thể làm bây giờ là không ngừng cố gắng để khỏi phụ lòng cậu và những người luôn quan tâm giúp đỡ mình. Em mong muốn sau này có một tương lai tươi đẹp hơn và trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ, đưa gia đình thoát nghèo. Vì thế, em xác định không có con đường nào khác chính là con đường học tập”, Thảo Vy tâm sự.

Minh chứng là kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 vừa qua, em Nguyễn Thảo Vy đạt 20,8 điểm trong tổng điểm 3 môn thi khối C04 (Toán – Văn – Địa lý). Với số điểm này, nguyện vọng của Thảo Vy sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành học Quản trị kinh doanh của trường đại học Tây Đô Cần Thơ.

Ước mơ có thành hiện thực?

Khi cánh cổng trường đại học đang rộng mở thì Thảo Vy lại lo lắng, chới với khi nghe tin mẹ em dự định sẽ cho em nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nói về việc này, Thảo Vy rưng rưng nước mắt chia sẻ: “Lúc đó, em buồn lắm, nhưng nhà mình vậy thì biết sao giờ…Hơn nữa, em cũng đã làm sẵn hồ sơ lên Bình Dương xin việc làm”.

Trong lúc tuyệt vọng ấy, Thảo Vy may mắn được mạnh thường quân hỗ trợ chi phí cho em trong suốt thời gian đi học đại học. Dù rất mừng vì có cơ hội ngồi giảng đường đại học nhưng Thảo Vy có một nỗi lo khác đó chính là người mẹ của mình. Thảo Vy thấp thỏm không biết khoảng thời gian em đi học xa nhà mẹ sẽ sống ra sao, ăn uống như thế nào? Những lúc té ngã thì ai sẽ là người chạy đến nâng đỡ mẹ đứng dậy…?!.

Căn nhà hàng ngày 2 mẹ con Thảo Vy sinh sống.

Chia sẻ về hoàn cảnh của em Vy, ông Lê Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi cho biết, trường hợp của em Nguyễn Thảo Vy rất đáng thương, thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Hàng năm, xã cũng vận động nguồn tài trợ hỗ trợ tập, sách, cặp, áo phao,…cho em Vy đến trường. Trong những năm gần đây, khi em Thảo Vy lên học cấp 3, ở trường và địa phương luôn vận động học phí hỗ trợ em hàng năm để chia sẻ bớt gánh nặng cho gia đình.

“Hiện tại, trường hợp của em Vy điều kiện gia đình em rất khó cho em tiếp tục theo học đại học, nếu không nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng. Một số hộ gia đình khác có cha, có mẹ có thể lao động được, còn đối với mẹ của em Vy thì không thể lao động do chân bị teo cơ, đi đứng hết sức khó khăn. Qua đó, xã cũng tranh thủ vận động mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ cho em Vy trong những năm học đại học”, ông Đoàn thông tin thêm.

Chia tay người phụ nữ bất hạnh, ngước nhìn lại vẫn thấy bà ngồi trên bộ ván vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi. Nhìn hình ảnh người mẹ khuyết tật rơi những giọt nước mắt sung sướng khi con mình được tiếp tục ước mơ đến với giảng đường đại học sao mà xót xa quá…

Chung tay tiếp bước cho cô bé đến trường

Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mạnh thường quân gần xa để mẹ Thảo Vy có thêm chi phí thay cặp nẹp chân và để giấc mơ của cô học trò nghèo không bị dập tắt. Mọi sự đóng góp hảo tâm cho nhân vật trong bài viết xin vui lòng gửi về bà Nguyễn Kiều Tiên, địa chỉ: Ấp Thuận Hòa, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi. Số điện thoại liên hệ: 0814.822.082 (gặp Thảo Vy).

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chuyến tàu biển Nhật Bản với 1.700 du khách đầu tiên đến Quảng Ninh

Ngày 30/4/2025, tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Chương trình đón Đoàn khách du lịch trên tàu biển Pacific World do Công ty Peace Boat (Nhật Bản) quản lý điều hành, đưa khoảng 1.700 du khách (chủ yếu là khách Nhật Bản) đến Quảng Ninh.
2025-04-30 19:45:53

Quảng Ninh: Liên hoan Lân Sư Rồng Hạ Long mở rộng lần thứ 2 năm 2025

Tại Quảng trường 30/10 TP Hạ Long, sáng 30/4 - UBND thành phố Hạ Long đã tổ chức chương trình Liên hoan Lân Sư Rồng Hạ Long mở rộng lần thứ 2 năm 2025. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo nhân dân địa phương và du khách đến dự và cổ vũ.
2025-04-30 19:33:05

Du khách chôn chân tại cửa khẩu Lạng Sơn

Cửa khẩu Lạng Sơn, bao gồm các cửa khẩu quan trọng như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, và Na Hình, là điểm nối quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, không chỉ cho giao thương hàng hóa mà còn cho du lịch.
2025-04-30 15:10:03

Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tạp chí Điện tử Hòa Nhập trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
2025-04-30 08:30:00

Bằng chất lượng ổn định Xi măng Long Sơn vươn tầm quốc tế

Từ nguồn nguyên liệu tốt nhất Việt Nam để sản xuất xi măng kết hợp với 4 dây chuyền đồng bộ, hiện đại có tổng công suất hơn 10,5 triệu tấn/năm. Công ty Xi măng Long Sơn luôn cung cấp các dòng sản phẩm chất lượng cao và ổn định đáp ứng yêu cầu và làm hài lòng khách hàng trong nước cũng như quốc tế.
2025-04-30 07:55:00

Bài học về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta thấy đây là chiến dịch cuối cùng của Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta. Đây là một điển hình, là nét đặc sắc nổi bật nhất của nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong chiến dịch tiến công quy mô lớn, với đặc trưng tiến công “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, giành thắng lợi hoàn toàn, triệt để, trong thời gian ngắn.
2025-04-30 07:10:00
Đang tải...