Thành tựu 50 năm Ngày thống nhất đất nước là hành trang bước vào kỷ nguyên mới
Cụ Nguyễn Văn Thung, người hiếm hoi trong đội quân tiếp quản vùng mỏ còn thọ và còn minh mẫn.
Đó là cụ Nguyễn Văn Thung sinh năm 1933, quê ở huyện Nam Sách (Hải Dương), nhập ngũ năm 1953, chiến đấu ở vùng Đông Bắc và trong đội quân tiếp quản vùng mỏ. Khi chuyển ngành, cụ Nguyễn Văn Thung từng làm giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Ninh, nay hưu trí tại khu 5 phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long.
Cụ Nguyễn Văn Thung kể: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, lệnh trên ngừng bắn, mình ở Trung đoàn 244 đơn vị có nhiệm vụ tiếp quản Vùng mỏ. Khi ấy Trung đoàn 244 đóng quân ở vùng rừng huyện Chí Linh, được lệnh hành quân tắt đường qua tây Yên Tử đến An Châu (căn cứ địa kháng chiến), để tập huấn nghiệp vụ quân quản, tiếp nhận mỏ than từ tay chủ mỏ Pháp. Kết thúc khóa tập huấn ngắn ngày, đơn vị cấp tốc hành quân từ An Châu xuyên rừng Đình Lập, bắt vào đường QL số 4 đến Tiên Yên, rồi theo đường QL18 đền Khu mỏ. Đêm 19, rạng sáng ngày 20/4/1955, cán bộ-chiến sĩ vượt sông Mông Dương tiến về trung tâm vùng than Cẩm Phả, tiếp quản các mỏ: Mông Dương, Cọc Sáu, Đèo Nai, nhà sàng Cửa Ông, trạm điện cao thế Quang Hanh.
Lễ khai mạc triển lãm 50 năm nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam sau Ngày đất nước thống nhất và thành tựu Quảng Ninh sau 70 năm Ngày giải phóng Vùng Mỏ.
Ngày 21/4/1955, Đại đội của cụ Nguyễn Văn Thung tiếp tục tiến quân vào tiếp quản mỏ than Hà Ráng, Khe Tam, Khe Sím ở trong rừng Quang Hanh và Dương Huy. Đêm đó, đơn vị trú quân tại một lán thợ mỏ trên triền núi Mông Giăng, từ trên Nguyễn Văn Thung phóng tầm mắt xuống thị xã Cẩm Phả, bàng hoàng lần đầu trong đời nhìn thấy phố xá nhiều đèn điện.
Đêm ấy, tuy ngủ trong lán thợ kín gió ấm hơn những ngày đóng quân trong rừng gốc cây là nhà, tán lá cây che mưa…nhưng cả đơn vị như thức trắng canh khuya, cứ nửa mừng nửa lo. Mừng là lệnh trên ngừng bắn, ta đã thắng Pháp, quê hương được giải phóng; lo là quân Pháp xảo quyệt, trước khi hạ cờ chúng đã thành lập nhiều nhóm Việt gian phản động, hà hơi tiếp sức cho thổ phỉ chống phá cách mạng. Điển hình là lực lượng Thanh Phán quá khích, súng ống ẩn náu trong vùng rừng Hoành Bồ; trong đó, khét tiếng là tướng phỉ Bàn Đức Thắng mà lực lượng chủ lực của ta có nhiệm vụ tiễu phỉ.
Cụ Nguyễn Văn Thung thăm triển lãm trưng bày 50 năm nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam sau Ngày đất nước thống nhất; và thành tựu Quảng Ninh sau 70 năm Ngày giải phóng Vùng Mỏ.
Đơn vị tiếp quản hết mỏ này sang mỏ khác, bảo vệ trật tự trị an… giúp Ủy ban hành chính kháng chiến quản lý xã hội. Vừa tiếp quản xong vùng than Cẩm Phả lại lên đường đến vùng than Hongay tiếp quản các mỏ than Hà Tu, Hà Lầm, Cai Đá; xí nghiệp than luyện, nhà máy điện cột 5, nhà máy cơ khí... Cụ Nguyễn Văn Thung tuổi cao, chia sẻ chân chất: Ngày đầu bộ đội từ chiến khu đặt chân đến thị xã, thị tứ vùng mỏ, đường sá vắng vẻ, trước mặt đoàn quân không một bóng người (khác với hình ảnh sau này các nhà làm phim dựng lại) bởi người dân còn ngờ vực vì trước đó quân Pháp bịa đặt rằng: Việt Minh là giặc cỏ, đi đến đâu cũng hãn hiếp, cướp bóc…dân thì nhẹ dạ cả tin. Sau thực mục tận mắt nhìn thấy những anh bộ đội sao vàng mũ lưới, áo trấn thủ, quần ống túm…gương mặt hiền lành, dễ gần thì ùa ra xem và chào đón. Cơ sở cách mạng trong mỏ đã may sẵn cờ đỏ sao vàng phát cho dân vẫy chào bộ đội. Và lần đầu những người lính trẻ từ rừng sâu ra phố được nghe tiếng loa phóng thanh, phát thanh những bài hát cách mạng, những bản tin đầu về hiệp định đình chiến, về tô giới 100 ngày để Pháp thu quân cuồn cờ về nước.
Việc bảo vệ máy móc cơ khí, thiết bị mỏ, công cụ sản xuất than là khó khăn nhất, cấp trên chỉ đạo lệnh ngừng bắn thì không được nóng vội, phải cương quyết khôn khéo đấu tranh với chủ mỏ. Chủ mỏ là tư bản đầu tư vào sản xuất, tài sản của họ là tải sản cá nhân, ta tiếp quản nhưng không phải là lấy không của họ. Chính phủ ta đã thỏa thuận thanh toán lại cho chủ mỏ, số máy mọc mà họ đầu tư vào sản xuất chưa hết khấu hao bằng 3.000 tấn than, họ phải để lại cho ta để duy trì sản xuất. Tuy nhiên không tránh được lòng tham của giới chủ mỏ và những phần từ người Việt cơ hội muốn tẩu tán tài sản và cả dã tâm phá hoại. Trung đoàn 244, được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, trong khai trường xưởng máy thì thợ mỏ tự quản.
Đơn vị còn làm nhiệm vụ tuyên truyền chống âm mưu chia rẽ dân tộc, tôn giáo mà quân Pháp dựng lên chiêu bài “ chúa đã vào Nam” để đánh lừa giáo dân di cư vào Nam; và lừa dối đồng bào thiểu số rẻo cao nơi khuất nẻo rằng: “Việt Minh ở trong rừng tóc dài, răng đen, ăn thịt người”, để giết hại cán bộ, chiến sĩ làm công tác ‘ba cùng” giúp đồng bào dân tộc định canh-định cư khôi phục sản xuất.
Trong 9 năm quân Pháp tái chiếm vùng mỏ, tư bản Pháp tập trung khai thác tài nguyên, không đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Thị xã, thị tứ chỉ có vài căn biệt thự của chủ mỏ, mấy dãy nhà cấp 4 dành cho Cai-Ký bộ máy cai trị mỏ gọi là phố Thư ký. Thợ mỏ thì lán nứa, quần cư theo quê quán gọi chung là Lán. Như Lán Thanh của người Thanh Hóa, lán Nghệ của người Nghệ An, lán Phục của người tổng Phục Phả (Hải Phòng). Cả khu mỏ chỉ có 1 nhà máy điện cột 5 công suất 14.000kw, phu mỏ không được dùng điện sinh hoạt, nhiều hầm mỏ quạt thông gió còn phải chạy bằng hơi nước tại cửa lò, nay vẫn còn địa danh gọi là khu Ba Nồi (nồi hơi chạy quạt thổi gió vào đường lò trong lòng đất).
Cụ Nguyễn Văn Thung bảo, năm nay mình 92 tuổi, có 75 năm tuổi Đảng muốn dặn dò con cháu: ta giải phóng được khu mỏ và khôi phục nhanh được sản xuất, vừa sản xuất vừa chiến đấu chi viện cho chiến trường miền Nam làm nên chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước là nhờ có Đảng và không quên sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, các nước trong phe XHCN. Thành tựu kinh tế-xã hội 70 năm Ngày giải phóng được khu mỏ và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước kết tinh thành giá trị văn hóa, là hành trang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.