Cuộc thoát hiểm vụ "trốn thuế" lớn nhất thế kỷ, Kỳ 3: Số tiền 21,5 tỷ đồng nằm ở đâu?
2016-09-20 09:18:26
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Cho đến nay, trong lịch sử phát triển kinh tế của nước ta có lẽ chưa xuất hiện một cuộc “khủng hoảng truyền thông” nào khủng khiếp như thế với một công ty non trẻ như 3C. Tất cả các báo không có lấy một lời bênh vực.
Mà bênh sao nổi khi nguồn thông tin được phát ra từ một diễn đàn uy nghiêm nhất của đất nước, từ một cơ quan thanh tra chuyên trách cao cấp nhất của Chính phủ. Rồi sau đó là những tin tức tiếp tục được đăng tải, nào là Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi thư khen, rồi Tổng cục Thuế “thưởng nóng” cho những người đã phát hiện ra vụ trốn thuế…
Vậy liệu có sự nhầm lẫn nào chăng? “Chỉ có thể là một phần nghìn”, tôi và nhà báo Phương Quang thống nhất đánh giá như vậy, cho dù đã nghe Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Song khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Công ty 3C không nắm số tiền này trong tay và không dính dáng đến vụ trốn thuế này nếu có xảy ra”.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm lần theo dấu vết của sự nhầm lẫn “một phần nghìn” này, đến thẳng Văn phòng của Tổng công ty Dệt may Cofextimex tại phố Tràng Tiền.
Tổng giám đốc Cofextimex Vũ Công Toàn tiếp chúng tôi khá cởi mở và cũng trao cho chúng tôi một tập tài liệu photo copy dày cộp. Với những tài liệu quan trọng, chúng tôi muốn xem tận mắt bản chính, anh cũng đồng ý. Tôi hỏi thẳng:
- Thưa anh, anh đánh giá thế nào về “vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ” ở Công ty 3C?
- Đây là một nhầm lẫn tai hại của các cơ quan chức năng. Trong cuộc hợp tác này, Công ty 3C chỉ đóng vai trò cung cấp nguồn tài chính. Bên đại diện ký hợp đồng với đối tác nước ngoài là Cofextimex. Nếu phát sinh lợi tức doanh nghiệp và phải nộp thuế thì trách nhiệm thuộc về Cofextimex chứ không phải Công ty 3C.
Tôi với Phương Quang nhìn nhau đầy bất ngờ. Hình như cái sự nhầm lẫn tưởng chỉ trong “một phần nghìn” kia đã bỗng nhiên trở thành 100%. Mà điều bất ngờ hơn là tại sao các cơ quan chức năng từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất của ta lại để xảy ra một nhầm lẫn khủng khiếp đến vậy.
Tôi hỏi tiếp:
- Như vậy là Cofextimex đã trốn thuế?
- Chúng tôi đâu có trốn!
- Nhưng số tiền 21,5 tỷ đồng kia gần một năm nay vẫn chưa được nộp vào ngân sách Nhà nước?
- Chúng tôi đã báo cáo số tiền này cho Bộ chủ quản và Bộ Tài chính, đồng thời cũng xin coi đây là khoản tiền tái cấp vốn cho Cofextimex để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cơ quan tham mưu của cả hai Bộ đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này và cơ bản là đồng ý. Chỉ còn chờ quyết định chính thức thì xảy ra sự việc ầm ĩ này. Như vậy sao có thể gọi là trốn được?
Thế là đã rõ, chẳng có cuộc trốn thuế nào ở đây cả. Mọi việc đều minh bạch, văn bản giấy tờ đầy đủ với những con dấu đỏ chót. “3C ơi là 3C, quả tai bay vạ gió này là hạn nặng rồi, làm thế nào để cứu được đây!”, tôi thầm nghĩ và thông cảm với số phận nhiều doanh nghiệp tư nhân của nước nhà hồi bấy giờ.
Còn về nội bộ Công ty 3C thì sao? Y như có một cơn siêu bão tràn qua. Tổng giám đốc Bùi Huy Hùng đang ở nước ngoài nghe được tin từ diễn đàn Quốc hội, ngay lập tức bay về Việt Nam. Ông kể:
“Chuyến bay tối từ Moskva về Hà Nội, quá cảnh ở Tashken, kéo dài gần 20 tiếng là một chuyến bay dài và rất nặng nề đối với tôi. Trong đời kinh doanh, lúc mọi việc thuận lợi, doanh nghiệp lên như diều gặp gió, như con thuyền băng băng lướt sóng ra khơi. Nhưng những lúc gặp khó khăn, rủi ro, bão tố như muốn kéo sập, đánh chìm tất cả.
Đi làm kinh doanh, ra khơi phải chấp nhận đối mặt với những rủi ro. Có rủi ro được tiên lượng và có không ít rủi ro bất ngờ không tiên lượng được. Cái tai họa ập xuống đầu chúng tôi lúc đó là rủi ro bất ngờ, thuộc loại nguy hiểm nhất đối với doanh nghiệp và doanh nhân. Đó là rủi ro từ sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ và sự bất thường, vô lối của cơ quan công quyền và công chức Nhà nước trong hành xử đối với doanh nghiệp.
Tôi ý thức rất rõ tính chất nghiêm trọng của câu chuyện. Và mặc dù đầu óc đang rất căng thẳng, tôi cố giữ bình tĩnh để suy nghĩ về một phương án thoát hiểm. Thực ra, tôi cố suy nghĩ về việc tại sao lại có một thông tin động trời như vậy và tại sao người ta có thể nêu ra một con số cụ thể đến như vậy, 21,5 tỷ đồng, mà rõ ràng là người trong cuộc, tôi chưa bao giờ biết đến một con số tương tự.
Thậm chí, tôi đã nghĩ đó là một âm mưu của ai đó dựng lên với ý đồ đánh sập công ty chúng tôi, một trong những công ty tư nhân có lẽ là đầu tiên ở Hà Nội, mới nổi lên trong hơn 2 năm với một số hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực máy tính vượt ra ngoài khuôn khổ của biên giới Việt Nam, đã và đang tiến hành các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu không theo các cách thức truyền thống.
Mặc dù ý thức được tính chất nghiêm trọng của tình hình, kể cả hậu quả có thể sẽ rất nặng nề đối với cá nhân mình với tư cách là Tổng Giám đốc, nhưng khi tôi đọc kỹ trích đoạn bản báo cáo của ông Tổng Thanh tra Nhà nước, soát lại những hoạt động của công ty trong những năm qua, chính con số không chính xác và nhất là câu ghi trong bản báo cáo “đã bị điều tra, phát hiện và nộp về cho ngân sách” là điều hoàn toàn không đúng sự thật đã khiến tôi tự tin rằng, chúng tôi hoàn toàn có thể phản công để lấy lại sự công bằng”.
Kỳ sau: “Cháy ở đâu, dập lửa ở đó!”
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Nguyễn Hoàng Linh (Theo realtimes)