Cựu chiến binh Huỳnh Phương Bá: Người "truyền lửa" và "giữ lửa"
Ông gắng sức biên dịch hàng trăm tài liệu tiếng Pháp, trong đó có những tư liệu quý góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, CCB Huỳnh Phương Bá còn thành lập Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng và dành nhiều tâm huyết, dạy miễn phí cho hơn 100 người theo học.
Học tập Bác Hồ tấm lòng nhân ái
Cuộc trò chuyện giữa tôi với Đại tá, CCB Huỳnh Phương Bá diễn ra trong căn nhà đơn sơ, giản dị. Ông có lối kể chuyện truyền cảm, lôi cuốn người nghe. Chuyện ông kể về những năm tháng chiến tranh. Tuổi 20, ông đã tham gia cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác, từ chiến sĩ quân báo đến Chính trị viên Tiểu đoàn 20, Phó chủ nhiệm Chính trị Tỉnh đội Quảng Ngãi, rồi Chính ủy Trung đoàn Đặc công 493. Từ binh nhì phát triển đến quân hàm Đại tá, Phó cục trưởng Cục Kinh tế cho tới ngày về hưu, cuộc đời binh nghiệp của ông “bám trụ” trên địa bàn chiến lược Quân khu 5 với nhiều kỷ niệm sâu sắc. “Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về lý tưởng sống cao đẹp, phong cách giản dị và giàu lòng nhân ái... Chúng ta học tập Bác để mỗi người tốt hơn, trong sáng hơn...!”. CCB Huỳnh Phương Bá mở đầu câu chuyện bằng lời tâm sự đầy kính trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cả cuộc đời ông cống hiến cho cách mạng, làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Về hưu ở tuổi 60, ông dành thời gian, tâm huyết giúp các trường học trên địa bàn sưu tầm hiện vật, tài liệu về Bác Hồ trưng bày tại nhà truyền thống; biên soạn, viết hàng trăm bài tuyên truyền về thân thế sự nghiệp của Người. Ông đặc biệt quan tâm đến việc “truyền lửa” cho thế hệ trẻ thông qua những buổi nói chuyện truyền thống. Việc ông làm đã góp phần bồi dưỡng lý tưởng, nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong đông đảo quần chúng nhân dân. Thấy phong trào thanh niên có phần đơn điệu, ông hướng dẫn cán bộ đoàn tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt, như: Kể chuyện, thi tìm hiểu về lịch sử, danh nhân văn hóa đất Quảng... thu hút đông đảo thanh thiếu niên khối phố tham gia. Bằng tấm lòng nhân hậu, bao dung của mình, ông đã giáo dục, cảm hóa hàng chục thanh niên chậm tiến trở thành con ngoan, trò giỏi. Chuyện một cô giáo trẻ (xin giấu tên) quê huyện Thăng Bình, gặp trắc trở trong tình yêu dẫn tới bi quan, chán nản, sau khi được ông khuyên nhủ tận tình, giờ đây đã trở thành giáo viên dạy giỏi cấp thành phố là một ví dụ điển hình về phương pháp giáo dục của ông...
Cựu chiến binh Huỳnh Phương Bá bên những tài liệu bằng chữ Hán về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Năm nay, CCB Huỳnh Phương Bá vừa tròn 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng. Tuy tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng ông vẫn luôn thể hiện vai trò là người “truyền lửa” đối với thế hệ trẻ. Không chỉ đi nói chuyện, viết sách, ông còn tiết kiệm lương hưu dành tặng sinh viên nghèo hiếu học. Ông vận động bà con tổ dân phố quyên góp quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo ở địa phương. Những năm lụt bão, ông vận động bà con tổ dân phố quyên góp, ủng hộ quần áo, lương thực hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại. Mỗi khi hàng xóm có chuyện xích mích, ông lại chống gậy đến hòa giải, khuyên nhủ mọi người sống chan hòa, nhân ái. Mỗi đợt thanh niên lên đường nhập ngũ, ông tới động viên, tặng quà, căn dặn đủ điều... Những việc làm ấy của ông cứ âm thầm, lặng lẽ nhưng lan tỏa tình nhân ái bao la...
Lớp học Hán Nôm miễn phí
Bắt từ đầu năm 2006, CCB Huỳnh Phương Bá cùng Đại tá, CCB Nguyễn Đình Ngật (nguyên Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu 5, nay đã mất) đứng ra thành lập Câu lạc bộ Hán Nôm Đà Nẵng (nay là Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng) với mục đích tập hợp những người có cùng đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, truyền dạy về những giá trị văn hóa cổ xưa của cha ông qua những văn bản, tài liệu cổ Hán Nôm. Lớp học ban đầu chỉ khoảng 5-7 người, được tổ chức ngay tại nhà CCB Huỳnh Phương Bá. Điều đáng nói, đáng trân trọng là cả giáo viên và học viên mái tóc đã hoa râm. Họ vốn là những cán bộ quân đội, giáo viên, cán bộ hưu trí, nông dân... Vào lớp, giảng viên cũng là học viên và cũng có khi học viên là giảng viên. Mọi người đều say mê học tập, lắng nghe từng bài giảng, nắn nót từng con chữ.
Đến nay, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng có gần 100 hội viên thuộc nhiều đối tượng, phần lớn ở độ tuổi “hoa râm” nhưng cùng chung niềm say mê tìm hiểu và nghiên cứu về chữ Hán Nôm. Những người giảng dạy, hướng dẫn ở đây hoàn toàn miễn phí, không nhận bất cứ khoản thù lao nào. Họ tranh thủ thời gian, tự nguyện dồn hết tâm huyết của mình để truyền đạt vốn kiến thức Hán Nôm cho người học.
Để có thể phiên âm và dịch nghĩa được các tài liệu Hán Nôm, các học viên phải “vượt lên chính mình”. Muốn tới lớp, ông Nguyễn Hiền (62 tuổi ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) phải thức dậy từ 6 giờ sáng, vượt hơn 40km để đến lớp học với mong muốn hiểu thêm về gia phả của họ, tộc, sau đó truyền lại cho con, cháu. Do không biết đi xe máy nên bà Phan Thị Lê Hà (64 tuổi ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phải đón xe buýt xuống phố, rồi đi bộ tới lớp học. Vất vả thế, nhưng sau 3 năm theo học, bây giờ bà Hà đã đọc được gia phả của dòng họ cũng như các văn bia của tổ tông. Còn cụ Nguyễn Xuân Thiều (ở quận Thanh Khê) đã ngoài 90 tuổi vẫn đều đặn mỗi tháng hai lần đến lớp. Theo cụ, tham gia lớp học là để hiểu biết thêm về kiến thức chữ Hán, vừa làm gương cho con cháu về tinh thần hiếu học...
Không chỉ truyền dạy kiến thức về Hán Nôm, trong những năm qua, CCB Huỳnh Phương Bá cùng các cộng sự ở trung tâm đã tổ chức đọc, dịch các văn bia, hoành phi, câu đối, gia phả tại một số địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, tạo sự tin tưởng, mến mộ trong các tầng lớp nhân dân. Trung tâm còn được các cơ quan chức năng hợp đồng dịch thuật nhiều công trình, như: Các sắc phong triều Nguyễn, thẩm định hơn 200 tài liệu nghiên cứu về văn hóa, lịch sử các vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng. Đặc biệt, CCB Huỳnh Phương Bá và các cộng sự còn dày công dịch và giới thiệu một số văn bản chữ Hán về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa của nhà bác học Lê Quý Đôn; Bộ Công thời Minh Mạng, phúc trình việc chuyển cột gỗ ra cắm mốc ở Hoàng Sa... Ông cùng các thành viên trong Ban giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng đóng góp công sức, kinh phí, ấn hành 3 tập san Hán Nôm Đà Nẵng bằng chữ Hán Việt, trong đó đăng các tác phẩm nổi tiếng xưa bằng nguyên bản chữ Hán và cả bản dịch.
Không chỉ thông thạo chữ Hán, CCB Huỳnh Phương Bá còn dịch và biên soạn nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp như các bài viết trên tờ báo tiếng Pháp L’éveil Économique de L’indochine (Sự thức tỉnh về kinh tế Đông Dương) xuất bản từ năm 1927 đến 1930 thành tập sách cùng tên, trong đó có những bài viết của tác giả Cucherousset (và bút danh Clodion) đề cập tới những vấn đề liên quan về quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo nhà báo Nguyễn Trương Đàn, nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đà Nẵng, với những người nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, các tài liệu gốc được nghiên cứu tại trung tâm chính là tư liệu góp phần giải quyết những vấn đề liên quan trong hiện tại. Việc sưu tầm và biên dịch những tài liệu Hán-Nôm có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử dân tộc. Nhất là các tài liệu cổ liên quan đến vấn đề khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cần được dịch và quảng bá rộng rãi cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đánh giá về vai trò của trung tâm, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng khẳng định: “Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng là trung tâm Hán Nôm đầu tiên trong cả nước thuộc hệ thống của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, ra đời từ phong trào học tập Hán Nôm của đông đảo người dân TP Đà Nẵng. Đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và truyền bá sâu rộng các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc đến cộng đồng.
Có thể nói, từ khi cầm súng đánh giặc, rồi về hưu cho đến hôm nay, cuộc đời Đại tá, CCB Huỳnh Phương Bá là những trang đời đẹp và đáng trân trọng. Giờ ở tuổi 90, ông vẫn lặng thầm cống hiến. Phút chia tay, ông tiễn tôi ra tận đầu hẻm phố. Ngày xuân nắng ấm, vậy mà trông nước da người thương binh hơi tái, hình như vết thương cũ trên cơ thể ông lại tái phát. Tôi nói với ông: “Phải nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng sức khỏe bác ạ!”. Ông cười, giọng chân tình: “Mình là CCB, luôn phải học tập và làm theo Bác Hồ, việc gì có lợi cho dân thì gắng sức làm, có hại cho dân thì hết sức tránh!”... Tôi siết chặt tay ông, chiều phố biển sao bình yên đến thế!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.