Đặc sắc lễ hội 3 miền
* Miền Bắc
Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội)
Nổi tiếng nhất, thu hút đông đảo sự quan tâm nhất và kéo dài nhất trong các lễ hội xuân ở Việt Nam là hội chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội). Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.
Trong đó cao điểm nhất là vào giai đoạn từ rằm tháng Giêng đến 18/2 âm lịch. Hội chùa Hương trước hết được xem như hành trình trở về cõi Phật, tìm kiếm sự linh thiêng nhiệm màu trong những quần thể kiến trúc chùa - hang động - núi rừng.
Chùa Hương là điểm đến tâm linh lớn bậc nhất miền Bắc. Ảnh: Internet
Lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội)
Trong ngày mùng 5 Tết sẽ diễn ra lễ hội Gò Đống Đa. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung - đại phá quân Thanh xâm lược, hiện được coi như quốc lễ.
Phần nội dung giữ nguyên các nét truyền thống gồm lễ - thắp hương cầu siêu ở chùa Đồng Quang và hội - tổ chức biểu diễn nghệ thuật mô phỏng trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa.
Lễ hội Gò Đống Đa - tưởng nhớ chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung - đại phá quân Thanh xâm lược. Ảnh: Internet
Khai ấn đền Trần (Nam Định)
Ngoài ra, không thể không nhắc tới lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra tại Nam Định. Hội bắt đầu bằng lễ khai ấn từ giờ Tý (nửa đêm) ngày 13 và kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm.
Hội Lim (Bắc Ninh)
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vào 8h sáng, hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần cây số. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.
* Miền Trung
Hội vật làng Sình (Huế)
Hội vật làng Sình diễn ra vào ngày 9 - 10 tháng Giêng tại xã Phú Mẫu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài yếu tố tâm linh truyền thống, lễ hội còn là một hoạt động vui, khoẻ đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khoẻ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.
Cùng với xới vật chính, đêm hôm trước và suốt ngày hội, khắp nơi trong làng các quán hàng ăn: Bún bò, bánh bèo, bánh nậm, bán bột lọc, cháo lòng, bánh canh, chè… cùng các gian trò chơi cũng thu hút đông đảo khách chơi xuân.
Lễ hội Cầu Ngư (Đà Nẵng)
Lễ hội Cầu Ngư là đặc trưng trong văn hóa sinh hoạt của người dân miền biển trong đó có Đà Nẵng. Vì từ lâu trong lòng người dân xứ biển luôn tôn thờ các vị thần biển cả để hy vọng có những lần ra khơi được bình an vô sự, đánh bắt được nhiều cá tôm, người dân được sống ấm no hạnh phúc. Vị thần biển được người dân Đà Nẵng tôn sùng là Cá Ông (cá Voi) - nhân vật mang đến sự ấm no cho cả dân làng và phù hộ bình an cho ngư dân khi ra khơi đánh bắt.
Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Cá Ông mà hàng năm vào ổ chức 2 ngày vào giữa tháng 3 âm lịch tại những vùng ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp....
Lễ hội Cầu Ngư là đặc trưng trong văn hóa sinh hoạt của người dân miền biển. Ảnh: Internet
Lễ hội Đống Đa (Bình Định)
Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn là dịp tưởng nhớ công tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Lễ hội diễn ra từ mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.
Lễ hội Bà Thu Bồn (Quảng Nam)
Lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức hằng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch là lễ hội mang đậm nét tín ngưỡng dân gian của người dân ven sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam. Lễ hội bắt nguồn từ sự tích bà Thu Bồn - là một vị tướng của nhà Lê bị giặc truy đuổi đến làng Thu Bồn thì bị ngã ngựa do tóc bà bị quấn vào chân ngựa nên bà bị giặc giết. Người dân nơi đây đã lập thành thờ với lòng biết ơn và coi bà là biểu tượng của cái đẹp, của khát vọng hòa bình.
Đây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Kinh và Cơ Tu sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam).
* Miền Nam
Lễ hội Đền Bà Đen (Tây Ninh)
Lễ hội đền Bà Đen (Tây Ninh) là một trong những lễ hội đông vui nhất phương Nam. Lễ hội thường kéo dài từ đầu đến hết tháng Giêng, đón hàng triệu du khách từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thuộc Nam bộ đổ về hành hương, lễ bái và thăm quan du lịch.
Điểm ấn tượng nhất khi tới lễ hội đền Bà Đen là văn hóa mộ đạo, không đặt nặng vấn đề cúng tiền. Du khách có thể lưu lại chùa một hai ngày, thưởng thức cơm chay, rồi tha thẩn lên đỉnh núi ở độ cao 380m nơi có Miếu Sơn Thần để ngắm mây vờn quanh chân và tận hưởng phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.
Lễ hội núi Bà Đen là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất miền Nam. Ảnh: Internet
Lễ hội Miếu Bà Thiên Hậu (Bình Dương)
Lễ hội miếu Bà Thiên Hậu hàng năm được tổ chức vào 3 ngày từ 13 đến 15 tháng Giêng ở Bình Dương. Ðêm 13.1 Âm lịch, nhân dân ở thị xã Thủ Dầu Một bày bàn ra trước nhà để cúng tế chuẩn bị cho lễ rước Bà ngày hôm sau. Dân chúng các vùng lân cận cũng đổ về đây khá đông.
Sáng 14.1 Âm lịch, lễ rước Bà được tổ chức theo nghi thức cổ truyền: kiệu Bà được rước đi khắp các đường phố cùng với những đội múa lân, sư tử, rồng, cờ xí ngợp trời. Ngày 15.1 dân chúng lại kéo nhau về chùa Bà để thắp hương cúng lễ, cầu phúc, cầu lộc cho năm mới. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, Bình Dương là một lễ hội dân gian mang những nét văn hoá độc đáo riêng của vùng Ðông Nam Bộ.
Lễ hội Vía Bà (Bình Định)
Khai hội từ ngày 17 tháng Giêng hàng năm, lễ hội Vía Bà ngoài phần tế lễ, dâng hương, còn có phần trình diễn đội lân, đội rồng trực khai phần xướng hát lễ cùng các màn biểu diễn võ thuật, các trò chơi dân gian chạy việt dã, đập ấm, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, thi đấu bóng chuyền và xem hát tuồng.
Ngoài phần lễ, nơi đây còn diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ hấp dẫn như biểu diễn lân sư rồng, hát bội, nghệ thuật dân ca Khmer để phục vụ người dân nơi đây và du khách thập phương
Đền Đức Thánh Trần (TP.HCM)
Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Giêng hàng năm, hội đền Đức Thánh Trần ở TP.HCM cũng là dịp để tri ân công đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch cho thế hệ trẻ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.