Đàn ông cô đơn
Đàn ông cũng có lúc vương vào nỗi cô đơn trầm mặc (hình minh họa)
Trong gia đình, biết rằng người vợ luôn lo chuyện cơm nước, chăm sóc chồng con chu đáo – đó là ưu điểm lớn nhất được chồng đánh giá cao vai trò của vợ. Và như vậy, vợ tự ban cho mình “cái quyền” sở hữu trọn vẹn người chồng, đòi hỏi người chồng phải trọn vẹn với mình mọi thứ.
Trách chồng vô tâm, trách chồng không biết lo lắng cho gia đình, phàn nàn chồng hay nhậu nhẹt, chê trách chồng khô khan, không lãng mạn, không tặng quà ngày tình nhân, không an ủi khi đau bụng, vân vân và vân vân. Thậm chí phàn nàn những điều này cả trên mạng xã hội để mong tìm được đồng minh và sự thông cảm. Từ ý nghĩ đó, người vợ cho rằng chồng chưa trọn vẹn nên thường ước ao, ảo tưởng về một người đàn ông thực sự yêu chiều họ, cần họ, chăm sóc họ và cho nương tựa mỗi khi mệt mỏi, buồn chán, muốn làm nũng.
Cũng có lúc đàn ông rơi vào trạng thái cô đơn khủng khiếp (hình minh họa)
Nhưng vợ đã thực sự nghĩ cho chồng chưa? Đã thực sự yêu thương chồng bằng tình yêu từ trái tim chưa? Đã thấu hiểu cho chồng về những gánh nặng “cơm áo gạo tiền”? về những áp lực không tên chồng chất lên vai, đặc biệt khi chồng lại làm công việc phải dùng cái đầu suy nghĩ?
Cứ phàn nàn mãi, chồng không nói, không hẳn là họ không biết về những gì người vợ đang phản ứng, có thể điều đó đúng nhưng đó chỉ là một chiều mà thôi. Vì không muốn không khí căng thẳng trong không gian gia đình trước những đứa con nên chồng lúc này có thể im lặng. Điều đó không có nghĩa là đàn ông thỏa hiệp, mà lúc đó có khi lại là lúc đang suy nghĩ rất căng thẳng.
Mong vợ đừng chỉ biết phàn nàn để chồng không bị cảm giác cô đơn ngay chính ngôi nhà của mình (hình minh họa)
Vợ càng ra sức phàn nàn, chồng càng cảm thấy xa lạ ngay chính trong hôn nhân của mình. Lâu dần, đàn ông cảm thấy vô cùng cô đơn, dù rằng vợ anh ấy có thể rất yêu thương, chăm lo “miếng ăn giấc ngủ” cho chồng. Cuộc sống không chỉ có ăn ngủ, mà còn có cả sự chia sẻ về mặt tinh thần nữa. Đàn ông thuộc phái mạnh nhưng thực tế cũng rất yếu đuối và chẳng khác gì phụ nữ, họ cũng rất dễ bị tổn thương, dù không mong manh và không dễ dàng bị khuất phục.
Đàn ông có trách nhiệm với gia đình, vợ con, lo toan cho cuộc sống của gia đình nhưng tất cả không dừng lại ở đó. Ngoài việc đi làm, kiếm tiền, lo cho vợ con, họ cũng cần hơn ai hết một người hiểu và chia sẻ với họ để cho họ cảm giác được nuông chiều, được đánh giá cao. Cuộc sống có nhiều áp lực và đôi khi bế tắc, nhiều lúc mệt mỏi, nhiều lúc thất vọng. Đàn ông thậm chí cực kỳ mềm lòng và họ cần vô cùng sự đồng điệu, hòa cùng với họ từ một người khác giới.
Áp lực xã hội, áp lực công việc, áp lực đàn ông… có lúc chồng như sụp đổ, muốn từ bỏ, muốn buông xuôi nhưng đó chỉ là thoáng qua thôi vì chồng là người biết suy nghĩ, nếu “mặc kệ đời” thì ai sẽ là người lo cho gia đình đây? Những đứa con đẹp như thiên thần sẽ có gì trong tương lai? Lúc này vợ có thấu hiểu không? Có đồng giao không cho nỗi lòng đau đáu của chồng? Có biết rằng những sợi tóc điểm bạc hay tóc rơi rụng trên gối mỗi sáng là hậu quả của những điều này không?
Người vợ đừng chỉ biết trách móc, nặng lời, nạt con vì cáu giận chồng, rồi gây sự, rồi rỗi dằn, bỏ đi… Cuộc sống của đàn ông sẽ trở nên tuyệt vọng, ngột ngạt nếu cứ như vậy, họ cần lắm những yêu thương ngọt ngào, tình cảm, âu yếm, nâng niu. Món quà tinh thần giúp đàn ông tự tin hơn cho những tháng ngày khắc nghiệt của cuộc sống chính là những chia sẻ xúc cảm từ bên trong của người vợ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.