Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử
2017-08-01 16:02:25
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Thương mại truyền thống vẫn đóng vai trò lớn trong giao dịch hàng hóa hiện nay, song thương mại điện tử và bán hàng đa kênh vẫn là xu thế tất yếu, đã và đang thay đổi thói quen người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, lựa chọn cách thức bán hàng để không hao hụt thị phần là điều mà mọi nhà bán lẻ phải nghiên cứu xem xét.
Chia sẻ cảm nhận về sự thay đổi của thị trường Việt Nam, ông Raft Mathaes, nhà sáng lập và là Tổng giám đốc của Công ty nghiên cứu Infocus Mekong Research, nói: “Thị trường tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Đáng chú ý, kỹ thuật số đang là lĩnh vực tăng trưởng rất nhanh hiện nay, điều này thể hiện qua tỉ lệ người Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, số người vay để tiêu dùng cũng ngày càng tăng”. Tuy nhiên, theo ông Raft Mathaes, điều đó không có nghĩa là lĩnh vực bán lẻ gặp thuận lợi hơn mà ngược lại, cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn với nhiều người chơi hơn. “Cần chú ý, người tiêu dùng Việt Nam rất giỏi đọc giá trị hàng hóa và cuộc cạnh tranh bằng giá sẽ rất khó khăn, thay vào đó, các DN nên chú trọng đến “vũ khí” cạnh tranh khác như cách thức quản lý và dịch vụ chăm sóc khách hàng”.
Thương mại điện tử tại Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. |
Một điểm đáng chú ý khác được ông Raft Mathaes chỉ ra là không hẳn thương mại hiện đại đang chiếm ưu thế. Số liệu của Infous Mekong Research cho thấy, 67% người dân không tiếp cận bán lẻ hiện đại mà vẫn mua bán tại các cửa hàng và chợ truyền thống, người Việt Nam tin là hiện đại là đắt hơn trừ khi mua số lượng lớn.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng ở hai miền Nam-Bắc cũng có những thói quen mua sắm khác biệt. Người miền Bắc có xu hướng chi tiêu hiệu quả và ít đi mua sắm hơn người miền Nam. Thêm vào đó, thương mại trực tuyến song vẫn thanh toán bằng tiền mặt là khá phổ biến ở Việt Nam do người tiêu dùng chưa đủ niềm tin. Một xu hướng nữa trên thị trường là người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng đến yếu tố vệ sinh an toàn với hàng thực phẩm và quan tâm nhiều đến sản phẩm hữu cơ.
Từ góc độ của một DN bán lẻ trong lĩnh vực kỹ thuật số, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc thương mại điện tử và phát triển kinh doanh của FPT Digital Retail cho rằng, thương mại điện tử đã và đang là xu hướng thời thượng. Tuy nhiên, không hẳn trong thời đại công nghệ số hiện nay, thương mại điện tử “giết” được bán lẻ truyền thống. Thực tế bán hàng tại FPT Shop cho thấy, nếu chỉ dựa vào một loại hình thương mại điện tử hay thương mại truyền thống thì rất khó giữ vững và đẩy mạnh doanh số, bởi vì cả hai kênh bán hàng này có sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau.
“Nếu chỉ có cửa hàng ofiline mà không có cửa hàng online thì khó có thể tiếp cận khách hàng ở những vùng xa hơn. Ngược lại, nếu chỉ dựa vào online mà không có cửa hàng ofiline để tạo không gian cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm thì cũng sẽ hao hụt đáng kể doanh số bán hàng. Mỗi điểm bán hàng ofiline vừa là kho hàng vừa là điểm trung chuyển và hỗ trợ tốt cho bán hàng online”, ông Bảo nhấn mạnh. “Tuy nhiên, để các cửa hàng online và ofiline có sự kết hợp đồng bộ, tạo hiệu quả giao dịch, điều cần nhất chính là hệ thống dữ liệu đồng bộ. Mặt dù FPT là tập đoàn hàng đầu về công nghệ song đến nay, đây vẫn là thách thức không nhỏ”.
Bên cạnh đó, một thách thức khác trong việc đẩy mạnh kết nối khách hàng khi chuyển từ online lên ofiline và ngược lại là sự thay đổi của đội ngũ bán hàng. Theo đó, nhân viên bán hàng thường có tâm lý ngại thay đổi nên điều này cũng không dễ dàng với các công ty bán lẻ.
Một thực tế vẫn sẽ diễn ra ở Việt Nam là kênh bán hàng truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển doanh số bán lẻ. Số liệu từ FPT Shop cho thấy, 92,2% doanh số bán hàng vẫn đến từ những cửa hàng. “Tôi tin là tỉ lệ bán hàng online ở các ngành nói chung cũng chỉ chiếm khoảng 15% mà thôi. Điều quan trọng với các nhà bán lẻ hiện nay là cần có kế hoạch đo đạc dữ liệu khách hàng và liên tục cập nhất với các bộ phận quản lý của DN. Từ đó, các cấp quản lý có thể đưa ra những quyết định nhanh và hiệu quả trước khi bị đối thủ cạnh tranh cướp mất khách hàng”, ông Bảo nhấn mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Trần Trọng Triết