ĐBSCL: Chịu ảnh hưởng hạn mặn và dịch Covid - 19

2020-04-08 15:50:07 0 Bình luận
Tình trạng hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đi cùng sự tiến triển phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đang khiến cho người dân và doanh nghiệp nơi đây phải chịu tác động kép với mức ảnh hưởng tiêu cực ngày càng gay gắt hơn.

Hạn mặn đến cùng Covid-19

Tình trạng xâm nhập mặn đi cùng hạn hán kỉ lục đã kéo theo cuộc sống của người dân và hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn hơn ở khu vực ĐBSCL, thêm vào đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến khu vực này phải chịu ảnh hưởng “tiêu cực kép”.

                                                            

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, dư nợ tín dụng khu vực ĐBSCL tính đến cuối tháng 2 đã giảm 0,27% so với cuối năm 2019, trong khi tín dụng toàn quốc tăng 0,2%. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm 0,56% (dư nợ cho vay thủy sản giảm 1,66%, lúa gạo giảm 0,6%); tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,58%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu giảm 0,48%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 6,35%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 2,92%.

Bối cảnh này trái ngược với tình hình năm ngoái, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến 15%, cao hơn cả tốc độ bình quân toàn ngành. Trong số này, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 265.195 tỉ đồng, tăng 22%, cao hơn nhiều so với con số chung toàn quốc là 14,32%, chiếm tỉ trọng gần 55% dư nợ tín dụng toàn khu vực.

Cho vay với mặt hàng nông sản, thế mạnh của khu vực ĐBSCL, cũng đang tăng trưởng tốt, với ngành thủy sản tăng 11,8%, lúa gạo tăng 7,5%, rau quả tăng 5,9%.

Theo khảo sát nhanh của Ngân hàng BIDV, đơn vị có 22 chi nhánh với 88.542 tỉ đồng dư nợ tại khu vực (chiếm 8,2% tổng dư nợ ngân hàng), có khoảng 700 khách hàng bị ảnh hưởng bởi tình hình xâm nhập mặn, hạn hán và dịch bệnh Covid-19, chủ yếu thuộc các ngành sản xuất lương thực thực phẩm, chế biến, chăn nuôi, kinh doanh lúa gạo, thủy sản, phân bón, thuốc trừ sâu. Ngoài ra, còn có khoảng 760.000 khách hàng cá nhân (có tổng dư nợ 652 tỉ đồng) bị ảnh hưởng theo, chủ yếu là ở tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, ở nhiều ngành bị ảnh hưởng như sản xuất cây giống, nuôi tôm nguyên liệu, kinh doanh lúa gạo.

Còn ước tính của Kienlongbank, ngân hàng có trụ sở chính ở Kiên Giang, có khoảng 85.000 khách hàng vay vốn trả góp ngày của ngân hàng đang ngày càng khó khăn hơn. Theo bà Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Kienlongbank, cho biết “Đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày là những người có thu nhập thấp, vừa đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày như: bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn và buôn bán nhỏ, lẻ… Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay, họ thực sự gặp nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía”.

Ngân hàng vào cuộc

Từ khi xảy ra dịch Covid-19, đại diện NHNN cho biết đã nhận được nhiều văn bản của các hiệp hội, các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, trong đó Cà Mau là một trong những tỉnh có văn bản kiến nghị từ sớm về việc cần được xem xét nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 23/3/2020 giữa NHNN, các vị lãnh đạo các tỉnh khu vực ĐBSCL và các tổ chức tín dụng để đánh giá tình hình thiệt hại và khó khăn do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh bao gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang; Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận những khó khăn mà các tỉnh đang gặp phải. Theo đại diện NHNN, việc triển khai các chương trình hỗ trợ nông nghiệp trên thực tế đã có từ sớm, từ năm 2016, thời điểm đánh dấu tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở mức độ gay gắt nhất trong vòng hơn 100 năm trước đó.

Khi đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 để các tổ chức tín dụng chủ động thực hiện biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới để khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất.

Còn hiện nay, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét tạm thời, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, và tiếp tục cho khách hàng vay mới để khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 ở khu vực này, ngay trước cả khi ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020, là hành lang pháp lý nói chung cho các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cơ cấu nợ với quy mô toàn bộ nền kinh tế.

Theo số liệu của NHNN, kết quả ban đầu đã có 47 khách hàng (dư nợ 522 tỉ đồng) được hỗ trợ dưới nhiều biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ (8 khách hàng với dư nợ 121 tỉ đồng); miễn, giảm lãi (3 khách hàng với dư nợ 14,93 tỉ đồng); cho vay mới (36 khách hàng với số tiền 386 tỉ đồng). Tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn cần sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại nhiều hơn.

Mới đây, Kienlongbank công bố giảm 25% trên tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 số khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày như đã nhắc đến ở trên, kể từ ngày 3-4 đến 30/6/2020. Ngân hàng cũng công bố triển khai chương trình giảm 3%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất đã kí kết đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL, trong đó ưu tiên cho 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp là Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang và Long An. Đây là chương trình nhằm bổ sung vốn sản xuất nông nghiệp (nuôi, trồng, chăm sóc), bao gồm cây lúa, cây ăn trái, rau củ quả, thủy sản. Ngoài ra, ngân hàng còn giảm lãi suất với các khoản vay hiện hữu, có mục đích vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm hay chuối.

Một ngân hàng thương mại khác cũng công bố các chương trình hỗ trợ nông nghiệp là HDBank, đưa ra gói 1.000 tỉ đồng cho vay chuỗi nông nghiệp nông thôn đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo cho cả nước, đồng thời tiếp sức cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang có khó khăn vì xâm hạn mặn ở ĐBSCL. Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được xem xét giảm lãi suất từ 2-4,5% với các khoản vay cũ hoặc vay mới, hoặc vay trả lương cho người lao động.

Đại diện BIDV trong buổi họp trực tuyến trên cũng cho biết về cơ bản, có hơn 7% dư nợ tại khu vực này đã được hưởng các gói tín dụng ưu đãi trong năm. Ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai, hỗ trợ các khách hàng cá nhân và nông dân chịu ảnh hưởng bởi hạn mặn cũng như dịch Covid-19.

Sau Chỉ thị 02 ngày 31/3/2020 của Thống đốc NHNN về các giải pháp khẩn cấp trong mùa dịch, BIDV cho biết sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh; đồng thời sẽ giảm đến 2%/năm đối với khoản vay tiền đồng cho khách hàng doanh nghiệp, với mức giảm cụ thể tùy thuộc vào lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong khi đó, ngân hàng có thị phần lớn tại khu vực nông thôn là Agribank, cũng cho biết sẽ dành ra 100.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó khách hàng sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% đối với khoản vay bằng tiền đồng và thấp hơn 0,5%/năm đối với khoản vay bằng ngoại tệ, so với lãi suất cho vay cùng loại.

Với trên 20 triệu dân, khu vực ĐBSCL là vùng kinh tế trù phú, nhưng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Vì thế, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, chia sẻ tại buổi họp trực tuyến trên, cho rằng về lâu dài khu vực ĐBSCL cần nguồn vốn ưu đãi dài hạn hơn để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh và hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng (như hạ tầng nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất), nhằm thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt hơn hiện nay.

NHNN yêu cầu các TCTD tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định Số: 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều cơ chế đặc thù. Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, hỗ trợ phát triển các mặt hàng nông nghiệp: lúa gạo, thủy sản, rau quả... là thế mạnh của Vùng theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Điển hình như:

1/Chính sách cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo trong thời kỳ thu hoạch rộ để ổn định giá lúa cho bà con nông dân;

2/Chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực thủy sản (tôm, cá tra);

3/ Chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68 của Thủ tướng Chính phủ;

4/Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ…

Trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay, NHNN cũng kịp thời có Văn bản số 1835/NHNN-TD ngày 18/3/2020 yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các tổ chức tín dụng (bao gồm cả Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)) chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định; đồng thời cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân. Cùng với đó, NHNN đã quyết liệt triển khai các các cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thế mạnh của vùng; Chỉ đạo các TCTD cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay và tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. 

                                                           

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

 

Phó Thống đốc cho biết, với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL, ngành Ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng người dân, doanh nghiệp trong vùng, cũng như thực hiện các giải pháp tín dụng giúp bà con vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì và phát triển sản xuất. Đối với các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, quan tâm tài trợ vốn cho các dự án phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, các dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn. Các chi nhánh, Phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Riêng đối với NHCSXH, ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại khu vực ĐBSCL; chủ động phối hợp với các bên liên quan trong triển khai các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn để đẩy mạnh giải ngân theo đúng tiến độ thi công, nhanh chóng đưa các công trình này vào sử dụng, đặc biệt là tại vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN, để hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn đạt kết quả cao và ngày càng hỗ trợ tốt hơn việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ngành Ngân hàng cũng mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo MTTQ các tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục phối hợp, hỗ trợ TCTD trên địa bàn trong công tác huy động vốn; phối hợp triển khai các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực thế mạnh của vùng; chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Chỉ đạo các các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, phối hợp với ngành ngân hàng trong việc nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, theo dõi diễn biến và ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định. 

Trường hợp có thiệt hại, ảnh hưởng trên phạm vi rộng, cần kịp thời có văn bản công bố thiên tai, làm cơ sở để các TCTD thống kê dư nợ thiệt hại và thực hiện biện pháp khoanh nợ theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP.

Nghị định 55 và Nghị định 116 quy định chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng, được tổ chức tín dụng xem xét: cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ; theo thẩm quyền xem xét miễn, giảm lãi vay, thu nợ gốc trước, nợ lãi sau, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh,…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...