Đề xuất cấm "đăng báo một đằng viết Facebook một nẻo": Đề xuất vội vàng!
Tại nghị trường Quốc hội, Nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ kiến nghị cấm nhà báo sử dụng mạng xã hội tuyên truyền trái với chính sách thông tin của cơ quan báo chí.
Ông Hà Minh Huệ, Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam |
Các báo dẫn lời ông Hà Minh Huệ: "Hiện có nhiều nhà báo sử dụng mạng xã hội tuyên truyền khác với thông tin chính thống trên chính cơ quan báo chí của mình. Các cơ quan báo chí nước ngoài cũng cấm, đây là chuyện đạo đức nghề nghiệp",
"Anh không thể hai mặt, nói ở cơ quan chính thống thế này, lên mạng xã hội lại nói khác. Theo tôi nên cấm luôn điều này"- ông Huệ đề xuất.
Đề xuất này đã khiến cho nhiều người có những bình luận khác nhau. Để cùng bạn đọc góp tiếng nói về vấn đề này, PV Infonet đã có trao đổi với Blogger Nguyễn Ngọc Long, người có nhiều nghiên cứu về truyền thông xã hội và rất quan tâm đến tình trạng “lộn xộn” trên mạng xã hội hiện nay.
Bloogger Nguyễn Ngọc Long, người rất trăn trở về cần tạo ra Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội |
Thưa anh, mới đây, công đồng, nhất là những người làm báo xôn xao về phát ngôn của ĐBQH Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo VN về chuyện đưa vào luật, nhà báo không được “đăng báo một đằng viết FB một nẻo”. Anh có bình luận gì về phát biểu này?
Tôi cho rằng về "tinh thần" thì phát biểu này nên được lắng nghe. Mà có lẽ ông Huệ cũng không cần và không nên "đe" luật hoá chuyện phát ngôn bất nhất. Vì dù với lý do gì, khi nhà báo hành xử theo kiểu nay nói một đằng, mốt nói một nẻo sẽ khiến uy tín cá nhân giảm sút ít nhiều. Mà chắc cũng chẳng ai muốn làm vậy cả đâu.
Tuy nhiên, trong khi việc ý thức mỗi người là cá nhân thì việc đòi luật hoá lại khiến sắc thái câu chuyện trở nên hoàn toàn khác. Bản thân tôi rất ủng hộ ban hành luật quản lý một số hoạt động trên mạng xã hội nhưng không ủng hộ kiểu ngăn cấm vô tội vạ. Quản lý là để mọi thứ phát triển, bao gồm cả tự do cá nhân và tự do ngôn luận, chứ không thể quản lý kì lạ kiểu này.
Đứng ở góc độ cuộc sống, không ai chấp nhận "phát ngôn", "con người" 2 mặt. Trong truyền thông có ngoại lệ không?
Tôi nghĩ bản thân khái niệm hai mặt đã hàm ý nói về những điều không tích cực. Mà đã không tích cực thì cũng chẳng cần ngoại lệ để làm gì.
Còn nếu "phát ngôn hai mặt" vô thưởng vô phạt kiểu hôm nay tôi thích nhạc Hàn, ngày mai tôi thấy chán hay ngược lại thì rất bình thường.
Anh nghĩ sao khi ở một số tòa soạn nước ngoài, mỗi PV đều có trang cá nhân link đến trang báo, và họ có quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với các phóng viên, nhà báo?
Nếu tôi là phóng viên chắc chắn tôi sẽ lập thêm một trang cá nhân khác "thực sự cá nhân" hơn trang có liên kết từ toà báo. Bởi vì, nếu việc này là quy định của toà soạn và tôi đã đồng ý thì tôi cứ thế tuân thủ theo thôi. Nhưng chắc chắn tôi vẫn cần một không gian nào đó "riêng tư" để thể hiện đúng một con người không "quy tắc" của tôi với bạn bè, người thân. Vậy nếu không phải một tài khoản khác, thì sẽ là một tài khoản ở mạng xã hội nào đó khác.
Nhưng, theo anh, tại sao phát ngôn của ông Hà Minh Huệ lại có nhiều ý kiến phản đối như vậy?
Ngắn gọn là vì điều đó vi phạm vào sự riêng tư cá nhân, làm mất tự do. Chẳng ai muốn như vậy cả, chắc bản thân ông Huệ cũng không muốn. Tôi thấy phát biểu này quá sức vội vàng.
Phải chăng, cái không hợp lý là chẳng nước nào đi luật hóa "việc ứng xử cá nhân của phóng viên, nhà báo trên mạng xã hội" mà chỉ nên dừng lại ở quy tắc ứng xử trên mạng?
Bởi vì mạng xã hội bao gồm sự phức tạp của mạng (internet) và của xã hội nên xây dựng luật cho môi trường đặc thù này đương nhiên khó gấp đôi và cần sự cẩn trọng gấp đôi. Trong khi chưa biết bao giờ luật đó được hoàn thành, ý tưởng về "Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội" là việc rất nên làm.
Còn chỉ dừng lại ở đó hay "bước tiếp một bước" để luật hoá hoàn toàn thì cứ để sau một thời gian triển khai bộ quy tắc ứng xử này và rút kinh nghiệm, chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác, không võ đoán.
Xin cảm ơn anh!
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.