Dịch bệnh kéo dài khiến nhà đầu tư Homestay "kiệt sức"
Nhiều nhà đầu tư homestay ven đô đang lao đao vì dịch bệnh kéo dài.
Mô hình nghỉ dưỡng ven đô đã xuất hiện từ lâu trên thị trường nhưng chỉ thực sự bùng nổ mạnh vào năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Covid-19 đã làm thay đổi hành vi, thói quen của con người khiến Staycation - xu hướng du lịch bùng nổ hậu Covid lên ngôi. Staycation được ghép bởi 2 từ: “Stay” (ở lại) và “vacation” (chuyến du lịch, kỳ nghỉ) với bản chất là một chuyến du lịch gần nơi sinh sống, không phải di chuyển quá xa và tiết kiệm chi phí. Du lịch staycation nở rộ đã thúc đẩy làn sóng đầu tư ven đô với các loại hình kinh doanh homestay, nhà vườn nghỉ dưỡng phát triển mạnh. Nhiều nhà đầu tư đã đổ về các vùng ven có cảnh quan thiên nhiệp đẹp để đầu tư ngôi nhà thứ 2 với mục đích cho thuê kiếm lời.
Tháng 7/2020, anh Đỗ Văn Thành về Ba Vì (Hà Nội) xây dựng một homestay 9 phòng. Cuối năm 2020, anh Thành mới hoàn thành homestay và đưa vào hoạt động chưa đầy 1 tháng thì đợt dịch Covid-19 trước Tết xuất hiện khiến mọi hoạt động phải dừng lại. Sau Tết, khu homestay được đẩy mạnh quảng cáo và hoạt động sôi nổi trong tháng 3, tháng 4 thì cuối tháng 4 dịch bùng và kéo dài phức tạp đến nay. Anh Thành cho biết: “Tháng 5, tháng 6 vẫn còn lẻ tẻ khách vào cuối tuần nhưng từ cuối tháng 6 đến hiện tại, homestay hoàn toàn vắng khách và buộc phải đóng cửa tạm thời. Tính ra từ lúc hoàn thiện, chúng tôi mới chỉ hoạt động chưa đầy 3 tháng”. Không có doanh thu trong khi khoản tiền đầu tư vào homestay có một lượng vốn không nhỏ anh Thành vay ngân hàng và người thân. Hàng tháng anh vẫn phải tìm mọi cách quay vòng để trả khoản gốc và lãi này.
Theo báo cáo năm 2019 của AirDNA, thị trường kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 452% chỉ trong một năm, trong khi mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 140% và cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống - chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung chỗ ở.
Từ đó, cuộc đua kinh doanh homestay cũng bắt đầu nở rộ ở nhiều địa phương. Bên cạnh bố trí lại ngôi nhà mình đang sống để trở thành cơ sở lưu trú cho khách du lịch, nhiều chủ đầu tư bắt đầu thuê lại nhà, hoặc xây mới công trình dạng nhà ở, biệt thự để kinh doanh homestay với chiến lược cạnh tranh riêng. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch COVID -19 bùng phát, cùng với sự “đóng băng” của ngành du lịch, thị trường homestay cũng rơi vào khủng hoảng.
Theo Chị Lê Thị Phương đầu tư kinh doanh homestay ở một khu đô thị thuộc tỉnh Hưng Yên, giáp ranh Hà Nội bằng việc thuê lại một căn hộ hơn 90m2 với giá 12 triệu đồng/tháng vào tháng 4/2020. Tháng 6/2020, sau khi bỏ thêm hơn 250 triệu làm nội thất, homestay chính thức vận hành. Hoạt động được hơn năm, vẫn đang trong quá trình thu hồi vốn thì gặp dịch bệnh khiến chị Phương buộc phải đóng cửa homestay 4 tháng nay. Chủ nhà cũng hỗ trợ chị Phương bằng việc giảm tiền nhà nhưng chị đã quá mệt mỏi với tình trạng kinh doanh bấp bênh vì dịch bệnh. Chị dự định khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ tìm cách chuyển nhượng lại homestay này.
Đều là những người nhạy cảm với xu hướng thị trường nên nhanh chóng bắt trend đầu tư nghỉ dưỡng ven đô và trên thực tế, các xu hướng này đều cho thấy tính hiệu quả. Chị Yến và anh Đức cho biết tháng 11/2020, homestay đi vào vận hành và luôn kín khách cuối tuần. Khách muốn đặt phòng cuối tuần thì phải book từ trước đó cả tháng. Doanh thu giai đoạn này rất tốt. Chị Phương cũng thừa nhận xu hướng nghỉ dưỡng staycation hậu Covid-19 bùng nổ mạnh nên homestay của chị cũng thu hút lượng khách ổn định khi dịch bệnh chưa phức tạp. Chị từng dự tính với tốc độ cho thuê phòng khi đó thì khoảng 1,5 năm chị sẽ thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi.
Thế nhưng dù bắt đúng xu hướng thị trường nhưng các nhà đầu tư đều không thể ngờ dịch bệnh phức tạp và dai dẳng hơn những gì họ dự tính. Và điều duy nhất các nhà đầu tư có thể làm trong lúc này là chờ đợi và mong dịch sớm được kiểm soát để cuộc sống, công việc sớm trở lại bình thường.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.