Dự án vì một thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái
Sáng 15/3, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và các đối tác phối hợp tổ chức Hội thảo "Hành trình đến với thành phố an toàn" tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Được biết, dự án "Thành phố an toàn, thân thiện với em gái" đã được triển khai ở 19 thành phố trên thế giới, trải dài ở cả 5 châu lục. Tại Việt Nam, dự án do Tổ chức Plan International phối hợp với các đối tác: Vụ Bình đẳng giới - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) thực hiện từ năm 2016 đến nay, hướng tới mục tiêu xây dựng những thành phố an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với em gái, cũng như giải quyết các thách thức liên quan đến bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái.
Theo đại diện Tổ chức Plan International, mục tiêu của Dự án "Thành phố an toàn với em gái" là tăng cường an toàn của em gái ở nơi công cộng và khi di chuyển trong thành phố thông qua can thiệp thí điểm xây dựng cộng đồng an toàn và thân thiện hơn với các em gái. Trong giai đoạn đầu, dự án được triển khai nhằm cải thiện vấn đề an toàn của trẻ em gái khi đi lại trên phương tiện xe buýt. Trong giai đoạn tiếp theo, dự án tập trung vào việc tập huấn và nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến bạo lực giới. Tiếp nối các thành công của giai đoạn trước, dự án làm việc với các đối tác như Vụ Bình đẳng giới, MSD, Viện Light xây dựng mô hình để thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ vào việc xây dựng và giám sát việc thực hiện các quy định luật pháp và chính sách, qua đó tác động ở phạm vi toàn quốc.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, thời gian qua, tại Việt Nam việc hoàn thiện khuôn khổ chính sách về bình đẳng giới đã được quan tâm. Các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới được đẩy mạnh, trong đó việc truyền thông để nâng cao nhận thức, chuyển các mô hình thí điểm về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới về các địa phương khác nhau được thực hiện; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên ngành; triển khai các cuộc điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu để thực hiện các biện pháp xây dựng các hoạt động nhằm đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới...
Theo chia sẻ tại hội thảo, đại diện Tổ chức Plan International cho biết, Dự án “Thành phố an toàn với trẻ em gái” thực hiện giai đoạn vừa qua tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội đã hướng đến nhóm đối tượng trẻ em gái và trẻ em trai vị thành niên, giáo viên, cha mẹ, nhân viên lái phụ xe buýt, thành viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi, đại diện cơ quan quản lý, tổ chức và các bên liên quan. Dự án đã đạt một số mục tiêu quan trọng như: 90% em gái cảm thấy an toàn tại không gian của dự án, 75% em gái cảm thấy hài lòng với các hoạt động của dự án, 50% em gái cảm thấy an toàn khi đi xe buýt...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.