Đường hoa Nguyễn Huệ 2022 chuẩn bị khai mạc đón khách tham quan
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 dài gần 700m, từ giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ đến đường Tôn Đức Thắng quận 1, TP.HCM. Đây là đường hoa thứ 19 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền từ năm 2004 đến nay tại trung tâm thành phố
Theo Ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ 2022, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, khách tham quan di chuyển một chiều trong đường hoa, xếp hàng và thực hiện các biện pháp phòng dịch trước khi vào như: khai báo y tế qua app PC Covid, sát khuẩn tay, kiểm tra nhiệt độ. Trong suốt thời gian tham quan, người dân phải đeo khẩu trang đúng quy định, kể cả khi chụp ảnh.
Đường hoa khai mạc phục vụ người dân tham quan, vui chơi từ 19h ngày 29/1 đến 17h ngày 4/2 (tức từ 27 tháng Chạp đến mồng 4 Tết). Đường hoa chia thành 3 phân đoạn chủ đề: Về rừng sâu - Thiên nhiên tươi xanh, Xuân nghĩa tình - Tự hào Việt Nam và Ra biển lớn – Nước non hội ngộ.
Dừng tổ chức lễ hội đầu xuân trên cả nước
Ngày 28/1, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng gửi công điện đến các địa phương, yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ dịp Tết Nhâm Dần 2022.. Với lễ hội truyền thống, địa phương chỉ tổ chức phần nghi lễ, không tổ chức phần hội (vui chơi, giải trí, thể thao...). Các hoạt động như chiếu phim, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, karaoke, vũ trường, ngày kỷ niệm... phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia.
Thị trường hoa, cây cảnh ảm đạm những ngày cuối năm
Mặc dù còn vài ngày nữa mới đến Tết nhưng một số tiểu thương buôn bán đào, quất, mai, hoa cúc... tại Hà Nội đã bắt đầu treo biển giảm giá, "xả hàng". Những năm trước, đây là thời điểm thị trường hoa, cây cảnh nhộn nhịp nhất, nhưng năm nay không khí mua sắm có phần ảm đạm hơn. Các loại cây như Đào Mộc Châu (Sơn La), Mai (Bình Định), quất, hoa cúc…đều đồng loạt hạ giá. Theo một số tiểu thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường hoa, cây cảnh năm nay rất ảm đạm. Vì vậy, giá cả cũng phải thay đổi phù hợp với nhu cầu của người mua.
Lá dong ế khách, giá tăng gấp đôi
Lá dong rừng có giá là 150.000 đồng/100 lá, lá dong quê có giá 120.000 đồng/100 lá, lạt buộc bánh được bán 10.000 đồng/bó.
Chợ lá dong nằm trên đường Trần Quý Cáp (thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội) được mệnh danh là điểm bán lá dong lâu đời nhất Thủ đô. Tuy nhiên, khác với không khí tấp nập như những năm trước đó, năm nay, chợ này lại khá vắng khách. Theo một số tiểu thương tại đây cho biết, giá lá dong năm nay tăng hơn so với năm trước đó là bởi ảnh hưởng của thời tiết, sương muối, dẫn đến khan nguồn cung.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.