Gần 15.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng đường cao tốc Nghi Sơn - Vinh
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam bao gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873km. Đây là tiền đề quan trọng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, giảm tai nạn giao thông, giảm thời gian và chi phí vận tải.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án 6 cho biết, trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi ODA khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu đầu tư theo phương án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Tuy nhiên, do dự án có tổng mức đầu tư lớn, để đảm bảo hiệu quả tài chính cần có sự hỗ trợ của Nhà nước theo hình thức PPP là phù hợp.
Hơn nữa, sau khi tuyến cao tốc này được xây dựng sẽ giúp tăng cường kết nối phương tiện theo hướng Bắc-Nam, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tăng cường an toàn giao thông, cải thiện môi trường.
Dự án có điểm đầu tại Km380 nút giao với đường Nghi Sơn-Bãi Trành thuộc địa phận xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Điểm cuối (Km459 +505) tại vị trí giao Quốc lộ 46 tránh thành phố Vinh, thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Theo đề xuất của Ban quản lý dự án 6, tuyến đường cao tốc dài 79,51km này, giai đoạn 1 sẽ có quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, mặt đường rộng 32,2m với vận tốc thiết kế 120km/giờ.
Tổng mức đầu tư của tuyến đường là 15.573 tỷ đồng, trong đó phần vốn hỗ trợ để đảm bảo tính khả thi tài chính dự án là 6.463 tỷ đồng, vốn BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) là 9.110 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng là 1.314 tỷ đồng.
Dự án hoàn vốn trong vòng 24 năm với mức phí 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, lộ trình tăng phí 12%/3 năm và được thu phí theo hình thức khép kín, trạm thu phí được bố trí tại tất cả các nhánh ra vào đường cao tốc. Mỗi trạm thu phí có ít nhất một cửa thu phí tự động (ETC), các cửa còn lại thu theo phương thức bán tự động.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải thông qua, Ban quản lý dự án 6 dự kiến khởi công dự án vào quý 3/2017, hoàn thành sau 3 năm. Riêng thời gian thi công xây dựng hầm Thần Vũ 1, Thần Vũ 2 là 4 năm.
Trên tuyến đường cao tốc này có 2 công trình cầu có chiều dài nhịp lớn hơn 400m; ba hầm đường bộ là Trường Lâm dài 550m, Thần Vũ 1 dài 895m, Thần Vũ 2 dài 1.675m. Ước tính, tổng nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khoảng 516ha, trong đó địa phận tỉnh Thanh Hóa là 43,2ha và địa phận tỉnh Nghệ An khoảng 473,6ha./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.