Phải bù lỗ vì mua điện giá cao bán giá thấp, EVN đề xuất tăng giá điện
Năm nay chi phí đầu vào sản xuất tăng vọt, EVN đã đề xuất tăng giá điện. Thông tin này được ông Đỗ Thắng Hải nói bên lề họp báo Chính phủ chiều 1/12. Theo Thứ trưởng, hiện chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị này lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay và ước tính cả năm lỗ hơn 31.000 tỷ.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh: VGP.
Ông Hải cho hay, EVN đã đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện và Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát đề xuất này theo Quyết định 24.
Không tiết lộ mức đề xuất cụ thể của EVN, nhưng Thứ trưởng Hải nói, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân hiện nay đã "vượt thẩm quyền của EVN theo Quyết định 24", tức là đã tăng trên 5%.
Theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, giá điện bình quân được điều chỉnh dựa trên biến động đầu vào của tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Tuần trước, EVN cho biết, các chi phí giá nhiên liệu sản xuất điện như than, dầu, khí đã tăng 3-5 lần so với trước khiến chi phí sản xuất, mua điện của doanh nghiệp này tăng vọt.
Với tình hình tài chính hiện nay, tập đoàn này cho biết vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện, cân đối và huy động vốn để đầu tư các dự án... Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của EVN năm 2023 và các năm tới.
Tính toán của EVN hồi giữa năm cho thấy, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng một kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng một kWh.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), một doanh nghiệp thuộc EVN, giá mua trên thị trường điện của doanh nghiệp hiện là 2.500,46 đồng một kWh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân ước cả năm 2022 của doanh nghiệp này là 1.786 đồng một kWh, tức họ đang phải "bù lỗ" hơn 710 đồng mỗi kWh bán ra.
Ông Phan Tử Lượng, Phó tổng giám đốc EVNNPC, nói 2022 là năm khó khăn nhất từ khi thành lập. Nửa đầu năm nay, EVNNPC lỗ 4.709 tỷ đồng, trong đó lỗ từ sản xuất kinh doanh điện là 4.843 tỷ.
Theo ông Lượng, việc phải chịu khoản lỗ lớn dự kiến khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khó khăn, khó đảm bảo tiến độ thanh toán tiền điện cho EVN, cũng như cho các nhà thầu và đối tác.
"Việc không thu xếp được vốn để đáp ứng nhu cầu đầu tư sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp điện cho các địa phương và các khách hàng tại 27 tỉnh, thành phía Bắc", ông Lượng cho biết và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương có chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.