Gian nan cải tạo chung cư cũ, bảo tồn nhà cổ ở TPHCM

2015-10-16 14:45:05 0 Bình luận
Không phải chờ đến vụ sập nhà cổ gây chết người ở Hà Nội vừa qua mà dư luận mới tỏ ra lo lắng về sự an toàn sinh mạng tại các chung cư cũ xuống cấp hay những công trình văn hóa được xây dựng hàng trăm năm.


Mặt sau lô 4, 6 của cư xá Thanh Đa bị nghiêng vào nhau, bị ảnh hưởng bởi sạt lở do nằm cạnh bờ sông. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Tại những đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, nỗi lo lắng ấy vốn dĩ đã thường trực từ nhiều năm nay, dù chính quyền thành phố đã nỗ lực cải tạo, xây mới chung cư cũ.

Ỳ ạch di dời chung cư xuống cấp

Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có 1.244 chung cư; trong đó có 533 chung cư, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975 với 50.460 căn tương đương 3,4 triệu m2 sàn xây dựng.

Trong thời gian qua, thành phố đã hoàn thành việc tháo dỡ các chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng. Thành phố đang cải tạo 31 chung cư, bao gồm xây mới 16 chung cư cũ và di dời 15 chung cư cấp D (không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường), qua đó đã tiến hành di dời 741/1.154 hộ.

Việc triển khai cải tạo, xây mới 16 chung cư cũ cũng chỉ có rất ít dự án đã xây xong phần móng, còn lại đều trong tình trạng chưa xây dựng. Trong giai đoạn 2016-2020 thành phố sẽ tiếp tục xây mới, thay thế các chung cư cũ cấp D phải di dời khẩn cấp, phấn đấu tháo dỡ 120.000 m2 sàn chung cư hư hỏng nặng, xây mới 240.000m2 thay thế các chung cư cũ.

Trong số nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng cần cải tạo nhưng vẫn còn tồn tại nhiều năm qua là lô IV, lô VI cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh với 11 hộ chưa chịu di dời. Nguyên nhân là do người dân yêu cầu thành phố cấp chủ quyền căn hộ tái định cư tại phường 12, quận Bình Thạnh (nơi đến) trước khi di dời, phải có chính sách bồi thường, hỗ trợ cụ thể, yêu cầu được hóa giá nhà theo Nghị định số 61 của Chính phủ…

Ngoài ra việc di dời còn liên quan đến quy định pháp luật về thu hồi nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, việc di chuyển, phá dỡ nhà...


Khuôn viên bên ngoài chung cư lô G, cư xá Thanh Đa. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Một người dân ngụ lô IV cư xá Thanh Đa cho biết gia đình sẵn sàng đi với điều kiện thành phố bồi thường theo giá thị trường và phải có phương án bồi thường cụ thể chứ không thể chỉ dừng lại hỗ trợ. Mới đây để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định cưỡng chế di chuyển 11 hộ dân nói trên nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong.

Theo ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, khó khăn hiện tại là việc người dân đòi thêm quyền lợi như muốn thành phố bồi thường theo giá thị trường hoặc được bán nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ trong khi bản thân họ không đủ tiêu chuẩn. Quận Bình Thạnh đang tiếp tục vận động, nếu không xong sẽ tiến hành cưỡng chế trong tháng 11 tới.

Đánh giá thực trạng cải tạo chung cư cũ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng tiến độ xây dựng mới các chung cư hư hỏng nặng trên địa bàn vẫn còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị và nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Mặt khác nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các chung cư cũ do chưa có chính sách, cơ chế phù hợp.

Ông Lê Hoàng Châu đề nghị Nhà nước nên cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư được phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, quy mô dân số, tăng chiều cao công trình trong quy hoạch cho phép.

Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng Hội Xây dựng Việt Nam), Nhà nước cần tạo niềm tin cho người dân tham gia góp vốn vào dự án cải tạo, xây lại chung cư cũ bằng chính sách ưu đãi việc chọn tầng, chọn căn tùy theo tỷ lệ góp vốn…; tổ chức việc mua trái phiếu xây dựng chung cư cũ từ cư dân sống ở đây.

Đối với doanh nghiệp, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cho doanh nghiệp được chồng tầng đối với các chung cư cải tạo cũng như làm các cửa hàng, thương mại dịch vụ công cộng, văn phòng cho thuê ở tầng trệt và các tầng ở dưới (để kinh doanh, thu hồi vốn).

Mới đây ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng xác định rõ nguyên nhân vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện hiệu quả chương trình thay thế các chung cư hư hỏng nặng, chỉnh trang ô phố; đồng thời đề xuất chính sách mới nhằm giải quyết căn cơ, có hiệu quả.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Quy hoạch Kiến trúc, các cơ quan liên quan lập đề án tổng thể về thay thế chung cư hư hỏng kết hợp với chỉnh trang đô thị hoàn chỉnh trên từng địa bàn; hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các quận, huyện mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia thực hiện; trong trường hợp cần thiết Ủy ban Nhân dân thành phố có thể xem xét quyết định cơ chế chỉ định thầu nhà đầu tư.

Bộn bề trùng tu nhà cổ

Không chỉ tồn tại nhiều chung cư cũ xuống cấp trầm trọng, Thành phố Hồ Chí Minh còn có nhiều nhà cổ, công trình bảo tàng lâu năm đã hết hạn sử dụng, cần trùng tu bảo tồn. Tuy nhiên việc bảo tồn, trùng tu vẫn đang trong tình trạng loay hoay, thậm chí việc khảo sát, kiểm tra trực quan cũng chỉ mới được tiến hành.

Tại buổi họp báo định kỳ mới đây, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, muốn trùng tu, xây dựng nhà cổ phải xin phép các cơ quan chức năng, không được thay đổi cấu trúc.

Sở Xây dựng và Sở Văn hóa Thể thao lên kế hoạch di tu, sửa chữa hàng năm đối với tất cả các loại nhà cổ ở từng khu vực thuộc diện bảo tồn. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là không để xảy ra tình trạng nhà cũ sập đổ, ảnh hưởng đến tính mạng người dân.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố, sau khi Bộ xây dựng ban hành Thông tư số 38/2009 về hướng dẫn quản lý sử dụng nhà biệt thự (kể cả biệt thự Nhà nước và tư nhân) tại khu vực đô thị, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Viện nghiên cứu phát triển thành phố khảo sát, phân loại biệt thự hạng 1, 2, 3, trên cơ sở đó đề xuất phương án cụ thể. Trong khi chưa có đề án hoàn chỉnh, nếu người dân muốn xây dựng lại thì phải xin phép Sở Quy hoạch Kiến trúc, sau đó Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ trình Ủy ban Nhân dân thành phố từng căn một để có phương án trùng tu.

Trao đổi với phóng viên, thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa qua các quận huyện thống kê có khoảng 1.350 nhà cổ, biệt thự cổ, tập trung nhiều ở quận 1, quận 3 - nằm dọc tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Trần Quốc Thảo, Tú Xương, Trương Định…

Hiện Trung tâm đã kiểm kê được 500 căn, dự kiến hoàn tất trong tháng 2-3/2016. Trong quá trình kiểm kê đánh giá đã xuất hiện tình trạng một số căn “biến mất” do bị tháo dỡ, bị đập để xây công trình mới.

“Việc bảo tồn nhà cổ cũng không hề dễ dàng do khó khăn về kinh phí và nguồn nhân lực. Hệ thống các trường đại học của Việt Nam chưa có khoa đào tạo chuyên gia bảo tồn kiến trúc cổ một cách chuyên nghiệp. Trong quá trình kiểm kê, khảo sát, một số chủ nhà thiếu hợp tác do sợ phải bỏ kinh phí để trùng tu hoặc bị đập công trình," thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn nói.

Theo thạc sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản đề nghị Tổng Lãnh sự Pháp và Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp rà soát các công trình để bảo tồn, trùng tu hoặc thông báo các công trình, nhà ở do người Pháp xây dựng đã hết thời gian sử dụng.

Trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc chỉ là kiểm kê, đánh giá thực trạng kết cấu công trình, chỉ ra những nguyên nhân ban đầu về vấn đề xuống cấp rồi có văn bản đề xuất, kiến nghị các sở ngành liên quan (đặc biệt là Sở Xây dựng) để có phương án bảo tồn trùng tu tiếp theo.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành phố Hạ Long: Hội thảo khoa học Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày 26/12, thành phố Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học: “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
2024-12-26 19:13:12

Sản xuất công nghiệp tăng tốc về đích

Nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới.
2024-12-26 18:33:53

Herbalife Việt Nam đồng hành cùng cuộc thi "Lan toả năng lượng tích cực" lần thứ năm liên tiếp

Vào tháng 12 năm 2024 - Herbalife Việt Nam, một trong những công ty hàng đầu về sức khỏe và thể chất, tiếp tục đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức thành công Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm.
2024-12-26 15:03:20

Vietnam Airlines triển khai hạng ghế Phổ thông đặc biệt trên toàn mạng bay nội địa

Từ ngày 14/1/2025, Vietnam Airlines sẽ triển khai hạng ghế Phổ thông đặc biệt (Premium Economy) trên toàn mạng bay nội địa.
2024-12-26 09:11:52

Tranh chấp tên gọi 'Hoa hậu Biển Việt Nam'

Cuộc thi “Hoa hậu Biển Việt Nam” 2024, một trong những sự kiện nhan sắc đáng chú ý nhất cuối năm, dự kiến diễn ra tại tỉnh Bình Thuận từ ngày 27 đến 31/12. Sự kiện đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đồng ý cấp phép tổ chức. Tuy nhiên, xung quanh cuộc thi này lại nổi lên nhiều tranh cãi liên quan đến tranh chấp bản quyền sở hữu tên gọi "Hoa hậu Biển Việt Nam".
2024-12-26 00:21:35

Quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV

Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.
2024-12-25 17:10:21
Đang tải...