Giáo viên dạy trẻ tự kỷ: Dạy trẻ vỗ tay mất 2 tháng trời
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phùng Ngọc Hà trở thành cô giáo dạy nhạc tại một trường Tiểu học. Những ngày đầu đứng lớp cũng là lần đầu tiên cô Hà tiếp xúc với một cậu học sinh mắc hội chứng tự kỷ.
Cô Hà học bằng cách quan sát cậu bé ấy khi học, khi chơi, khi tham gia các hoạt động, khi ăn, khi ngủ, khi cậu bé đi qua chiếc loa của trường… Rồi sau đó cô bảo vệ thành công Thạc sĩ Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam với đề tài “Sử dụng âm nhạc trong giáo dục trẻ tự kỷ”.
Cô chuyển sang gắn bó hẳn với những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ trong vai trò chuyên viên trị liệu âm nhạc, Đơn Nguyên Kỹ thuật cao điều trị Tự kỷ và Bại não, Vimec Times City.
Những giờ học chẳng giáo án
Cô Phùng Ngọc Hà mở cửa, đón học sinh của mình là một cô bé 5 tuổi, được phát hiện mắc hội chứng tự kỷ 3 năm trước. Hai cô trò chào nhau và bắt đầu buổi học như mọi ngày.
Tinh thần của cô bé ấy không được như mọi ngày nên cô Hà phải liên tục thay đổi bài học. Cô đã quen với việc mình không thể quyết định xem hôm nay cô trò sẽ học những cái gì. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc và tinh thần và sức khoẻ của học sinh.
Đối với trẻ tự kỷ, mỗi đứa lại có những biểu hiện khác nhau, chẳng ai giống ai. Vì vậy, phương pháp giáo dục các bé cũng khác nhau. Ngoài ra, điều cô giáo cần là sự nhẫn nại, không từ bỏ và tìm tòi cách giáo dục riêng.
Tuy nhiên, cô Hà đều tâm niệm: “Tôi dạy trẻ thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt với những bản nhạc không lời mang đủ sắc thái hỉ - nộ - ái - ố, sử dụng âm nhạc với đủ chất liệu, hình thức, thể loại phong phú để giải phóng năng lượng khi trẻ bị ức chế, để trấn tĩnh khi trẻ tăng động và dạy trẻ chơi 1 số nhạc cụ đơn giản để trẻ tương tác, hòa tấu với nhau”.
Cô Hà kể, nhiều đứa trẻ đến đây, dù đã đến tuổi đi học Tiểu học nhưng khi được hỏi, con chỉ im thin thít, không chút phản xạ, thậm chí còn khóc, hét toáng lên.
Không chỉ có những biểu hiện về mặt nhận thức, hành vi, mà các con còn rất nhạy cảm. Đôi khi, chỉ cần một âm thanh lạ con đã lăn ra đất, giãy nảy hay liên tục đập đầu vào tường. Lúc đó, cô Hà phải ôm ấp, xoa lưng, vỗ về để con bớt căng thẳng hơn.
Có những khi, nhiều đứa trẻ không kiểm soát được hành vi của mình, chúng lao vào đánh cô đến chảy máu.
Nhưng tất cả đều được xoá nhoà bằng việc: “Những đôi mắt to tròn không nhìn tôi nhưng khi âm nhạc bắt đầu chúng tôi nắm tay nhau nhảy múa, những điệu nhảy kỳ cục chả ra làm sao nhưng cả cô và trò đều cảm thấy sảng khoái vì bọn trẻ được giải phóng năng lượng, được tung tăng làm điều chúng thích”.
Món quà lớn nhất chỉ là con tự biết nói ra nhu cầu của mình
Nhờ việc đồng hành với cậu con trai mắc hội chứng tự kỷ, nghệ sĩ Viola Nguyệt Thu thêm trân trọng cuộc sống và cảm nhận được giá trị những việc mình đang và sẽ làm cho những đứa trẻ giống con trai mình.
Mỗi ngày, cô Thu đều tới lớp học âm nhạc trị liệu của Sunrise for Art School để gặp gõ, trò chuyện và dạy các bạn nhỏ tự kỷ.
“Điều thích nhất khi ở cạnh các con là tình yêu thương mà chúng dành cho tôi. Với đứa trẻ tự kỷ, tình yêu thương là tự nguyện. Đó là giá trị chúng tôi nhận được trong công việc này. Tôi thấy cuộc sống của mình có giá trị và đáng sống hơn”, cô Nguỵệt Thu tâm sự.
Còn với cô Ngọc Hà; “Mục đích quan trọng nhất của Ngọc Hà khi sử dụng âm nhạc để trị liệu cho trẻ tự kỷ không phải là dạy các con biết đàn, biết hát mà thông qua âm nhạc để khắc phục các thiếu hụt và dạy cho trẻ các kĩ năng sống”.
Vì vậy, nhìn thấy con có chút tiến bộ thôi, cô Hà cũng thấy hạnh phúc, kể cả việc dạy cái vỗ tay mất 2 tháng trời.
Là người mẹ của một đứa trẻ khác biệt và là cô giáo của các bé tự kỷ, cô Nguyệt Thu gửi gắm tới mọi người: “Bất cứ đứa trẻ nào sinh ra cũng đều là món quà của cuộc sống. Dù con như thế nào thì chúng đều mang đến những giá trị tốt đẹp. Chúng ta hãy cùng nhau nuôi dưỡng và chăm sóc để chúng được là chính mình”.
Thay vì cố bắt chúng phải hòa nhập thế giới của mình, cô Hà và cô Thu học cách để bước vào thế giới riêng của trẻ.
Những giáo viên dạy trẻ tự kỷ cùng chúng học cách lắng nghe, dạy chúng cách cảm nhận về mọi thứ xung quanh.
Chặng đường trị liệu cho mỗi đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ còn rất dài. Cả cô Ngọc Hà và cô Nguyệt Thu đều tự hứa với lòng mình không ngừng cố gắng để giúp những đứa trẻ kém may mắn và gia đình yếu thế.
“Trong cuộc chiến này, chiến thắng chỉ dành cho người không bỏ cuộc và tôi tin họ là chiến binh kiên cường sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!”, Ngọc Hà thổ lộ.
Tại Việt Nam, năm 2013, các nhà chuyên môn ước tính toàn quốc có 160.000 - 200.000 trẻ em mắc hội chứng này. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, số lượng trẻ tự kỷ có thể nhiều gấp 2 - 3 lần.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.