Hà Nội 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới
Tham gia hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU chủ trì hội nghị, ông Vũ Đức Bảo Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ, ông Nguyễn Mạnh Quyền Phó chủ tịch UBND TP.
Báo cáo tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU quý I/2023, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, trong năm 2022, TP có thêm 3 huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Phú Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; nâng tổng số huyện đạt chuẩn NTM tính đến hết năm 2022 lên 15/18 huyện, thị xã.
Đối với 3 huyện chưa đạt, đến nay, huyện Ứng Hòa và huyện Ba Vì đã được Đoàn thẩm định của TP thẩm định; các sở, ngành có báo cáo đánh giá; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã lấy ý kiến sự hài lòng của Nhân dân đủ điều kiện. Sở NN&PTNT đã có Tờ trình đề nghị tổ chức họp, xét công nhận huyện Ứng Hòa và huyện Ba Vì đạt chuẩn NTM năm 2022 gửi UBND TP. Còn huyện Mỹ Đức đã cơ bản đủ điều kiện theo quy định, hiện đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ dự kiến gửi Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM trong tháng 3/2023 để tiến hành thẩm định, lấy ký kiến các sở ngành trước khi trình UBND TP theo quy định.
Về xây dựng huyện NTM nâng cao, hiện nay có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai đã có văn bản đăng ký và cam kết hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm 2023.
Với nhiệm vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong năm 2022, toàn TP có thêm 63 xã được thẩm định đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 38 xã so với kế hoạch TP giao) và đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao toàn TP đến hết năm 2022 lên 111 xã. Cũng trong năm 2022, TP có thêm 15 xã được thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM (đạt kế hoạch), đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn TP đến hết năm 2022 lên 20 xã…
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, đánh giá về kết quả Chương trình số 04 trong quý I/2023, TP đã có nhiều cố gắng, nhưng để đáp ứng yêu cầu của Bí thư Thành uỷ và Ban Thường vụ Thành uỷ thì vẫn còn những vấn đề cần lưu tâm.
Một số vấn đề được Thường trực Thành uỷ nêu cụ thể như: Tại nhiều địa phương hiện nay chưa quan tâm đầu tư cho hạ tầng sản xuất. Vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư theo quy hoạch, vấn đề môi trường, nước sạch nông thôn cũng còn rất khó khăn.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhìn chung còn chậm và vướng nhiều rào cản; đặc biệt, tích tụ ruộng đất là vấn đề còn hết sức nan giải. Vai trò của kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã, dù đã cố gắng nhưng chưa rõ nét. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn xây dựng nông thôn mới còn thấp…
Liên quan đến tổ chức sản xuất, Thường trực Thành uỷ đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung rà soát, sớm đề xuất cơ chế, chính sách để hướng tới gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững. Đặc biệt là khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sát sườn cho hơn 4 triệu nông dân trên địa bàn Thủ đô.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.