Hà Nội: Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng cháy chữa cháy
Lực lượng chức năng đang cố gắng khống chế và dập tắt một đám cháy lớn tại phố Hàng Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh CTV)
Trong những năm gần đây, người dân Hà Nội đã chứng kiến rất nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an TP. Hà Nội, từ năm 2014 đến hết 2023, Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy làm 202 người chết, 271 người bị thương. Trong đó có vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (tháng 9/2023), bốc cháy làm 56 người chết, 37 người bị thương. Vụ cháy phòng trọ tại phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy ngày 24/5/2024, làm 14 người chết, 6 người bị thương. Hai vụ đều xuất phát từ những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, nơi lực lượng phòng cháy khó tiếp cận. Đa số các vụ cháy được xác định nguyên nhân do sự cố chập điện, (chiếm khoảng 60%), sử dụng các thiết bị đun nấu không an toàn, và vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Các khu vực có nguy cơ cao nhất là các khu nhà trọ, chung cư mini và các khu dân cư đông đúc nơi mật độ xây dựng cao và hạ tầng phòng cháy chữa cháy còn nhiều hạn chế. Ngoài các vụ cháy chung cư mini, nhà trọ, nhà dân, Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra nhiều vụ cháy các quán karaoke, gây hậu quả rất nghiêm trọng về người và của.
Thực trạng trên cho thấy, hệ thống PCCC tại Hà Nội vẫn còn chưa thực sự đồng bộ và khoa học, thiếu các hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, thiếu lối thoát hiểm và lối thoát nạn an toàn, đặc biệt là thiếu các thiết bị cứu hỏa cơ bản tại chỗ. Cạnh đó công tác kiểm tra, bảo dưỡng và nâng cấp các thiết bị PCCC còn chưa được thực hiện thường xuyên và đầy đủ, dẫn đến tình trạng nhiều thiết bị không hoạt động khi cần thiết. Đặc biệt, nhiều khu nhà trọ và chung cư mini được xây dựng không phù hợp và tùy tiện, không có lối thoát hiểm an toàn, không được trang bị bình chữa cháy và hệ thống báo cháy, khiến nguy cơ cháy nổ tại đây luôn ở mức cao. Theo cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội, qua rà soát cho thấy toàn thành phố vẫn còn khoảng 3.000 cơ sở chưa bảo đảm các điều kiện về PCCC.
Công an Hà Nội tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy cho đoàn viên thanh niên - Ảnh CTV
Trước thực trạng trên, thời gian qua Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác PCCC. Hà Nội hiện đang tập trung hoàn thiện "Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030". Trước mắt thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC, như: Tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở; trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC... Đồng thời Xử lý các công trình vi phạm PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan PCCC và CNCH tại các khu dân cư, các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao…
Tuy nhiên, để bảo đảm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố, đồng thời đảm bảo cho công tác PCCC của Thủ đô Hà nội ngày càng đạt hiệu quả cao, theo chúng tôi, hiện nay cần ưu tiên đẩy mạnh ngay việc tăng cường kiểm tra giám sát các cơ hoạt động kinh doanh dưới mô hình nhà trọ, chung cư mini, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như Karaoke, tránh để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng như vừa qua, gây ảnh hưởng hoang mang trong dư luận. Đồng thời cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm, nhằm làm cho các tổ chức, cá nhân phải triệt để tuân thủ các quy định, quy tắc trong xây dựng, trong công tác PCCC, tránh để lại những hậu quả nặng nề về sau.
Cạnh đó, hiện nay nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC; còn tư tưởng lơ là, chủ quan, đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà không quan tâm đến công tác PCCC. Do đó việc nâng cao ý thức PCCC đến mọi nhà, mọi người là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Vì vậy chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông và các hình thức tuyên truyền khác, đến tận mọi đơn vị, cơ quan, mọi nhà, mọi người. Đồng thời cần tổ chức thường xuyên các buổi diễn tập phòng chống cháy nổ tại các doanh nghiệp, đơn vị và các khu dân cư, nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho tất cả mọi người trong PCCC, hạn chế tối đa các nguy cơ cháy nổ tại các doanh nghiệp, khu dân cư và các gia đình.
Một lĩnh vực không thể thiếu trong công tác PCCC, đó là cần quan tâm và đẩy mạnh đầu tư đồng bộ các trang thiết bị PCCC, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống báo cháy tự động trong việc quản lý và giám sát PCCC tại các địa điểm, các khu dân cư, nhằm phát hiện nhanh và xử lý kịp thời ngay khi các đám cháy mới phát sinh. Những biện pháp này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy nổ mà còn đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân và cộng đồng, xã hội.
Theo đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030, TP Hà Nội đang đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2; 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200 m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước. Thành phố cũng dự kiến hoàn thành 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng. Dự kiến sơ bộ khái toán kinh phí thực hiện đề án khoảng 26.300 tỷ đồng. Trong đó ngân sách thành phố khoảng 13.800 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện khoảng 12.500 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, để làm tốt công tác PCCC, không thể thiếu việc có sự đồng hành của Nhà nước cùng với nhân dân. Trong đó, Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư về nhân lực, công nghệ, phương tiện, còn người dân cần cam kết nâng cao ý thức và thực hiện đúng quy định về công tác quy hoạch, xây dựng, tuân thủ đúng các quy định về công tác PCCC. Chỉ có như vậy, công tác PCCC trên địa bàn Thành phố Hà Nội với ngày càng đạt hiệu quả cao, góp phần tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo yên bình cho cuộc sống người dân trên địa bàn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.