Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, mà còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều chính khách và bạn bè quốc tế. Với bề dày lịch sử, kiến trúc cổ kính, văn hóa đa dạng và phong cảnh hữu tình, Hà Nội đã trở thành điểm hẹn quan trọng trong các sự kiện quốc tế lớn, từ hội nghị thượng đỉnh đến các hoạt động ngoại giao cấp cao.

Trong những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đã vươn lên trở thành "điểm hẹn" hấp dẫn của các sự kiện quốc tế lớn, thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế và các chính khách từ khắp nơi trên thế giới. Những sự kiện ngoại giao mang tính lịch sử được tổ chức tại Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn giới thiệu đến thế giới về một thủ đô văn hiến, hòa bình và thân thiện.

Với những giá trị văn hóa và lịch sử độc đáo, Hà Nội không chỉ là nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo toàn cầu mà còn là "cầu nối" giữa Việt Nam và thế giới. Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trên bản đồ ngoại giao quốc tế, góp phần tạo dựng hình ảnh về một Việt Nam thân thiện, cởi mở và giàu tiềm năng phát triển.

Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 (1997)

Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội tháng 11/1997 là hội nghị thượng đỉnh quốc tế đa phương đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội tháng 11/1997 là hội nghị thượng đỉnh quốc tế đa phương đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị cấp cao lần thứ 7 của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, diễn ra từ ngày 14 đến 16/11/1997 tại Hà Nội, là minh chứng rõ ràng về vai trò quan trọng của Thủ đô như một điểm đến hấp dẫn, an toàn và tin cậy cho các sự kiện quốc tế quan trọng. Với chủ đề “Tăng cường hợp tác và tình đoàn kết Pháp ngữ vì hòa bình và phát triển kinh tế xã  hội”, hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, nhấn mạnh mối quan hệ không thể tách rời giữa hòa bình và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Hội nghị là một thành công ngoại giao của Việt Nam, là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự mở cửa Việt Nam hướng tới chủ nghĩa đa phương. Hội nghị đã góp phần hoàn thiện thể chế của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, với việc bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên và thông qua Hiến chương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Được xem là sự kiện lớn đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam sau khi thống nhất đất nước và mở cửa hội nhập, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội là cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để giới thiệu với thế giới về một Việt Nam Nam đổi mới, phát triển và hội nhập, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Việt  Nam và các nước trong cộng đồng. Sự kiện còn là cơ hội để Hà Nội khẳng định vị thế và chứng tỏ vai trò là điểm hẹn lý tưởng cho các hoạt động quốc tế.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI (1998)

Từ ngày 16 đến 17/12/1998, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề "Ðoàn kết, hợp tác vì một ASEAN hòa bình, ổn định và phát triển đồng đều". Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một Hội nghị cấp cao ASEAN, tức chỉ 3 năm sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội, Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) nhằm thực hiện Tầm nhìn 2020; Tuyên bố về các biện pháp mạnh mẽ (để cải thiện môi trường đầu tư ASEAN) và ký 4 Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể, qua đó góp phần tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục hình ảnh ASEAN và định hướng phát triển. Hội nghị quyết định kết nạp Campuchia làm thành viên thứ 10 của ASEAN và lễ kết nạp được tiến hành tại Hà Nội.

Tháng 12/1998, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một hội nghị của ASEAN kể từ khi gia nhập. (Ảnh: TTXVN)

Tháng 12/1998, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một hội nghị của ASEAN kể từ khi gia nhập. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị cấp cao ASEM 5 (2004)

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc diễn văn khai mạc Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5), sáng 8/10/2004, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc diễn văn khai mạc Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5), sáng 8/10/2004, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM-5) được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8 đến 9/10/2004 với chủ đề "Tiến tới quan hệ đối tác Á-Âu sống động và thực chất hơn". Tham dự hội nghị có các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của 13 nước châu Á và 25 nước châu Âu.

Điều đặc biệt nhất của ASEM lần này là việc kết nạp thêm 13 thành viên mới, bao gồm 3 nước còn lại của ASEAN là Campuchia, Lào, Myanmar và 10 nước thành viên mới của Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, hội nghị cấp cao Hà Nội là lần mở rộng đầu tiên của ASEM.

Đây là một sự kiện chính trị quốc tế quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới cả về chất và lượng của tiến trình ASEM, nâng cao vai trò và vị thế của ASEM trên trường quốc tế, cũng như góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong hợp tác quốc tế.

Hội nghị cấp cao APEC 2006

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam tại Hội nghị APEC 2006 ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: apec.org)

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2006 là một trong những sự kiện ngoại giao lớn nhất từng được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận vai trò nước chủ nhà APEC, đánh dấu bước đột phá về ngoại giao và kinh tế của Việt Nam.

Sự kiện này đã quy tụ nguyên thủ và đại diện cấp cao từ các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun... Hà Nội đã thành công trong việc tổ chức và đón tiếp các đoàn đại biểu quốc tế, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên toàn thế giới.

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) năm 2015

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc IPU-132. (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc IPU-132. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 đã được tổ chức tại Hà Nội từ 28/3 đến 1/4/2015. Sự kiện quy tụ các nghị sĩ đến từ 133 nước và 23 tổ chức nghị viện quốc tế và khu vực. Sau 5 ngày làm việc tích cực, trách nhiệm và hiệu quả với trên 30 phiên họp, trong đó có gần 20 phiên họp toàn thể, Đại hội đồng IPU-132 và các hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp. Việc Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác quốc tế về nghị viện và lập pháp.

Toàn cảnh lễ khai mạc IPU-132. (Ảnh: quochoi.vn)

Toàn cảnh lễ khai mạc IPU-132. (Ảnh: quochoi.vn)

Trên cương vị nước chủ nhà IPU-132, Việt Nam đã có những đề xuất, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào thành công chung của Đại hội đồng lần này. Việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí bầu làm Chủ tịch IPU-132 thể hiện sự tín nhiệm và uy tín của Việt Nam nói chung, của Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Tại sự kiện này, Hà Nội đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng các đại biểu quốc tế với sự tổ chức chu đáo, góp phần vào thành công rực rỡ với nhiều kết quả tích cực của hội nghị, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về đất nước, con người và Quốc hội Việt Nam.

Hội nghị WEF ASEAN 2018

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Trưởng đoàn ASEAN và đại biểu dự Hội nghị WEF ASEAN 2018 tham quan Góc quảng bá các nước ASEAN. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018 đã đưa Hà Nội trở thành tâm điểm của khu vực, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ khắp Đông Nam Á và trên thế giới. Hội nghị là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh về một quốc gia năng động, sẵn sàng hội nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực ASEAN trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS, 2018)

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith phát biểu tại Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh tiểu vùng Mekong mở rộng. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith phát biểu tại Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh tiểu vùng Mekong mở rộng. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu dự Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn GMS6. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu dự Phiên toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn GMS6. (Ảnh: TTXVN)

Từ ngày 29-31/3/2018, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6) được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của lãnh đạo các nước thuộc lưu vực sông Mekong và các đối tác quốc tế.

Hội nghị thảo luận về hợp tác phát triển hạ tầng, kinh tế và môi trường bền vững cho khu vực. Việc tổ chức thành công hội nghị này đã chứng minh Hà Nội là một trung tâm quan trọng cho hợp tác phát triển khu vực.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 2019

Một trong những sự kiện ngoại giao mang tính lịch sử nhất được tổ chức tại Hà Nội là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2, diễn ra vào tháng 2/2019. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp ở Hà Nội, ngày 27/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp ở Hà Nội, ngày 27/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hà Nội, với vai trò là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2, không chỉ bảo đảm an ninh tuyệt đối mà còn thể hiện khả năng ngoại giao khéo léo khi làm "cầu nối" cho cuộc đối thoại quan trọng này, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị, tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un dùng bữa tối thân mật trong cuộc gặp đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 ở Hà Nội, ngày 27/2/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un dùng bữa tối thân mật trong cuộc gặp đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 ở Hà Nội, ngày 27/2/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 năm 2020

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, ngày 12/11/2020. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, ngày 12/11/2020. (Ảnh: TTXVN)

Chương trình nghệ thuật tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan. (Ảnh: TTXVN)

Chương trình nghệ thuật tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan. (Ảnh: TTXVN)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam khép lại với thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN-37) và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 12 đến 15/11/2020.

Đây là những hoạt động quan trọng nhất đánh dấu những nỗ lực và đóng góp tích cực của Việt Nam cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới trong năm 2020, một năm đặc biệt khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.

Mặc dù phần lớn hội nghị diễn ra trực tuyến, nhưng việc Hà Nội tổ chức thành công hội nghị trong bối cảnh đại dịch đã chứng tỏ khả năng tổ chức một sự kiện quan trọng trong thời kỳ khó khăn.

Việc điều phối thành công các hoạt động trong ASEAN và đạt được dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Trong đó, lãnh đạo các nước ASEAN đặc biệt đánh giá cao Việt Nam trong những thời điểm khó khăn nhất đã điều phối, dẫn dắt ASEAN giữ vững đà hợp tác, xây dựng, chủ động hành động để gắn kết Cộng đồng ASEAN, đồng thời đẩy mạnh hợp tác ứng phó và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Đối thoại chính sách cao cấp ASEM là sáng kiến của Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996-2021) và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của ASEM trong năm 2021. (Ảnh: VOV)

Đối thoại chính sách cao cấp ASEM là sáng kiến của Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996-2021) và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của ASEM trong năm 2021. (Ảnh: VOV)

Đối thoại chính sách cao cấp ASEM 2021

Ngày 22/6/2021, Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội với chủ đề “25 năm thành lập ASEM - Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á-Âu trong một thế giới đang thay đổi”.

Đối thoại chính sách cao cấp ASEM là diễn đàn đa phương đầu tiên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến được tổ chức sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là sáng kiến của Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thành lập ASEM (1996-2021) và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Diễn đàn ASEM trong năm 2021.

Đối thoại một lần nữa khẳng định vai trò và những đóng góp của Việt Nam tại Diễn đàn ASEM, cùng với các nước thành viên xây dựng quan hệ đối tác Á-Âu ngày càng năng động và phát triển mạnh mẽ vì hòa bình và ổn định toàn cầu, vì thịnh vượng của hai châu lục.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 (2023)

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 có sự tham dự của hơn 500 nghị sĩ trẻ và đại biểu đến từ các Nghị viện thành viên IPU và đại diện của các tổ chức quốc tế. (Ảnh: DUY LINH)

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 có sự tham dự của hơn 500 nghị sĩ trẻ và đại biểu đến từ các Nghị viện thành viên IPU và đại diện của các tổ chức quốc tế. (Ảnh: DUY LINH)

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14-17/9/2023 với nhiều hoạt động quan trọng. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và sự ủng hộ của các nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo”.

Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu, nghị sĩ trẻ đến từ hơn 70 Nghị viện thành viên IPU và đại diện của các tổ chức quốc tế; các thanh niên trẻ tiêu biểu của Việt Nam và đại diện của các tổ chức quốc tế. Đây là một trong những sự kiện quốc tế quan trọng, nêu bật vai trò của Hà Nội không chỉ là thủ đô chính trị mà còn là điểm đến quan trọng của các chính khách và nhà lãnh đạo trẻ trên thế giới.

Các nghị sĩ trẻ đã có cơ hội trao đổi, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng công nghệ số trong quản lý xã hội và nâng cao năng lực của thế hệ trẻ trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng.

Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden và Đại biểu Quốc hội Việt Nam Hà Ánh Phượng trình bày dự thảo Tuyên bố của Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU Dan Carden và Đại biểu Quốc hội Việt Nam Hà Ánh Phượng trình bày dự thảo Tuyên bố của Hội nghị. (Ảnh: DUY LINH)

Đặc biệt, hội nghị đã thông qua Tuyên bố về vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây là tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu qua 9 kỳ tổ chức hội nghị, thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ IPU trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Sự kiện này không chỉ là dịp để các nhà lãnh đạo trẻ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi từ nhau mà còn góp phần củng cố hình ảnh của Hà Nội như một điểm đến tin cậy, thân thiện và an toàn cho các sự kiện quốc tế. Thành công của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam và Hà Nội trên trường quốc tế, đồng thời cho thấy cam kết của quốc gia trong việc ủng hộ và thúc đẩy vai trò của giới trẻ trong các vấn đề toàn cầu.

Những hội nghị quốc tế quan trọng được tổ chức tại Hà Nội đã góp phần khẳng định vai trò và vị thế của Thủ đô như một điểm đến lý tưởng cho các hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế.

Với sự hiếu khách và tổ chức chuyên nghiệp, cùng sự an toàn, ổn định, cơ sở hạ tầng hiện đại và môi trường ngoại giao thân thiện, Hà Nội tiếp tục là một "điểm hẹn" tin cậy của các chính khách và bạn bè quốc tế, góp phần giúp thành phố trở thành một trung tâm ngoại giao khu vực và toàn cầu, qua đó không chỉ thúc đẩy quan hệ quốc tế mà còn thể hiện hình ảnh một Việt Nam tích cực, đang phát triển mạnh mẽ trên trường quốc tế.