Hà Nội: Không đeo khẩu trang sẽ không được vào chợ, bến xe, bệnh viện
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại phiên họp chiều nay (11.11)
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hà Nội chiều 11.11, sau khi nghe huyện Gia Lâm báo cáo về tình hình thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý hỏi huyện Gia Lâm đã thành lập mấy đoàn kiểm tra, kiểm tra ở bao nhiêu chợ, tỷ lệ người đeo khẩu trang là bao nhiêu?
Trả lời câu hỏi này, đại diện huyện Gia Lâm báo cáo, ở các chợ, chỉ có khoảng 10% người dân đeo khẩu trang.
Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý: “Phải bố trí người đứng ở ngay cổng chợ, ai không đeo khẩu trang thì nhất định không cho vào”.
Phát biểu tại phiên họp, TS Trần Đắc Phu đánh giá cao việc Hà Nội vẫn quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhất là việc đeo khẩu trang. Qua mấy đợt dịch, các biện pháp mà Việt Nam, Hà Nội đã thực hiện đúng đắn các biện pháp phòng chống dịch.
Ông Phu lưu ý, bối cảnh hiện nay giống như sau đợt dịch số 1 khi mùa đông đang đến, đang nới lỏng các giải pháp... khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Đặc biệt là khi câu hỏi “Trong cộng đồng hiện này còn mầm bệnh hay không?” chưa thể trả lời được.
Tiếp đó, ông Phu cũng đề xuất các bệnh viện ở TP cần thỉnh thoảng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở các khoa có bệnh nhân nặng để chủ động đề phòng ngừa…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhắc nhở, việc đeo khẩu trang cơ bản có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của TP là 100% người dân thực hiện. Trước nguy cơ dịch bệnh khi mùa đông đến, biểu hiện chủ quan lơ là rất dễ dẫn đến việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, phá vỡ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
Khẳng định công tác phòng dịch tiếp tục là quan trọng cần thực hiện thường xuyên, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền nhất là việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Quản lý chặt chẽ các khu cách ly, các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Ông Quý cũng yêu cầu các đơn vị và các quận huyện tiếp tục quyết liệt kiểm tra chuyên đề đeo khẩu trang trong tuần tới…
“5 nơi là: bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ phải bố trí người kiểm soát chặt chẽ. Ai không có khẩu trang không cho vào, bố trí điểm bán khẩu trang ngay ở cửa”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Liên quan đến phản ánh của các quận huyện về việc chênh lệch giá xét nghiệm giữa các cơ sở công lập (734 nghìn đồng) và tư nhân (1,2 triệu đồng), Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, hiện, giá xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội là 734.000 đồng/mẫu theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Việt cho biết, đây chỉ là mức tạm thu, trong đó, chưa tính các chi phí về vận chuyển, mẫu vật tư tiêu hao… CDC cũng đã làm việc và sẵn sàng phối hợp với các trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; khách sạn làm khu cách ly tập trung và các khu cách ly của quân đội trong công tác lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý giao CDC Hà Nội thực hiện xét nghiệm ở tất cả các khu cách ly (cả ở các khách sạn) với mức giá 734 nghìn đồng; người dân nào có nhu cầu xét nghiệm ở các cơ sở tư nhân bên ngoài thì phải chấp nhận với mức giá 1,2 triệu đồng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến chiều 11/11 ghi nhận 26 ca dương tính nCoV, là người nhập cảnh cách ly ngay tại TP HCM và Đà Nẵng. Tổng ca nhiễm lên 1.252. Thế giới ghi nhận hơn 1,2 triệu người chết vì nCoV trong hơn 50 triệu người nhiễm. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch. Tiếp theo là Ấn Độ và Brazil. Tại Việt Nam hơn hai tháng không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hà Nội đã 84 ngày, TP HCM hơn 100 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ở cộng đồng. Thời gian qua, số ca mắc mới đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện tốt "Thông điệp 5K", nhất là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.