Lời kêu cứu của xe điện bốn bánh
Theo đó, cảnh báo nguy cơ 15.000 phương tiện có thể phải ngừng hoạt động từ năm 2025.
Cụ thể: Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chỉ ra khoản 2, điều 24, nghị định số 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và điều 77, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định "từ ngày 15-2-2025: đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30km/h áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông…".
Khoảng 15.000 xe điện bốn bánh đối mặt với nguy cơ "đắp chiếu"
Hiệp hội cho rằng đây là quy định rất bất cập, không phù hợp với thực tế, đi ngược lại với chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có giải pháp tăng cường đầu tư phương tiện sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường. Bởi vì các lý do sau:
Khoản 5, điều 56 và điều 66, Luật Đường bộ và điểm d, khoản 1, điều 34, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã quy định cụ thể cho "xe bốn bánh có gắn động cơ" và giao cho UBND cấp tỉnh, thành phố quy định chi tiết về hoạt động cho loại phương tiện này.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Việt Nam chưa có bất kỳ tuyến đường nào cắm biển báo tốc độ khai thác tối đa 30km/h, áp dụng cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông. Điều này đồng nghĩa với việc các xe điện du lịch bốn bánh sẽ gần như bị cấm hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch và vận tải.
Thống kê cho thấy, cả nước hiện có khoảng 12.000 - 15.000 xe điện bốn bánh đang hoạt động tại các thành phố và khu du lịch, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm môi trường và đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách tại các khu vực hạn chế xe lớn.
Không chỉ ảnh hưởng đến người lao động và doanh nghiệp, quy định này còn gây tổn thất kinh tế lớn cho xã hội. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, khoảng 15.000 xe điện bốn bánh sẽ trở thành tài sản “chết”, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Ước tính, với mức đầu tư trung bình khoảng 350 triệu đồng/xe, tổng số vốn đầu tư có nguy cơ bị lãng phí lên đến 5.250 tỷ đồng.
Do đó, kiến nghị sớm quan tâm, xem xét giải quyết vấn đề trên là hoàn toàn cấp thiết trong thời điểm này. Việc sớm có phương án tháo gỡ vấn đề không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp mà còn tránh tổn thất cho kinh tế xã hội.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.