Hà Nội và những hình ảnh đối lập
Là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội thường xuyên thu hút lượng lớn lao động từ khắp các tỉnh về đây làm ăn, sinh sống. Mức thu nhập ít ỏi, với những người lao động nghèo, tiền ăn còn chưa đủ chứ đừng nói tới chuyện có một nơi ở khang trang giữa thành phố đắt đỏ. Cũng bởi vậy mà nhiều khu “nhà ổ chuột”, nhà tạm mọc lên giữa lòng thành phố.
Khu “ổ chuột” ở chân cầu Long Biên là nơi cư trú của những lao động nghèo đến từ nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Công việc chủ yếu của họ là buôn sắt vụn, bốc vác hay bán hoa quả dạo…
Mỗi ngày, hơn một trăm hộ dân khu vực này phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc từ dòng kênh nước đen kịt, rác thải vứt đầy hai bên bờ.
Với thu nhập chỉ khoảng 20.000 - 40.000 đồng/ngày, đã gần 10 năm nay, đôi vợ chồng đến từ Hưng Yên phải trả tới 600.000 đồng/tháng cho căn nhà chưa đầy 5m2 .
May mắn hơn khi không phải sống trong nhà ổ chuột, tuy nhiên cư dân sống ở những căn chung cư có tuổi thọ hàng chục năm ở Hà Nội lại đau đáu nỗi lo khác mang tên “nhà xuống cấp”.
Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp ở phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm được xây dựng từ năm 1975. Trải qua 40 năm phơi gió phơi sương, đến nay khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.
Dọc theo bờ tường, dây điện mắc chằng chịt. Chân tường nhiều chỗ rạn nứt.
Trên tầng hai của khu nhà, những tấm tôn được dùng để cơi nới diện tích.
Trong khi đó, cũng có một Hà Nội rất khác với những khu căn hộ, biệt thự cao cấp, sang trọng, hiện đại bậc nhất.
Tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, Cầu Giấy) là một trong những chung cư tiện nghi, hiện đại nhất ở Việt Nam.
Mỗi m2 ở tòa nhà Keangnam hay một số khu đô thị xung quanh có giá hàng chục triệu đồng.
Nằm ở vị trí trung tâm, phố cổ Hà Nội được biết đến là khu kinh doanh, buôn bán sầm uất bậc nhất của thủ đô. Tuy nhiên, ngay cả trong khu phố sầm uất ấy cũng tồn tại những điều khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Đối lập với vẻ hào nhoáng, sang trọng bên ngoài…
... là sự nhếch nhác, xuống cấp của những căn nhà nằm sâu trong ngõ - nơi mà nhiều hộ gia đình có thể chung nhau một nhà vệ sinh.
Và điều tạo nên đặc trưng ở phố cổ - kiến trúc Pháp với cửa gỗ màu xanh lá, tường vôi màu vàng nay chỉ còn lại ở tầng trên của những ngôi nhà.
Vẻ trầm mặc, cổ kính của những căn gác đối lập với những cửa hiệu thời trang trên phố Hàng Ngang.
Sẽ chẳng ai nghĩ rằng trên “con đường đắt nhất hành tinh” lại xuất hiện những hình ảnh nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, thực tế này lại xảy ra ở không ít các tuyến đường trong thành phố.
Đây bức tường có chiều dài 10,85m và chiều rộng 0,14m được rao bán với giá 1 tỷ đồng trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy).
Dù con đường đã được hoàn thiện hơn nửa năm nhưng một số hộ dân vẫn phải dùng thang để vào nhà vì mặt đường thấp hơn nền nhà hơn1m.
Gần đó là một quán phở siêu mỏng có bề sâu tầng một chưa đầy 2m, tầng hai được cơi nới thêm khoảng 1m.
Vẫn biết rằng sự đan xen giữa cái cũ và cái mới là điều tất yếu trong quá trình chuyển đổi, nhưng phải chăng, chính việc quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn dài hạn, còn manh mún… ở Việt Nam mới là nguyên nhân dẫn đến những tình trạng này?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.