Hai anh em khiếm thị kết nối việc làm cho người khuyết tật
Vòng Quang Kỳ và Vòng Minh Nhi (ngụ phường An Bình, TP.Biên Hoà) bị khiếm thị bẩm sinh. 2 anh em đã thực hiện dự án Người khiếm thị và việc làm, kết nối giữa nhà tuyển dụng và người khuyết tật có nhu cầu tìm việc.
Quang Kỳ chia sẻ: “Với dự án này, anh em mình đóng vai trò là cầu nối liên kết giữa những NKT với cộng đồng, trong đó có các chủ sử dụng lao động. Không ít NKT mong muốn có việc làm và muốn được lao động để tự chủ cuộc sống. Ở chiều ngược lại, nhiều người cũng muốn tạo cơ hội việc làm cho NKT”.
Để thực hiện dự án, anh em Kỳ và Nhi đã liên hệ với NKT để tìm hiểu thông tin về tuổi, địa chỉ, tình trạng sức khỏe và tỷ lệ thương tật, khả năng lao động, trình độ học vấn, nguyện vọng việc làm… từ đó tổng hợp lại để viết phần giới thiệu cho từng người. Sau khi việc này hoàn thành, thông tin sẽ được cập nhật lên fanpage của dự án, giúp những đơn vị muốn tuyển dụng lao động vào tìm hiểu, liên hệ với NKT.
Quang Kỳ hiện đang là gia sư dạy đàn (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Dù gặp nhiều trở ngại, song 2 anh em người khiếm thị này đang cần mẫn dành thời gian, công sức để thực hiện vai trò cầu nối. Đồng hành cùng 2 anh em còn có sự hỗ trợ, ủng hộ từ gia đình.
Được biết, Quang Kỳ đã tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM chuyên ngành Sư phạm âm nhạc. Sau khi ra trường, anh có làm gia sư dạy đàn, nhận phối khí, biểu diễn ở các tiệc cưới.
Còn Minh Nhi, hiện cô đang học năm thứ 4 ngành Truyền thông Trường đại học RMIT Việt Nam theo hình thức học bổng. Bên cạnh đó, Minh Nhi còn là vận động viên cờ vua liên tục góp mặt trong các giải thi đấu cấp quốc gia dành cho NKT. Từ năm 2019 đến nay, chị đã có 5 huy chương đồng, 1 huy chương bạc ở các giải thể thao toàn quốc dành cho NKT.
Có thể thấy, nhờ suy nghĩ tích cực mà hai anh em Quang Kỳ và Minh Nhi đã đạt được nhiều kết quả tốt. Trong thành quả đó đóng góp lớn của gia đình. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, mẹ của 2 anh em khiếm thị này cho biết, anh em Quang Kỳ và Minh Nhi cách nhau 4 tuổi. Con bị khiếm thị bẩm sinh là điều rất buồn nhưng không vì thế mà bà bỏ mặc việc học của các con. Ngược lại, bà rất chăm chút và dành sự quan tâm nhiều hơn đối với 2 người con kém may mắn. Nhờ vậy, con bà được hòa nhập với cộng đồng từ sớm nên sớm bộc lộ năng khiếu về âm nhạc, tự tin giao tiếp.
“Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm những cộng sự, nguồn hỗ trợ để tiếp tục nâng cấp dự án hỗ trợ tìm việc cho NKT. Bản thân mỗi NKT hãy tự tin để cùng hòa nhập, chủ động tìm kiếm việc làm cho mình. Đồng thời, cộng đồng hãy dành cơ hội việc làm nhiều hơn cho NKT”, Kỳ chia sẻ về dự án.
Số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, tại Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 2 triệu người mù và thị lực kém, chiếm khoảng gần 2% dân số.
Theo Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, người khiếm thị là đối tượng yếu thế trong xã hội, công việc chủ yếu là nghề massage, giáo viên, tin học văn phòng, làm hương, tăm, kết hạt cườm, đan giỏ xách nhựa, làm hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, đàn organ, buôn bán tại nhà… Trong đó, nghề massage được đánh giá là nghề phù hợp với sức khỏe, trình độ, giúp họ tự nuôi sống bản thân, vượt qua mặc cảm tự ti, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo và làm lành mạnh nghề massage trong xã hội. Tuy nhiên, nghề massage dù đem lại thu nhập ổn định nhưng cũng chỉ đáp ứng được như cầu tối thiểu trong cuộc sống, thậm chí vẫn còn thiếu thốn. Người khiếm thị cần có thêm cơ hội tiếp cận với kiến thức trong thời đại công nghệ số, để phát huy được tư duy, khả năng sáng tạo của mình.
Trong cuộc khảo sát nhu cầu học nghề gần đây cho thấy, tỷ lệ người khiếm thị muốn học nghề kinh doanh online rất cao. Ngay sau đó, một khóa đào tạo kỹ năng bán hàng online cho người khiếm thị trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID - 19 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ đã diễn ra nhằm đào tạo những kiến thức, kỹ năng cần thiết để người khiếm thị có thể có thêm một nghề mới, nâng cao sự tự tin hòa nhập cộng đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.