Hai năm sau sự cố môi trường biển miền Trung: Đời sống, sản xuất đã tốt hơn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mua cá của ngư dân Quảng Trị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm hỏi đời sống, tình hình sản xuất kinh doanh của bà con ngư dân tại cảng cá Cửa Việt cũng như các hộ kinh doanh tại bãi tắm Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Bày tỏ vui mừng khi đời sống, tình hình đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm của bà con ngư dân tốt hơn kể từ khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, Thủ tướng đã mua hơn chục cân cá và cho biết sẽ cùng cả đoàn công tác dùng vào bữa tối nay.
Trước đó, Thủ tướng đã đến thị trấn biển Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế để thăm hỏi đời sống bà con và làm việc với lãnh đạo địa phương về tình hình khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển xảy ra tháng 4/2016.
Thủ tướng tại cảng cá Cửa Việt - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Được biết, các hộ dân tại thị trấn chủ yếu sinh sống bằng các ngành nghề nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, gần bờ, sản xuất giống, thương mại dịch vụ. Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng đến toàn bộ 12 tổ dân phố của thị trấn với 6.511 người. Đến nay, thị trấn đã hoàn thành công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ số tiền hơn 156 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 100% so với kế hoạch phê duyệt.
Ý kiến phát biểu của lãnh đạo tỉnh, thị trấn cũng như ý kiến của bà con cho thấy, sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục, nhìn chung công tác hỗ trợ, bồi thường thiệt hại tại tỉnh, thị trấn Thuận An đã hoàn thành. Hoạt động khai thác hải sản trên biển, đặc biệt vùng xa bờ của tỉnh đã ổn định và đang tăng dần về sản lượng. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng đã có sự khôi phục đáng kể. Tình hình tiêu thụ thủy, hải sản đã dần ổn định. Người dân đã buôn bán bình thường như trước khi xảy ra sự cố.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Từ nguồn được hỗ trợ, bồi thường, người dân đã mua sắm ngư lưới cụ, hệ thống thông tin liên lạc… để phục vụ đánh bắt xa bờ; mua giống, thức ăn để nuôi trồng thủy sản... tái sản xuất.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản, kinh doanh dịch vụ du lịch đã được khôi phục, ổn định và có bước phát triển tích cực; khách du lịch tăng trở lại. Các khu du lịch ven biển trở lại hoạt động bình thường.
Năm qua, lượng khách đến tắm biển và ăn hải sản ở bãi tắm Thuận An tăng 90%.
Thủ tướng thăm hỏi và tặng quà cho bà con ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển ở Thuận An - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bày tỏ vui mừng khi tiền đền bù đã đến tận tay người dân, Thủ tướng biểu dương tỉnh Thừa Thiên-Huế, huyện Phú Vang, thị trấn Thuận An đã làm tốt chủ trương của Chính phủ về công tác bồi thường, hỗ trợ người dân. Địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác này với tinh thần công khai, dân chủ, chính xác và giám sát tốt. Số tiền hỗ trợ đã đến các hộ bị thiệt hại, góp phần giải quyết đời sống trước mắt cũng như giúp bà con mua công cụ phát triển sản xuất.
“Theo ý kiến bà con phản ánh thì đời sống đã tốt hơn”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã dành một khoản kinh phí giải quyết kiến nghị của bà con ngư dân về xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất. Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phá Tam Giang vừa phát triển du lịch vừa phát triển thủy sản, đồng thời nhấn mạnh, cần tăng cường quản lý, không để tái diễn sự cố tương tự.
Thủ tướng tặng quà cho bà con ngư dân Thuận An - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cũng trong chiều nay, Thủ tướng đã thăm, tặng quà cho hai gia đình ngư dân Trần Dành và Nguyễn Văn Hòa, thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là những hộ dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển năm 2016.
Dự kiến, ngày mai, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo về giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.