Hải Phòng: 12 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia
Tại buổi Lễ, ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 12 hiện vật của Hải Phòng là bảo vật quốc gia. Trong đó, bao gồm: Long đao có niên đại thế kỷ XVII-XVIII, trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy); Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung, Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có niên đại thế kỷ XVI, trưng bày tại chùa Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy); sưu tập gốm men trắng An Biên có niên đại thế kỷ XI – XII, trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng (số 66 Điện Biên Phủ, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng).
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam khẳng định những hiện vật được lưu truyền có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử - văn hóa, là những hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, liên quan đến những sự kiện trọng đại của đất nước, của danh nhân, đó cũng là những sản phẩm tinh hoa minh chứng cho tài năng, trí tuệ và phẩm chất của con người Việt Nam.
Một số hình ảnh tại buổi lễ.
Nhân dịp này, UBND thành phố tặng Bằng khen cho 02 tập thể và 03 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật quốc gia. Hội Di sản văn hóa Việt Nam tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương ghi nhận và đánh giá cao công tác phát huy giá trị các di sản văn hóa của thành phố Hải Phòng. Thứ trưởng khẳng định 12 bảo vật được công nhận ngày hôm nay đều là những di sản vô giá của Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai bảo vệ các bảo vật quốc gia, ưu tiên đầu tư cải tạo kho tàng bảo quản nơi lưu giữ bảo vật, xây dựng chương trình để quảng bá phát huy giá trị bảo vật quốc gia tới cộng đồng trong và ngoài nước. Thứ trưởng cũng hy vọng Hải Phòng sẽ có nhiều bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia hơn nữa để xứng tầm với vị thế của thành phố.
Hải Phòng không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, trọng điểm của đất nước mà còn là trung tâm tiếp nhận và giao thoa văn hóa thế giới, nơi hội tụ và kết tinh giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại. Đồng thời là vùng đất có hệ thống di tích đậm đặc, với 937 di tích (531 di tích đã được xếp hạng; có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 118 di tích quốc gia và 413 di tích thành phố; 474 lễ hội và 09 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Bên cạnh đó, Hải Phòng còn là vùng đất có bề dày về văn hóa lịch sử với các di chỉ khảo cổ học có giá trị mang tầm quốc gia đã được các nhà khoa học công bố như: Khu di tích quốc gia Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Khu di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà; Khu di tích bãi cọc Cao Quỳ; Di chỉ cổ Cái Bèo, di chỉ khảo cổ học Việt Khê, di chỉ cổ học Tràng Kênh; hệ thống các di tích liên quan đến các trận chiến thắng hào hùng, trí tuệ của cha ông ta trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Hải Phòng còn là nơi phát tích Vương triều Mạc, nơi xuất thân của các vị Trạng nguyên, các vị tiến sỹ khoa cử thời kỳ phong kiến, những con người tài năng, đức độ đã lưu dấu cả một giai đoạn của lịch sử dân tộc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.