Hải Phòng vẫn gánh trọng trách và đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn
Hải Phòng là thành phố được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt, với 09 lần Bác về thăm. Ngay từ lần đầu tiên vào tháng 10/1946, Người đã căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố phải không ngừng phấn đấu để xây dựng Hải Phòng trở thành “Thành phố gương mẫu trong cả nước”. Những lời dạy chí tình cùng với những tình cảm sâu sắc, sự quan tâm thường xuyên Người dành cho Hải Phòng mãi thấm sâu vào tư duy, trở thành di sản tinh thần, là hành trang quý giá và đã được hiện thực hóa thành hành động cách mạng của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và nhân dân.
Nhân dân Hải Phòng tưng bừng đón Bác về thăm |
Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng, là tâm nguyện, tình cảm, lý trí, niềm tin, là trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng; là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền; là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Di chúc của Bác đã trở thành lời của lương tri, lời của non nước.
Thực hiện Di chúc của Người, suốt 50 năm qua, Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu to lớn, cùng cả nước đóng góp lớn lao vào công cuộc giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, xây dựng đất nước theo định hướng XHCN; góp phần xứng đáng hình thành, phát triển và thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Hiện nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hải Phòng luôn phấn đấu đi đầu và có đóng góp quan trọng, đang có sức bật mạnh mẽ cùng cả nước vững bước đi lên, khẳng định vai trò, vị thế của mình. Mạch nguồn, động lực tinh thần từ bên trong cho những thành tựu đáng tự hào ấy chính là kết quả của cả một quá trình Đảng bộ, quân và dân thành phố bền bỉ, kiên trì học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Kiến An |
Trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa ác liệt, kéo dài của đế quốc Mỹ đã để lại hậu quả nặng nề trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật bị tàn phá. Nền nếp quản lý kinh tế, quản lý xã hội bị đảo lộn. Nhiều gia đình và cá nhân phải chịu nhiều mất mát, hy sinh to lớn... Những hậu quả đó còn tác động lâu dài đến sản xuất, đời sống, xã hội và mỗi gia đình. Mặt khác, sau chiến tranh, không còn viện trợ của nước ngoài, các lĩnh vực đều bộc lộ những khó khăn: vật tư cho sản xuất thiếu nghiêm trọng; lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khan hiếm, đời sống nhân dân sa sút; cơ chế quản lý kinh tế - xã hội ngày càng bộc lộ khuyết điểm và gây tác động xấu trên nhiều mặt. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ và Nhân dân Hải Phòng quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền thành phố phải sớm có những chủ trương, giải pháp phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới của thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện chính sách hậu phương quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy cơ khí duyên hải |
Kết thúc chiến tranh, thành phố năng động, sáng tạo, đề xuất cơ chế mới để hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Nhiều vấn đề giai đoạn này, Hải Phòng đề xuất được Trung ương và các địa phương nhân rộng, đơn cử như: “Khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động”. Thành phố đặc biệt quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội, chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ, các gia đình và trẻ em bị tai nạn trong chiến tranh dành sự chăm sóc ân tình, trách nhiệm góp phần xoa dịu, bù đắp những mất mát, hy sinh của thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thành phố ban hành nhiều chủ trương, chương trình chăm lo toàn diện cho gia đình chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ, Hải Phòng cũng triển khai chương trình ý nghĩa thiết thực như hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà…
Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, nhất là hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, với sự nhạy bén, chủ động, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền thành phố, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu khá toàn diện và rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng khá với tốc độ bình quân 9,7%/năm và liên tục đạt mức hai con số hàng thập kỷ; quy mô kinh tế được mở rộng, tăng gấp 13,2 lần năm 1985; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng dịch vụ-công nghiệp-xây dựng chiếm hơn 90% GDP… Đến thời điểm hiện nay, Hải Phòng đứng thứ 3 cả nước về tổng thu ngân sách và đứng thứ 8 về thu ngân sách nội địa.
Hiện thực hóa lời dạy của Bác, Hải Phòng quyết tâm xây dựng thành phố Cảng ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Theo đó, thành phố đã triển khai nhiều đề án quy hoạch làm cơ sở để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội thành phố tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng Hải Phòng giữ vững vị trí cửa ngõ suốt hơn một thế kỷ |
Hải Phòng hôm nay đã chứng tỏ rõ năng lực của một thành phố hiện đại với 39/51 tiêu chí đô thị loại I cấp quốc gia. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng đã và đang có những đóng góp tích cực, quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước, thể hiện rõ vai trò là trung tâm phát triển thuỷ sản vùng duyên hải Bắc bộ; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, đóng vai trò là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, sản lượng hàng hóa qua cảng có sự tăng trưởng vượt bậc, từ 2,5 triệu tấn năm 1985 lên 53 triệu tấn năm 2013, gấp hơn 21 lần, tăng bình quân 11,5%/năm và là mắt xích quan trọng trong “Chiến lược hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh đều đạt được thành tựu nổi bật; Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực; Nguồn lực của thành phố được tăng cường, thu hút vốn đầu tư có bước tiến mạnh cả về số vốn và chất lượng dự án; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng vượt bậc, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc; Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng; Quốc phòng an ninh được củng cố, giữ vững chủ quyền quốc gia biển- đảo, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa phương trong và ngoài nước được mở rộng, phát triển.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.