Hãng điện thoại siêu sang Vertu vỡ nợ, đóng cửa nhà máy
Theo thông tin từ The Verge, Vertu đã thất bại trong việc đàm phán với các chủ nợ nhằm giải cứu công ty khỏi bị phá sản sau khi đề nghị trả 1,9 triệu bảng Anh (2,4 triệu USD) cho số nợ lên đến 128 triệu bảng. Các nhà máy của Vertu tại Anh sẽ phải dừng hoạt động khiến cho 200 nhân viên mất việc làm.
Vertu vỡ nợ, đóng của nhà máy
Các tài liệu cho thấy Vertu đang nợ Microsoft 2,5 triệu bảng tiền thuê nhà quá hạn. Hãng cũng nợ nhà cung cấp dịch vụ bất động sản CBRE gần 420.000 bảng Anh, phần lớn là nợ quá hạn. Các chủ nợ lớn khác của Vertu là Qualcomm và nhà cung cấp dịch vụ CNTT Acora.
Ông chủ hiện tại của Vertu, Murat Hakan Uzan, vào tháng 3 năm nay đã mua lại hãng điện thoại xa xỉ từ Godin Holdings của Trung Quốc, khi doanh nghiệp này đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Trước đó, Vertu đã không đưa ra được báo cáo tài chính năm 2015.
Mặc dù công ty sẽ phá sản nhưng ông Uzan vẫn sẽ giữ lại thương hiệu Vertu, công nghệ và giấy phép thiết kế. Theo một nguồn tin thân cận, ông chủ Vertu đã có kế hoạch khôi phục lại thương hiệu này.
Các nhà máy sản xuất Vertu tại Anh sẽ phải đóng cửa.
Vertu sản xuất những chiếc di động với màn hình sapphire, bọc da cá sấu và chạy các phiên bản Android lỗi thời không bao giờ được cập nhật. Tuy nhiên, đây lại chính là điều được giới siêu giàu yêu thích. Vertu là cái tên hàng đầu trong lĩnh vực điện thoại siêu sang. Từ khi thành lập, Vertu đã bán được hơn 500.000 chiếc điện thoại xa xỉ của mình.
Tuy nhiên, số phận của nó đang có vẻ khá long đong. Thương hiệu từng được thành lập và sở hữu bởi Nokia này bị thâu tóm bởi quỹ đầu tư Thụy Điển mang tên EQT vào 2012, liền sau đó là tay người Trung Quốc và giờ đây, nó tiếp tục bị bán một lần nữa.
Vào năm 2015, công ty Trung Quốc Godin Holdings mua lại và đến tay Hakan Uzan - thuộc gia tộc kinh doanh Uzan đầy tai tiếng. Uzan được cho đã trả 50 triệu bảng (61 triệu USD) để sở hữu Vertu.
Hakan Uzan là một doanh nhân nhiều tai tiếng. Ảnh: Telegraph
Uzan từng bị Nokia buộc tội gian lận. Năm 2002, ông Uzan bị buộc tội khinh thị tòa sau khi ông thất bại trong việc điều trần trước cáo buộc. Ông bị kết án vắng mặt đến 15 tháng tù.
Trong những năm 90 thế kỷ trước, gia đình Uzan đã vay tiền từ Nokia và Motorola để thành lập một nhà mạng có tên Telsim, tạo tiền đề cho Vodafone kinh doanh tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trận chiến với Nokia chỉ là một phần trong những thương vụ không minh bạch của gia đình này. Họ từng sở hữu một ngân hàng, một đài phát thanh, một nhà mạng và hàng chục công ty khác trước khi bị nhà chức trách điều tra năm 2003.
Tài sản của họ đã bị phong tỏa và gia đình Uzan đang sống lưu vong. Theo nhiều nguồn tin, Uzan sống tị nạn chính trị tại Pháp nhưng không ai biết nơi ở thực tế của ông này.
Vertu, trong khi đó từng đạt doanh số cực kỳ ấn tượng ở mức 450.000 chiếc di động năm 2015 với giá trung bình 6.000 USD/chiếc. Model đắt nhất của họ hiện có giá lên đến hơn 40.000 USD.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.