Hậu Giang: Cựu chiến binh Dương Văn Thanh làm kinh tế giỏi

2020-03-27 09:30:02 0 Bình luận
Với đức tính cần cù, chịu khó và bản lĩnh trong làm ăn nên từ hai bàn tay trắng, người cựu chiến binh Dương Văn Thanh (Bảy Thanh), ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, đã gầy dựng lên cơ nghiệp và tên tuổi của mình với cây khóm Cầu Đúc.

Ông Bảy Thanh (hàng đầu bìa trái) là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi và sống gần gũi, chia sẻ cùng cộng đồng.

Hậu Giang vốn nổi tiếng với thương hiệu khóm Cầu Đúc, nhưng câu chuyện làm giàu của người cựu chiến binh với loại cây đặc sản này và xây dựng nên thương hiệu “Vua khóm” thì không phải ai cũng biết.

Đi lên từ hai bàn tay trắng

Ông Bảy Thanh tiếp chúng tôi trong căn phòng khách được xây dựng trên một con mương rộng như để làm cho không khí mát dịu khi thời tiết oi bức như những ngày tháng 30-4 lịch sử này. Hiện tại, ông là chủ trang trại khóm Cầu Đúc rộng 100ha và chủ doanh nghiệp chuyên thu mua khóm để phân phối cho nhiều công ty trên cả nước để chế biến xuất khẩu. Nhìn trang trại khóm của ông bây giờ thì ít ai nghĩ trước đây nơi này là vườn tạp, lau sậy mọc um tùm, đất thì bị nhiễm phèn, nhưng hiện nay là những liếp khóm cao ráo, xanh tốt trải dài thẳng tắp với hệ thống kênh mương thông thoáng dùng để tưới tiêu, rửa phèn. Để có được cơ ngơi như hôm nay, ông Thanh phải gầy dựng bằng cả cuộc đời của một người cựu chiến binh vốn ít chữ, không đất, không tiền, đông con (10 người con) và từng chịu cảnh đói ăn, rách mặc trên con đường mưu sinh lập nghiệp rồi trở nên giàu có của ông luôn gắn liền với cây khóm nên đây là lý do vì sao người ta gọi ông là “Vua khóm” Cầu Đúc, một trái cây đặc sản của vùng đất Hậu Giang. 

Nhấp ly trà nóng xong, ông Thanh kể, quê gốc của ông ở huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang), trước năm 1975, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ và giữ chức vụ Xã Đội phó của xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông không tiếp tục công tác ở xã mà chuyển sang làm kinh tế với nghề trồng khóm. “Khi đó tôi được Nhà nước cấp cho 1ha đất ở xã Tân Tiến để canh tác. Nhưng lúc này, vùng đất nơi đây là rừng rậm, nhiễm phèn, thế nhưng bản thân nghĩ có đất sản xuất là sung sướng rồi nên vợ chồng tôi ngày đêm cày cuốc, phát quang và lên liếp trồng khóm”, ông Thanh nhớ lại thời khó khăn.

Vốn là người quen chịu cực khổ, thậm chí được nhận xét là “lì đòn”, ông tiếp tục đi làm thuê, lái ghe khóm bỏ mối cho bạn hàng khắp các tỉnh miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau những năm trồng và đi buôn bán khóm, ông Thanh đã có của ăn, của để và sang thêm được 3ha để mở rộng diện tích trồng khóm. Lúc này, ông có thể sống cuộc sống an nhàn. Nhưng với phẩm chất siêng năng, ông không dừng lại với cuộc sống hiện tại mà vào năm 2009, ông mạnh dạn thuê 100ha đất gần đó, rồi đầu tư 7 tỉ đồng để khai hoang, lên liếp trồng khóm. Với việc làm này, nhiều người bảo ông đang nhảy vào chỗ chết mà không biết, bạn bè ngăn cản, vợ con khóc lóc nhưng ông quyết làm. Chính nhờ sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của người lính Bộ đội Cụ Hồ mà ngày nay cây khóm đã và đang cho quả ngọt với ông.

Hiện mỗi năm ông cho trồng, thu gom và xuất ra thị trường trên 1.000 tấn khóm. Ngoài 100ha khóm ở thành phố Vị Thanh, hiện ông Thanh còn thuê 35ha đất ở tỉnh Tây Ninh để mở rộng diện tích trồng khóm của mình. Tổng doanh thu hàng năm mà ông Thanh có được từ cây khóm khoảng 30 tỉ đồng, lợi nhuận mỗi năm hơn 10 tỉ đồng. Ông Thanh bộc bạch: “Từ những chuyến ghe ngược xuôi, tôi làm quen được rất nhiều bạn hàng và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ khóm trên thị trường rất lớn, nhất là khóm Cầu Đúc của Hậu Giang nên tôi mới dám đi đến quyết định táo bạo và đạt được thành công”.

Sống gần gũi với cộng đồng  

Nếu lần đầu tiếp xúc và nhìn diện mạo bên ngoài thì ít ai nghĩ ông Bảy Thanh là một tỉ phú, bởi ông luôn giữ trong mình một phong thái của lão nông miền Tây là mộc mạc, xuề xòa, hào sảng và mến khách. Hiện trang trại khóm của ông đang giải quyết công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hơn 60 lao động thời vụ ở địa phương, trong đó có 30 lao động thường xuyên. Khi được hỏi đến người chủ của mình thì tất cả lao động ở đây đều có chung nhận xét rằng, ông ấy sống gần gũi lắm! Ông Nguyễn Văn Cường, người làm công hơn 5 năm cho ông Thanh, tâm sự: “Tính tình của ông Bảy Thanh hiền và tốt với nhân công lắm. Ai mà có khó khăn, thiếu tiền thì được ổng cho ứng trước, sau đó làm trừ lại”.

Với giọng nói lúc nào cũng sang sảng, tính ông xuề xòa nhưng trong công việc thì nghiêm khắc, nhất là lúc thu hoạch khóm. Vì để xảy ra trễ nải có thể làm giảm chất lượng khi chuyển đến nhà máy, gây mất lòng tin với khách hàng. Do đó, vấn đề luôn giữ chữ tín chính là phương châm trong cách làm ăn được ông truyền đạt cho lao động của mình. Ông luôn tự mình chỉ đạo mọi khâu từ quản lý đến điều hành rất chặt chẽ và luôn theo sát để đôn đốc, nhắc nhở mọi người. Còn tiền công được trả theo mỗi công việc, người làm nhiều thì hưởng nhiều, còn làm ít thì hưởng ít, từ đó không có lao động nào khiếu nại chuyện lương bổng.

Tuy có đôi lúc nghiêm túc trong lúc làm, nhưng ông luôn tạo không khí cởi mở với mọi người nên không làm nhân công sợ mà xa cách. Là một ông chủ nhưng lúc nào ông cũng nghĩ mình là lao động bình thường như bao người khác. “Mình cũng từng làm thuê, làm mướn mà trưởng thành nên rất trân trọng và thương mến những người làm công cho mình. Vì thế, tôi sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ họ khi cần thiết và ngược lại. Nhân công ở đây cũng xem tôi như người anh, người chú trong gia đình nên giữa tôi với họ dường như không có khoảng cách nào”, ông Thanh bộc bạch. Vừa dứt lời, vợ ông kể tiếp, đã lâu lắm rồi vợ chồng chưa được ăn cơm chung một bữa mà không có người ngoài. Vì lúc nào ông cũng chờ nhân công về ăn chung, thỉnh thoảng buổi chiều cùng nhâm nhi vài ly với họ.

Sự giản dị của ông còn được thể hiện với hình ảnh ông thường rảo quanh trại khóm của mình hàng ngày bằng chiếc xe ba bánh, đây là một món quà tặng của người bạn. Chẳng phải vì khác người mà vì xe đạp ông còn không biết chạy, thường chỉ quen đi bộ, nhưng vì trang trại rộng mênh mông và không muốn làm phiền người khác nên ông đành gắn bó với chiếc xe ba bánh này. Bên cạnh sống gần gũi, điều đáng quý ở ông “Vua khóm” này là khi trở nên giàu có thì ông luôn quan tâm chia sẻ cùng cộng đồng với việc ủng hộ tiền, đặc biệt là quan tâm đến những người bạn, người đồng đội còn gặp khó khăn về nhà ở. Theo nhẫm tính của ông, nhiều năm qua ông đã hỗ trợ khoảng 370 triệu đồng để làm đường, cất nhà tình thương đồng đội… cho xã Tân Tiến và Hỏa Tiến.   

Chia tay ông Dương Văn Thanh, chúng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của một lão nông tướng mạo rắn chắc, mạnh mẽ, nước da ngăm với giọng nói sang sảng, nụ cười cởi mở và câu chuyện làm giàu của ông “Vua khóm” trên vùng đất Hậu Giang…

Với ý chí vượt khó vươn lên và tinh thần tương thân tương ái, ông Bảy Thanh nhiều lần được mời dự hội nghị và báo cáo điển hình nông dân tiên tiến ở Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội. Đồng thời, được nhận nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng từ Trung ương đến địa phương như: Danh hiệu lãnh đạo tiên phong vì sự phát triển nông nghiệp bền vững năm 2014; doanh nghiệp tư nhân đạt danh hiệu Sản phẩm Công nghiệp nông thôn phát triển bền vững (năm 2015); Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi 5 năm (2007-2011) và (2011-2016); Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017; đặc biệt là danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng phát động thi sáng tác tranh Kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố

Sáng 5/5, TP.Hải Phòng tổ chức lễ phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thành phố (13/5/1955 - 13/5/2025).
2024-05-05 17:56:20

Phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Thông tin & Truyền Thông đã phát hành bộ tem bưu chính ‘Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2024)’. Đây là bộ tem thứ tám của Bưu chính Việt Nam về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:45:10

Ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Hôm nay, 5/5, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hoá tỉnh Điện Biên ra mắt Trung tâm báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 16:30:00

Tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 5/5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, TP Điện Biên Phủ, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước tổ chức tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-05-05 12:05:00

Nghệ An: Công diễn vở kịch hát 'Lời Người - Lời của nước non'

Hướng đến Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), tối 4/5, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An giới thiệu vở kịch hát “Lời Người - Lời của nước non” của tác giả Vũ Hải, đạo diễn NSND Hồng Lựu.
2024-05-04 22:35:00

HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 13 nghị quyết quan trọng

Sáng 4/5, HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) đã họp bàn, xem xét và thông qua 13 nghị quyết quan trọng nhằm kịp thời xử lý các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
2024-05-04 17:05:00
Đang tải...