Người khuyết tật chật vật tìm việc làm
Theo Thông tấn xã Việt Nam, những người khuyết tật luôn khao khát có công việc để có thể tự lao động nuôi sống chính mình, giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế cho gia đình và xã hội. Người khuyết tật rất khó tiếp cận vào điều kiện làm việc của người tuyển dụng lao động cũng như việc di chuyển. Vì vậy, họ rất cần những công việc có thể làm tại nhà, hoặc Trung tâm việc làm mà vẫn có thu nhập.
Hiện nay, nhiều Trung tâm việc làm dành cho người khuyết tật được mở ra. Trong đó có công việc: thêu ren, đan, cắt may, tranh đá, làm gốm sứ qua các nghề truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, phụ nữ khuyết tật cũng có thể làm các công việc về: tin học văn phòng, làm bánh ngọt, chế biến các món ăn, sửa xe máy, vi tính... phù hợp theo điều kiện sức khoẻ của từng cá nhân.
Anh Dương Minh Hiếu chia sẻ với Lao động Thủ đô: "Tôi đã từng đi làm một đơn vị theo hình thức khoán sản phẩm. Đợt dịch COVID-19 vừa rồi cũng có nghỉ và nay đi tìm công việc mới ổn định hơn. Nhìn chung, các đơn vị khi tuyển người khuyết tật thường lo ngại về mặt sức khoẻ không tốt đảm bảo cho công việc nhưng bản thân tôi nhận thấy đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu. Chúng tôi cũng mong muốn có công việc ổn định để tự trang trải cuộc sống và vươn lên”.
Có thể thấy, việc làm đối với người khuyết tật luôn là một trong câu hỏi lớn cần được cả cộng đồng cùng tìm lời giải. Không ít doanh nghiệp hoặc cá nhân hiện không chịu nhận người khuyết tật vào làm việc; chính vì doanh nghiệp chưa mạnh dạn 'mở lòng' nên tỷ lệ người tàn tật thất nghiệp vẫn còn cao. Nhiều người tàn tật bằng nghị lực đã vươn lên, bằng mọi cách mong tìm được công việc phù hợp để không là gánh nặng của gia đình và xã hội nhưng cũng khó có việc làm ổn định. Sự khiếm khuyết trên cơ thể không chỉ là nỗi đau thể chất mà còn là vật cản khiến họ không tự tin hòa nhập với cộng đồng. Việc làm không chỉ đem lại niềm vui, thu nhập cho người khuyết tật mà còn là cầu nối giúp họ tự tin, hòa nhập với cuộc sống.
Hỗ trợ giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng (Ảnh minh họa).
Chia sẻ với Vietnamnet, anh Nguyễn Tuấn Vinh, một người khuyết tật phấn khởi: "Sau nhiều ngày tìm kiếm việc làm, đến nay tôi mới được một doanh nghiệp tuyển vào làm vị trí chăm sóc khách hàng. Tôi sẽ cố gắng làm việc thật tốt để có thể làm chủ cuộc sống của bản thân, để không trở thành gánh nặng của gia đình và đỡ mặc cảm hơn về khiếm khuyết trên cơ thể mình.”
Vượt qua mặc cảm và khó khăn của tật nguyền, nhiều người khuyết tật đang vươn lên với ý thức “tàn mà không phế” để có cuộc sống tự lập về kinh tế và hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên để làm được điều này, họ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và tinh thần giúp đỡ của cả cộng đồng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.