"Hoa tre' từ đôi bàn tay người khuyết tật
Mỗi món đồ của anh Hồ Em có giá bán từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng, giúp anh tự chủ kinh tế, thu nhập từ 3-10 triệu đồng/tháng
Không cầu kỳ hay hoành tráng như các cơ sở thủ công mỹ nghệ ở địa phương, căn nhà nhỏ tọa lạc tại xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vừa là nhà, vừa là nơi để anh Triệu Hồng Hồ Em thỏa sức sáng tạo và theo đuổi đam mê của mình.
Thân hình gầy còm, khẳng khiu chiếc cổ chẳng thể cử động và đôi chân đi đứng cần một tay chống đỡ ấy thế mà ẩn sau vỏ bọc yếu ớt ấy là cả một nghị lực "thép" của chàng trai 32 tuổi này.
Anh Triệu Hồng Hồ Em là con út trong gia đình nghèo và cha mất sớm. Nhà có 4 anh, chị em nhưng anh trai bị tai nạn qua đời, còn 2 người chị có gia đình riêng, làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Bi kịch bắt đầu vào năm anh học lớp 3 thì bất ngờ bị sốt bại liệt khiến anh bị nhức chân từ gối xuống tới mông và đến năm lớp 6 thì không thể đi lại được nên phải nghỉ học.
Bà Võ Thị Ánh mẹ của anh Hồng Em cho biết, ngày đó nhà bà không có nổi một sào đất. Lúc ạnh Hồng Em phát bệnh cũng là lúc cha anh bạo bệnh do ung thư rồi người anh thì bị tai nạn nằm liệt giường. Bao khó khăn cứ nặng gánh nặng cứ dồn lên vai bà.
"Không đành lòng nhìn Hồng Em nằm một chỗ, cứ mỗi ngày sau khi tôi đi bán buôn về thì giúp con ăn uống, thuốc men, vận động tay chân, rồi cả vệ sinh thân thể. Lúc đó nhà nghèo lắm tôi làm đủ công việc từ sáng đến tối được bao nhiêu tiền thì lo chạy chữa thuốc thang cho chồng và con. Thấy con mình quá nhỏ đã bị bệnh như thế, người mẹ nào mà chẳng đứt ruột"-bà Ánh không giấu nỗi xúc động khi nhắc về quá khứ.
Từ những gian khổ mà mẹ trải qua rồi cả việc cha và anh qua đời đã khiến anh Hồ Em phải vực dậy.Anh cố gắng tự vận động tại chỗ rồi tập ngồi xe lăn và sau một thời gian sau anh đã sau có thể đi lại đôi chút. Khi cơ thể tạm ổn, để đỡ buồn anh bắt đầu mày mò chế những đồ vật từ tre, cũng từ đó anh dần bén duyên với nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Năm 2010, khi tay nghề đã thành thạo, anh quyết định làm quà lưu niệm từ tre để bán kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Để phụ giúp con trai người mẹ dù đã 70 tuổi vẫn cần mẫn đốn tre. Rồi đem về chẻ, chuốt, phơi để con có nguyên liệu làm đồ. Và nhìn vào những sản phẩm từ tre của anh mới thấy được sự tỉ mỉ chăm chút đến từng chi tiết.
"Khách thường đặt hàng theo những mẫu mình làm sẵn, một số khách sẽ đưa mẫu và mình phải tự cân chỉnh kích thước sao cho tổng thể hoàn mỹ nhất. Thường những món đồ mình làm nó có kích thước nhỏ, nhiều mẫu rườm rà chi tiết nên mất khá nhiều thời gian để chế tác. Có những tác phẩm mình làm hoàn toàn từ tre nhưng có nhiều sản phẩm mình phải dùng thêm gỗ hoặc trúc. Ví dụ như cánh hoa thì phải dùng trúc vót, chuốt rồi mài mới có độ cong ưng ý"-chàng nghệ nhân trẻ tâm sự.
Sau bao bão giông, thăng trầm, suốt hơn 10 năm cố gắng không ngừng đã giúp chàng trai trẻ huyện cù lao này trở thành điểm tựa vững chắc cho người mẹ. Chẳng những giúp gia đình thoát nghèo mà anh còn là động lực truyền cảm hứng cho nhiều người ở địa phương.
* Tít bài đã được thay đổi.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.