Hồ Chí Minh - Niềm tin chiến thắng!
Trong cuộc đời chiến đấu của mình, kỷ niệm lớn nhất trong tôi là được trực tiếp nghe Bác chỉ đạo, dạy dỗ nhiều lần. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác trong bữa tiệc khao quân ở Bộ chỉ huy chiến dịch Biên giới thắng lợi năm 1950. Hôm ấy, Bác rất vui trong những câu chuyện với cán bộ các Đại đoàn và các đồng chí Cố vấn Trung Quốc. Bác nói mấy câu rất ngắn gọn và mời mọi người nâng cốc, cùng ăn cho nóng, đừng để nguội thức ăn. Từ hôm đó, tôi nhận thức ra một điều thật thiêng liêng ở Bác: Bác vĩ đại nhưng gần gũi vô cùng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Internet
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ 7/5/1954, Đại đoàn 312 - Đại đoàn Chiến Thắng của chúng tôi lập công, cắm cờ chiến thắng kịp thời trên nóc hầm Đờ-Cát. Bao giờ Bác cũng nhắc: Các chú lập công lớn nhưng chớ tự cao, tự đại. Phải đoàn kết, trên, dưới một lòng cố gắng lập công lớn hơn. Bác đã “bốc liều thuốc” để chữa chứng bệnh rất dễ phát sinh đối với Bộ đội khi xông trận, lập được công to.
Tôi còn nhớ đầu tháng 1/1956, khi về thăm sư đoàn, Bác đi thẳng ra phía đồi Ba Huyện của tỉnh Bắc Ninh, nơi bộ đội đang huấn luyện. Bác vui vẻ trò chuyện cùng cán bộ, chiến sỹ và ân cần dặn dò đủ mọi điều. Tôi nhớ nhất lời Bác dặn: “…Bây giờ Bộ đội đang xây dựng chính quy, có nhiều cái mới lạ và khó khăn. Ta phải thấy cái gì là khó khăn thì tìm cách khắc phục bằng được”. Quả thật, suốt chín năm đánh Pháp, bộ đội chỉ ở trong rừng và ở trong dân, nếp sinh hoạt du kích nhiều khi còn luộm thuộm. Bước vào huấn luyện chính quy, việc rèn dũa để khắc phục tác phong du kích phải khổ luyện nhiều. Sau lần Bác đến thăm, tư tưởng chính quy thời bình được các tổ chức chính trị và các cấp trong sư đoàn thảo luận rất kỹ lưỡng và sâu sắc. Tư tưởng đó trở thành hành động của toàn thể cán bộ, chiến sỹ nên sư đoàn trưởng thành rất nhanh.
Ngày 8/6/1959, Bác lại đến thăm sư đoàn. Người vào thẳng sư đoàn bộ và tiểu đoàn 7 (trung đoàn 209) trong khu doanh trại vừa xây dựng xong ở Gia Sàng (Thái Nguyên). Bác rất vui vì thấy doanh trại khá đẹp, nếp sống chính quy của bộ đội khá ngăn nắp. Thấy có một chiếc khăn mặt của một chiến sỹ phơi vội, chưa thẳng mép khăn, Bác nhẹ nhàng kéo hai mép khăn cho thẳng lại và nói: “Các chú thấy không? Cả một hàng khăn mặt đều thẳng mép, chỉ một chiếc khăn xộc xệch là làm xấu cả dây phơi rồi”. Chúng tôi hiểu: Người tiếp tục nhắc chúng tôi khắc phục “nếp sinh hoạt du kích” như lần trước đến thăm sư đoàn Người đã nhắc và càng thấm hiểu việc xây dựng nếp sống chính quy cần phải rèn chiến sỹ từ việc nhỏ. Hôm ấy, gần trưa, nắng Thái Nguyên rất gắt. Nhìn lưng Bác, tấm áo ka ki ướt đẫm mồ hôi. Bác đến thao trường thăm bộ đội tập luyện. Cả tiểu đoàn 7 ùa lại, quây quanh Bác, trò chuyện vui vẻ, thân mật như đón người Cha đi vắng lâu ngày mới về thăm nhà. Bác hỏi mấy chiến sỹ: “Các cháu ăn cơm có bốn món không? Ăn có ngon miệng không? Trời nắng thế này có đun thêm nước sôi để nguội, đem ra bãi tập cho bộ đội uống không?” Trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ, Bác dặn, đại ý: Phải tổ chức cuộc sống tốt mới có sức khoẻ tốt để xây dựng nếp sống chính quy tốt thì quân đội mới trưởng thành nhanh được. Quân đội trưởng thành nhanh thì mới đánh thắng được kẻ thù, dù chúng dở bất cứ thủ đoạn gì…
Sau tháng 5/1959, khi được học tập Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II) để quán triệt quan điểm: “Con đường cách mạng giải phóng miền Nam chỉ có thể là con đường bạo lực”, chúng tôi càng hiểu những điều Bác dạy bộ đội đã nung nấu trong đó ý chí sắt đám quyết tâm giải phóng miền Nam của Người.
Đầu năm 1964, đúng ngày 1 tháng 1, Bác lại lên Thái Nguyên thăm Sư đoàn 312. Cùng đi với Bác có cả Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, sau kháng chiến chống Pháp được Trung ương điều động sang phụ trách nông nghiệp - mặt trận hàng đầu, theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, mới được điều động trở lại quân đội, cùng đi với Bác. Lần này, sau khi nghe tình hình sư đoàn, Bác nói nhiều về cách mạng miền Nam. Bác khẳng định: Kẻ thù dù tàn ác đến đâu, cuối cùng, nhất định chúng sẽ bị thất bại. Bác nhấn mạnh về tốc độ xây dựng quân đội chính quy, nâng cao bản lĩnh và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, sẵn sàng có lệnh là lên đường. Bác nhấn mạnh: “Ở đâu các chú cũng nhớ quan hệ tốt với chính quyền và nhân dân địa phương. Quân dân đoàn kết một lòng là sức mạnh dời non, lấp biển. Có sức mạnh đó, kẻ thù nào ta cũng đánh thắng, nhiệm vụ nào ta cũng hoàn thành”. Lần này, ngấm sâu những điều Bác dạy bộ đội, chúng tôi hiểu: Tiền tuyến miền Nam sắp gọi đến sư đoàn…
Tháng 10/1964, tôi đang họp Đảng uỷ sư đoàn thì có điện điều động gấp của Bộ Tổng Tư lệnh. Mười lăm phút sau, tôi lên xe về thẳng Hà Nội nhận nhiệm vụ trong sự chia tay vội vã của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh sư đoàn. Sau một thời gian rất ngắn quán triệt nhiệm vụ ở Bộ Tổng Tư lệnh, tôi và các đồng chí được điều động vào miền Nam ráp thành các “bộ khung” xây dựng các đơn vị chủ lực của quân giải phóng miền Nam. Vào đến miền Đông Nam Bộ chúng tôi nhận thức ra một điều thầm kín trong Bác: Người chỉ đạo nuôi quân rất bài bản, hệ thống để chuẩn bị cho thời điểm này đây…
Bác Hồ - Vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam... - Ảnh: Ineternet
Sau ngày tôi đi một thời gian, các đơn vị của Sư đoàn gồm: Trung đoàn 209, Trung đoàn 165, Trungđoàn 141 lần lượt được điều động vào chiến trường khu 5, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Ở hậu phương, Sư đoàn 312 lại được bổ sung quân để huấn luyện, xây dựng các đơn vị mới.
Từ 1964 đến 1975, suốt 11 năm trên chiến trường ác liệt, từ một Sư đoàn 312, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã trở thành lực lượng nòng cốt, xây dựng nên ba sư đoàn mới: Sư đoàn 312 ở miền Bắc, lập công xuất sắc trên chiến trường Lào; Sư đoàn 3 bộ binh, lập công xuất sắc trên chiến trường khu 5; Sư đoàn 7 bộ binh lừng lẫy chiến công ở miền Đông Nam Bộ. Mùa xuân năm 1975, cả ba sư đoàn chúng tôi đều có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và cùng hội quân ở Sài Gòn - Thành phố mang tên Bác.
Trong ngày vui đại thắng và mãi sau này, chúng tôi luôn ghi nhớ: Tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh luôn luôn là nguồn cổ vũ vô tận với quân đội ta, làm nền tảng tạo nên chiến thắng theo đường lối cách mạng của Đảng và sự nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.