Hội nghị IPU Châu Á Thái Bình Dương - Ứng phó với biến đổi khí hậu
Tại hội nghị, đại diện nước chủ nhà Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã đề nghị nội dung nghị sự tập trung vào 4 vấn đề: Một là thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu; hai là thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; ba là cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp; cuối cùng là việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng.
Chủ tịch Quốc Hội trao đổi với các Nghị sĩ Nghị viện các nước |
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trong Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia ven biển, quốc đảo nhỏ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước, sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích của thành phố.
Nêu bật vai trò của sự tăng cường sự đoàn kết và cùng phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ gìn ngôi nhà chung Trái Đất - hành tinh xanh cho thế hệ tương lai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của biến đổi khí hậu đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Quốc hội Việt Nam đã nhất trí cao với IPU về nội dung nghị sự của Hội nghị chuyên đề lần này, đó là: Thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào Mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; Thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp và việc huy động nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng.
Kết quả của Hội nghị sẽ được chuyển tới Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) để chia sẻ với các thành viên IPU, trong đó có đề xuất các giải pháp và hành động. Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp với IPU tổ chức Lễ Công bố Bộ công cụ tiêu chí cho các nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một văn bản hết sức quan trọng, cung cấp thông tin về các Mục tiêu phát triển bền vững, khuôn khổ hành động, sự tham gia của các Nghị viện để thúc đẩy nhận thức được tầm quan trọng của biến đổi khí hậu đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SGD).
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP HCM |
Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Ông Saber Chowdhury cho biết, có khoảng 80% thiên tai xảy ra trên toàn thế giới là do biến đổi khí hậu. Trong 45 năm qua, 88% người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, làm khoảng 2 triệu người thiệt mạng. Điều đó cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn thế giới. Sự kết nối rất chặt chẽ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác hại của thiên tai có tác động trên khắp thế giới về tăng trưởng, giảm nghèo, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Cũng theo ông Saber Chowdhury, các nghị viện đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình xác định lộ trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, do đây là các cơ quan thực hiện các hoạt động liên quan đến thể chế. Vì vậy, ông Saber Chowdhury hy vọng, IPU và các nghị viện thành viên cam kết lãnh đạo và tích cực tham gia để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Về cách làm, thực hiện các Mục tiêu SDG đã được xác định đến năm 2030, Chủ tịch IPU nhấn mạnh: "Các Mục tiêu SDG không mang tính pháp lý ràng buộc. Khi bàn về biến đổi khí hậu, không có sự ràng buộc trong thực hiện nhưng với sự cam kết của các nghị viện, các quốc gia, chúng ta hy vọng sẽ tạo tác động tích cực cho cuộc sống của người dân. Cho nên, hội nghị này, các đại biểu không chỉ trao đổi các ý tưởng triển khai mà còn mở rộng hơn, đào sâu hơn khả năng hiểu rõ lộ trình để đạt được các Mục tiêu SDG và cách làm nào là tốt nhất và quan trọng nhất". Theo Chủ tịch IPU, có 5 nội dung gồm: trọng tâm là con người; hòa bình; sự thịnh vượng; kết nối giữa các chính phủ, các nghị viện, bên trong các nghị viện; phát triển về kinh tế, năng suất, dựa vào nguồn lực xã hội. Năm trụ cột này sẽ hình thành nên nền tảng thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Bí Thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua đánh giá các yếu tố gây ra biến đổi khí hậu, các nhà khoa học nhận định các yếu tố có tác động mạnh nhất đến Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Trong những năm qua, tình trạng nước biển dâng ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân thành phố. Trước thực trạng này, Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được và đã có những chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý nước, nông nghiệp... Đây là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với biến đối khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.
Còn theo ông Gs Mai Trọng Nhuận, chuyên gia đến từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường thi Việt Nam là nước đã đưa ra những kịch bản để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là hoàn toàn chính xác và đã phần nào giảm thiểu những thiệt hại và rủi ro. Nhưng vấn đề cần làm ngay từ hôm nay là tạo cho người dân hiểu được biến đổi khí hậu không còn là rủi ro nữa mà nó là lợi thế có thể tận dụng và thích ứng với nó để phát triển bền vững. Trong năm 2016, IPU đã phối hợp với các Nghị viện thành viên tổ chức một số hội thảo chuyên đề triển khai việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), gồm: Hội thảo khu vực về Nghị viện và việc thực hiện các SDGs tại Bucharest, Romania (4-2016); Hội thảo liên khu vực về tăng cường năng lực nghị viện và thúc đẩy thực hiện các SDGs tại Bắc Kinh, Trung Quốc (9-2016)...
Các nhà lập pháp các nước tại Hội nghị cùng Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao đổi về biến đổi khí hậu |
Bộ Trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói, biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2016 lại phá kỷ lục của năm 2015, trở thành năm nóng nhất trong lịch sử tồn tại của loài người, Nồng độ CO2 trong bầu khí quyển tiếp tục tăng, đã vượt quá ngưỡng nguy hiểm. Biến đổi khí hậu được dự báo là có nhiều diễn biến phức tạp trong những năm tới, tiếp tục tạo ra nhiều thách thức về kinh tế - xã hội, an ninh và môi trường. Biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững đối với tất cả các nước trên thế giới, từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu cũng là cơ hội để các quốc gia thay đổi để phát triển, cơ hội tăng cường đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau về tài chính, tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trên cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris. Thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, lối sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, từ sử dụng năng lượng đen sang phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình này. Là cơ hội cho đầu tư thông minh, thân thiện với khí hậu. Vấn đề này đã được xác định rõ như là một trong 3 mục tiêu chính của Thoả thuận Paris là nhằm “Điều chỉnh dòng tài chính phù hợp với lộ trình phát triển phát thải thấp và thích nghi khí hậu.
Trước tình hình đó, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn coi biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn đối với quốc gia và chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tích cực, chủ động ứng phó đối với vấn đề này, đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đã sớm tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, ký Thỏa thuận Paris tại New York (Mỹ) và đã phê chuẩn cam kết quan trọng này vào cuối tháng 10-2016... hội nghị IPU về Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là tiền đề để xây dựng và thay thế dần nghị định thư Kyoto sắp hết hạn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.